Các ông bố bà mẹ không nên cho đứa con chưa được 6 tháng tuổi của mình uống nước lọc, bởi quá nhiều nước có thể đẩy bé vào tình trạng ngộ độc rất nguy hiểm cho sức khỏe.
"Cho dù rất bé nhưng các em vẫn có phản ứng khát nước và nhu cầu uống nước. Vì vậy khi chúng khát, thứ nước mà chúng cần chính là sữa mẹ hay sữa bột", Jennifer Anders, bác sĩ nhi tại Trung tâm trẻ em Johns Hopkins ở Baltimore cho biết.
Do thận của trẻ chưa phát triển hết, nên việc cho chúng uống quá nhiều nước sẽ làm cơ thể thải ra natri cùng với nước thừa. Việc mất đi natri sẽ ảnh hưởng tới hoạt động não, gây ra những triệu chứng ngộ độc nước ban đầu như bứt rứt khó chịu, uể oải thẫn thờ và các thay đổi thần kinh khác. Những triệu chứng nặng hơn bao gồm thân nhiệt bị hạ thấp (dưới 36 độ C), sưng phù mặt và co giật.
Những dấu hiệu ban đầu thường khó nhận biết và chỉ đến khi trẻ co giật thì các ông bố bà mẹ mới nhận ra. Nhưng nếu trẻ được thăm khám kịp thời thì sẽ không gặp phải hậu quả nghiêm trọng.
Tuyệt đối không cho trẻ dưới 6 tháng dùng nước lọc như thứ đồ uống hằng ngày, Anders khẳng định. Các bà mẹ cũng nên tránh cho con dùng sữa bột quá loãng hay dung dịch chứa chất điện phân. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, vẫn có thể cho trẻ sơ sinh uống một chút nước để chữa táo bón hay trong thời tiết quá nóng, nhưng mỗi lần cũng chỉ nên cho con uống khoảng 28-56 gram.
Nếu cha mẹ cho rằng con đã bị ngộ độc nước, hay trẻ bị co giật, hãy gọi bác sĩ ngay lập tức.