Câu chuyện 1:

Một lần khi cầm đề bài Toán cô giáo đưa chưa đọc nhưng Minh đã đẩy lại, bảo không làm được. Vẻ mặt thờ ơ, cậu nói: “con không biết gì đâu”. Thi thử vào lớp 6, cả Toán và Tiếng Việt của Minh chỉ đạt 0,5 điểm, bị đánh giá là trình độ ngang học sinh lớp 2.

Bố mẹ Minh hoảng hốt, đưa con đi kiểm tra trí thông minh, vì 4 năm đầu cấp bé học tốt. Bất ngờ là IQ của Minh 110 không thấp, thuộc mức khá, trí nhớ cũng ổn.

Chia sẻ với chuyên gia tâm lý, Minh luôn tự nhận mình dốt vì “bố mẹ con bảo thế”. Bố mẹ cậu làm kinh doanh luôn luôn đòi hỏi các con, nhất là Minh, cậu con trai duy nhất, phải thật hoàn hảo. Khi cậu xếp bát đũa lộn xộn, họ lập tức quát “sao con dốt thế”. Ông bà cậu bé cũng thường xuyên “đổ dầu vào lửa”: “Sao chị với em con thông minh mà con lại dốt”.

📌📌Câu chuyện 2:

Tuấn, một học sinh cấp hai cũng ở Hà Nội, được bố tặng chiếc xe đạp màu đỏ. Ngày đầu tiên dùng xe, cậu dắt về trong tình trạng xì lốp. Bố hỏi tại sao, Tuấn bảo do bạn bè chọc đinh. Ngày hôm sau, tình huống trên lặp lại bố Tuấn đưa con đến bác sĩ tâm lý mong con đỡ nhát, đỡ bị bắt nạt.

Nghe chuyện, chuyên gia kết luận Tuấn chịu để bạn bè bắt nạt vì ở nhà luôn sống trong sự ức hiếp của bố. Cậu bị chê bai “yếu đuối”, “ẻo lả”, “không đáng mặt đàn ông”, chẳng bao giờ được quyền quyết định thứ gì nên dần buông xuôi, không buồn phản kháng. Ngay cả chiếc xe đạp màu đỏ cũng là do bố Tuấn tự mua, ép con thích.

♦️‼️Câu chuyện 3:

Ngọc, 26 tuổi, từng là niềm tự hào trong một gia đình giáo viên ở thành phố Nam Định. Đạt học sinh giỏi 12 năm liền, cô đặt mục tiêu vào Đại học Sư phạm Hà Nội theo nguyện vọng của bố mẹ.

Năm lớp 12, Ngọc có người yêu hơn 10 tuổi. Bố Ngọc rủa con là “đồ lăng loàn”, “làm gái”. Cô chia tay bạn trai. Lên đại học, cô lén cặp kè với những người đàn ông lớn tuổi, đi bar và tìm đến rượu bia, thậm chí lên mạng tìm “tình một đêm”. Lý giải cho hành động này, Ngọc bình thản nói “bố muốn tôi hư hỏng thì tôi hư hỏng”.

Hai năm điều trị tâm lý vẫn không xóa mờ được tổn thương trong tâm hồn Ngọc. Cô không trở lại làm “con ngoan” được nữa.

👉 Chúng ta có xu hướng hành động theo mong đợi của người khác. Ví dụ, bạn vụng hơn khi ai cũng nghĩ bạn vụng, bạn nói nhiều hơn khi đồng nghiệp đánh giá bạn thú vị. Tương tự, đứa trẻ có nguy cơ trở nên xấu tính nếu bị gia đình nhận xét là xấu tính. Lời kết tội nặng nề xuất phát từ bố mẹ, những người lớn thân thiết nhất, khiến trẻ tin rằng mình thực sự là như vậy.

Sử dụng những từ ngữ gây tổn thương để quát mắng là một dạng ngược đãi về mặt cảm xúc, thể hiện sự kiểm soát. Tiến sĩ Ngô Thanh Huệ, Viện Tâm lý và Tâm thần học Việt – Pháp nhận định ở Việt Nam, bố mẹ hay mang tâm lý con mình đẻ ra thì thuộc quyền sở hữu của mình, phải nghe mình tuyệt đối. 🌺🌺 Nếu đứa trẻ làm trái ý, họ có thể lập tức kết tội đứa trẻ là “ngu dốt”, “hư hỏng”, “ăn hại”.

Ngược đãi cảm xúc đôi khi nguy hiểm hơn ngược đãi thể chất. Sự kiểm soát độc hại của bố mẹ khiến trẻ không thoát ra được, mất khả năng bảo vệ bản thân, bất lực trước mọi tình huống.

🌻🌼Nghiên cứu năm 2012 của Tiến sĩ Martin H. Teicher từ đại học Harvard chứng minh trẻ hay bị ngược đãi cảm xúc lớn lên có nguy cơ trầm cảm cao. Một số trường hợp có hành vi chống đối xã hội, khó khăn học tập, thậm chí tự tử.

Đặc biệt, đứa trẻ bị ngược đãi sau này thành bố mẹ có thể tiếp tục ngược đãi con. Có người 20-30 năm sau quay lại dằn vặt bố mẹ bằng chính những lời cay độc họ từng nghe hồi nhỏ.

Trong tất cả ví dụ trên, bố mẹ có điểm chung là không lắng nghe, nói chuyện với con. Thấy con không như mong đợi, họ lập tức tấn công, buộc tội con.

Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Thu Hương, Khoa Tâm lý, Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, kể, bà nhận được phàn nàn của nhiều phụ huynh: “Tôi đã làm hết mọi thứ cho con mà sao nó vẫn hư?”. Đến khi được hỏi “Anh chị mỗi ngày dành ra bao nhiêu thời gian nói chuyện với con?” thì họ im lặng.

Thứ đứa trẻ khao khát, nhiều lúc chẳng phải vật chất, mà chỉ là một người sẵn sàng ở bên, chân thành lắng nghe và chỉ dạy.🍄🍄

Nguồn: VnExpress