Dạy con kiểu Nhật - Kỷ Luật Tự Giác.
Bài 1: Kỷ luật ép buộc là gì!?
Ở Nhật Bản, có một hình thức giáo dục tính kỷ luật của trẻ giúp cho cả phụ huynh và trẻ đều cảm thấy nhẹ nhàng, dễ chịu, người Nhật gọi đó là “Shitsuke” – SELF-DISCIPLINE.
Theo Giáo sư Nobuko Uchida – Giáo sư đại học Ochanomizu: “nhiều cha mẹ Nhật đã thực hành việc dạy con cái mình “Shitsuke” bằng cách cho trẻ cùng làm phần lớn hoạt động thường ngày với mình như lau dọn nhà cửa, chuẩn bị bữa ăn. Trong lúc làm sẽ kết hợp với trò chuyện thân mật, cởi mở. Trẻ em Nhật sẽ học được cách cư xử trong những tình huống khác nhau thông qua việc bắt chước cách hành xử từ cha mẹ hơn là thông qua những giáo huấn, nhắc nhở nếu lỡ làm sai” . Từ đó hình thành nên cái gọi là “Kỷ luật tự giác” (Self-discipline) hoặc “Tự kỷ luật”.
Loạt bài về phương pháp giáo dục “Kỷ luật tự giác” này sẽ giúp các Mẹ có tư duy và hình dung tổng quát về Kỷ luật tự giác, cũng như phương pháp cơ bản để rèn luyện. Trước tiên, trong phần 1 và 2 của loạt bài này, bài viết sẽ tập trung đưa thông tin về “Kỷ luật ép buộc” – khi phụ huynh lạm dụng quá nhiều uy quyền sức mạnh.
Kỷ luật là gì?
“Kỷ luật là hành vi, là một loại trật tự tương ứng với những quy tắc hoặc được huấn luyện mà có”. Kỷ luật cũng là việc “tạo ra trạng thái trật tự, phục tùng bằng cách huấn luyện, kiểm soát, trừng phạt”. Ví dụ “giám thị giữ gìn kỷ luật cho trường”, “trẻ em cần được đưa vào kỷ luật”, “kỷ luật trong quân đội” …
- Kỷ luật ở một mặt tích cực là sự giáo dục những hành vi mong muốn ở một cá nhân.
- Ở mặt khác nó sẽ được hiểu là sự kiểm soát đòi hỏi sự phục tùng. Ở khía cạnh này, kỷ luật thường được khai thác thành một kim chỉ nam để có thể áp dụng mọi biện pháp cứng rắn nhất để thiết lập sự phục tùng.
Để có thể tạo ra kỷ luật, người ta thường nói đến “quyền lực” hay “uy quyền”. Muốn người khác phục tùng thì người thiết lập nên trật tự cần phải có uy quyền. Và đây mới là điều mà người lớn hay sử dụng một cách khó kiểm soát trong quá trình giáo dục trẻ. Và đây cũng mới chính là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất.
Bốn uy quyền để thi hành kỷ luật
Để hướng trẻ vào đúng trật tự mong muốn, các bậc phụ huynh, giáo viên sẽ sử dụng 4 loại uy quyền của mình, mà theo Theomas Gordon liệt kê là:
- Uy quyền dựa trên kinh nghiệm: quyền lực mà một người có được nhờ vào sự hiểu biết, kinh nghiệm, trải nghiệm. Trẻ em sẽ dựa trên những lần cha mẹ hay thầy cô đưa ra lời khuyên hay chỉ dẫn cho chúng để tin tưởng vào ai, ai là người sẽ được trẻ hỏi ý kiến và nghe lời trong lĩnh vực tương tự.
- Uy quyền dựa trên địa vị: Trẻ em hoàn toàn có thể hiểu được vị trí và vai trò của từng người trong xã hội. Từ đó cư xử phải phép. Dạng uy quyền này thường có được do quy ước xã hội, nội quy trong nhóm. Ví dụ Người quản trò sẽ có quyền đưa ra luật chơi và giám sát mọi người tuân thủ luật chơi; Giáo viên sẽ có quyền đưa ra bài tập về nhà; Bác tài xế có quyền yêu cầu trẻ lên, xuống xe….
- Uy quyền dựa trên thoả thuận không chính thức: Đây là loại uy quyền thường thấy trong gia đình. Ví dụ, trong nhà, mọi việc liên quan đến ăn uống là do mẹ thực hiện, những việc đưa đón con giao cho ba, chăm sóc vật nuôi là con làm. Như vậy, người thực hiện việc gì sẽ có quyền nhất định với việc đó, đồng thời cũng phải thỏa mãn những yêu cầu của người khác. Ví dụ Ba đón con sẽ có quyền hối thúc con nhanh chóng nhưng lại cũng phải đón theo yêu cầu của con – mấy giờ, đón ở đâu…
- Và uy quyền dựa trên sức mạnh: Uy quyền này thường là do sự áp đặt, cưỡng ép người khác làm ngược ý của muốn họ, theo ý của người giữ quyền lực. Quyền lực này có được là do người nắm quyền có những yếu tố về sức mạnh thể chất, tiền bạc, lợi ích có thể chi phối được người khác. Đây là loại uy quyền thường xuất hiện khi nói đến “sức mạnh” của người lớn (cha mẹ, giáo viên) đối với trẻ em.
Bài tiếp theo, nếu người lớn lạm dụng quá nhiều uy quyền sức mạnh, chuyện gì sẽ sảy ra?
Bài 2: Kỷ luật trong nước mắt.
Nguồn: ShoPro - Phương pháp mầm non SPM Nhật Bản - Dạy con kiểu Nhật