Mẹ nên chơi xếp hình cùng con, giúp tăng cường trí nhớ và kích thích sự sáng tạo của con!
Đừng khinh rẻ
Hiện nay trên thị trường có nhiều bộ trò chơi xếp hình dành cho con trẻ. Đặc điểm chung của chúng là có nhiều chi tiết khác nhau, với kích thích khác nhau. Mỗi một chi tiết đều có nhiều khớp nối. Chúng có thể là khớp nối dạng tròn-tròn, vuông vuông hoặc khe cắm. Bé yêu có thể đính bộ phận này vào bộ phận khác ở nhiều vị trí, có thể đính ở bên, ở mặt trên, mặt dưới, mặt trước và mặt sau. Và do đó, đương nhiên sẽ tạo ra nhiều hình thù khác nhau, miễn là em bé tưởng tượng ra được và xếp ra được.
Ảnh: Internet
Trò chơi xếp hình tuy đơn giản song lại có rất nhiều tác dụng với hệ thần kinh trung ương. Tác dụng ấy bao gồm.
Một-Giúp bé quan sát. Quan sát là một đặc tính đặc biệt của hệ thần kinh trung ương. Nó kích thích bé khám phá, tò mò xung quanh và quan sát xung quanh. Quan sát xung quanh khiến bé biết được nhiều hình thù, con vật, đồ vật, đối tượng, màu sắc khác nhau của cuộc sống. Thông qua đó, bé tiếp nhận rất nhiều thông tin chuẩn bị cho nền tàng thử 2, trí nhớ. Một đứa trẻ biết quan sát sẽ là một đứa trẻ thông minh và thích tìm hiểu. Chơi được xếp hình 1 lần, ở những lần sau, bé lại rất thích nhìn lại những cái mà mình xếp được.
Hai-Tăng cường ghi nhớ. Ghi nhớ hoặc trí nhớ là một đặc tính vô cùng quan trong của hệ thần kinh trung ương. Trí nhớ giúp bé lưu lại tất cả thông tin vào trong não bộ, cất giữ và lôi ra lúc cần thiết. Bé có thể ghi nhớ trong lúc đi chơi cùng bố mẹ, lúc đi học, lúc đùa vui cùng chúng bạn...Và đến khi ngồi xếp hình, bé bắt đầu lôi những thứ đó ra từ trong não bộ. Sự ghi nhớ của bé là một sự ghi nhớ vô thức, không có bất kỳ sự cưỡng ép học tập nào cho nên nếu bé tự nhiên ghi nhớ được càng nhiều thì khả năng trí nhớ của bé trở nên siêu phàm. Nó sẽ luyện cho bé cách nhớ các đồ vật, con vật và cả thế giới ba mẹ dành cho bé.
Ba-Giúp kiên nhẫn hơn. Trò chơi xếp hình không khó chơi. Chỉ việc ráp lại. Nhưng việc ráp lại rất tỉ mỉ vì chúng nhiều những mảnh ghép nhỏ li ti. Nhỏ đến mức bé cần phải ráp nhiều mảnh nhỏ lại mới ra một hình thù lớn có thể nhìn thấy được. Điều đó có nghĩa là bé phải mất rất nhiều công sức để lựa chọn, bới lên tìm, thử miếng này miếng khác, sửa chỗ này chỗ khác. Nếu xếp đúng, hình thù tạo ra khá dễ dàng như ý muốn nhưng nó lại cũng rất dễ chệch ra hình khác buộc lòng bé phải kiên nhẫn hơn. Nếu muốn thành công. Xếp được 1 hình xong, bé có thể ngồi 1 chỗ hàng chục phút, đây là một cách rèn tính kiên nhẫn cực hiệu quả ở trẻ em. Bởi trẻ em có đặc tính ham chơi, ham thèm, ham chán, hiếu động. Khi xếp được một hình, bé đã kiên nhẫn lên một bậc, tạo đà cho tính kiên trì bền bỉ trong tương lai.
Bốn-Kích thích sự sáng tạo. Sáng tạo là tạo ra cái mới từ những cái cũ, tạo ra cái chưa có từ những cái có, điều chỉnh cái đã có thành những cái mới với đặc tính hay hơn, đẹp hơn, hữu ích hơn. Sáng tạo là một đặc tính chỉ có ở hệ thần kinh trung ương và rất mực cần cho bé để phát triển khả năng riêng của mình. Từ một bộ trò chơi xếp hình, bé có thể tạo ra được vô số hình thù tương tư nhau, chúng chỉ khác nhau ở vài điểm. Đó là sự sáng tạo. Tôi đã từng quan sát một em bé xếp con thuyền. Lần đầu bé xếp con thuyền y hệt như trong phim hoạt hình có treo cờ cướp biển. Lần sau bé thay bằng cờ mặt trăng, lần sau nữa bé thay con mèo ở trên boong tàu và cười khanh khách. Mỗi lần ấy là một lần bé tự bảo hay là mình thử thay xem ra sao. Kết quả thu được, ra được một hình bé cảm thấy thú vị và trí não thì phát triển mạnh mẽ.
Nhưng để chơi xếp hình hiệu quả, bạn cần biết cách làm bé trở nên yêu trò chơi này. Đừng quẳng chiếc ipad cho bé chơi, đừng quẳng chiếc ti vi cho bé xem vì nó không có giá trị phát triển tố chất cá nhân của con trẻ.
Vậy chơi cùng con ra sao?
Trước hết, bé sẽ chưa biết chơi xếp hình nhé. Bạn cần cùng chơi mẫu với con, hãy bắt đầu bằng những thứ đơn giản nhất, ví dụ hình vuông, hình tròn, cái bàn, cái ghế. Tất cả những thứ vô cùng đơn giản và quan sát ngay trước mặt. Hoặc bạn có thể hỏi con thích xếp hình gì, mẹ con mình cùng chơi nhé. Bởi quan trọng, bạn cần xếp hình bé cần có khái niệm, bé cần sự nhận biết chứ đừng nên chơi xếp hình những thứ mà bé chưa bao giờ tưởng tượng ra.
Tiếp nữa, bất kỳ một thành quả nào của bé đều vô cùng đáng trân trọng và khích lệ. Bé xếp lá cờ có thể chưa đẹp, bé xếp ô tô có thể chưa giống, nhưng bạn đừng vội lên tiếng chê bai ôi con xếp sai rồi, ô tô mà thế kia!!! Tất cả những thứ bé làm ra, dù chưa đúng nhưng đã chứng tỏ một điều bé đã từng quan sát, đã từng ghi nhớ và đã biết cách khai phá trí nhớ biến nó thành thực tế. Bé xếp được ra thế là vì bé nhớ thấy thế và tưởng tượng ra như thế. Đó là đặc tính cá nhân của mỗi con trẻ. Đây là một dấu hiệu cho thấy hệ thần kinh trung ương của bé đã hoạt động đúng hướng và bé đã bắt đầu có tư duy. Chỉ cần thế thôi rồi chúng ta sẽ tính tiếp dần dần. Điều đáng sợ nhất là bé không tư duy, không nhớ, không quan sát và thờ ơ với thế giới xung quanh. Lúc đó, bạn không có cách nào phát triển bé được.
Sau đến, bạn cần kích thích bé phát huy trí tò mò bằng cách thử ra đề cho bé. Nhưng việc ra đề cần phù hợp. Bạn cần phải biết con mình đã biết những gì. Có thể những hình với bạn cho là dễ nhưng với bé cho là khó vì bé không có hoặc chưa có khái niệm hình thù ấy trong đầu. Bạn chê bé xếp ô tô xấu và yêu cầu bé xếp lại hình khác cho đẹp ví dụ con cá voi. Nhưng rất tiếc con cá voi bé lại chưa từng được nhìn, chưa từng được ghi nhớ thì việc thực thi quả là rất khó thành công. Biết được thứ bé nhớ, bé thích, bé yêu và kích thích bé xếp hình thì bạn dễ dàng thành công trong việc kích thích bé tự phát triển.
Một chi tiết khác, sau khi bé xếp xong, bạn cần trầm trò khen ngợi, thán phục. Mà đúng là đáng khen ngợi và thán phục thật. Vì ở lứa tuổi 2-3 tuổi mà làm được như vậy là rất rất đáng khen. Bạn cần biết giả vờ cất giữ cho con như một thứ gì rất quý. Và bé tự nhận thấy, à, nếu mình làm được như vậy, mẹ sẽ rất vui. Thế là bé ra sức tìm đi tìm hình mới và xếp hình mới. Được vài hôm bạn mới thỏa thuận với bé là chúng mình gỡ cái nhà, gỡ cái ô tô kia ra và chơi thứ khác nhé con yêu. Bé đồng ý và cả 2 mẹ con cùng chơi trò chơi mới. Cứ dần dần như vậy, bạn sẽ khiến bé ngồi lỳ, bỏ cả vài chục phút đến 2 tiếng ngồi tẩn mẩn với những thứ xếp hình. Xếp được xong, bé sẽ rất vui và trí não thì phát triển lên một tầm mới rất mực cần thiết cho cuộc sống của chính bé tương lai.