Việc cho con tập đi quả là chẳng có gì phải...ầm ĩ. Nhưng cha mẹ vẫn cần đặc biệt lưu tâm giai đoạn này, giữ an toàn khi bé tập đi mọi lúc mọi nơi để tránh xảy ra những sơ sẩy đáng tiếc.


Từ 9, 10 tháng tuổi, trẻ bắt đầu lẫm chẫm tập đứng. Một tuổi, nhiều trẻ đã tự mình bước những bước đầu tiên. Nhìn ngắm từng “cột mốc” phát triển của con trẻ là niềm hạnh phúc vô bờ của cha mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần chú ý những kiến thức cơ bản để giúp con có tuổi tập đi vui và an toàn.


Đi giày dép sao cho đúng?


Đừng bắt bé mang giày dép trong nhà. Bàn chân trần giúp bé cảm nhận tốt bề mặt sàn nhà, có ích cho việc giữ thăng bằng và cử động. Nếu ngại sàn nhà lạnh, có thể cho bé mang vớ có bề mặt lòng bàn chân được lót lớp nhựa mỏng được bán nhiều tại các cửa hàng bán đồ trẻ em.


Khi bé ra đường, nên chọn cho bé giày dép nhẹ, mềm, vừa chân, tránh loại có đế cao hay thời trang rườm rà. Đôi giày vừa vặn với bé là khi bạn có thể nhét ngón tay út của mình vào khoảng giữa gót chân bé và gót giày. Nên chọn loại giày mà phần đế có gai nhựa để tránh trơn trượt. Tránh mặc quần áo chật, bó vì bé sẽ không thoải mái, khi đi có thể ngã.


“An toàn là trên hết”


Để những tai nạn đáng tiếc không bao giờ xảy ra, cha mẹ cần rà soát lại toàn bộ ngôi nhà, che chắn, dọn dẹp, bố trí lại, hạn chế tới mức thấp nhất nguy hiểm có thể xảy ra cho con.


Loại bỏ chướng ngại vật: Quan sát đồ dùng trong nhà, xem đâu có thể là mối nguy khi trẻ đến gần: thảm trải sàn, chậu cây… Những đồ dùng có thể đổ ngã như giá sách cần được gia cố lại cẩn thận. Sắp xếp lại đồ dùng trong nhà để có không gian cho trẻ di chuyển thoải mái, an toàn.


Chặn cửa, lối lên xuống cầu thang:


Trẻ mới lẫm chẫm bước đi rất thích thú với việc khám phá các ngóc ngách.Bạn nên chặn các lối cửa ra vào, lối lên xuống cầu thang đề phòng nguy hiểm.


Giữ trẻ an toàn với đồ dùng gia đình:


Các hóa chất, thuốc, mỹ phẩm và những vật sắc nhọn như dao, kéo… đều phải để xa khỏi tầm với của con bạn.


Bọc ổ điện và các góc cạnh:


Hãy dùng miếng nhựa, cao su chuyên dụng bọc kỹ các góc bàn, góc cửa hay các ổ điện không sử dụng. Đó là những nơi thường gây ra chấn thương không mong muốn cho bé. Những cánh cửa ra vào, cửa tủ cũng cần được đóng chặt hoặc chặn lại để bé không thể “vô tư” đóng mở.


Cẩn thận các bề mặt nóng:


Những bề mặt tỏa nhiệt như lò sưởi, bếp từ… nên được phủ lại hoặc giữ xa nơi trẻ đi lại. Ở khu vực bếp, bạn cần xoay tay cầm của nồi niêu vào phía trong tường. Đặt bé ngồi trong ghế hoặc cũi xa chỗ bạn nấu nướng.


Tránh độ cao cho bé:


Không để bé một mình trên giường, bàn, đồ nội thất cao trong nhà. Sử dụng dây đeo an toàn khi con ngồi trên xe đẩy hoặc ghế dành cho trẻ. Tránh để bé ở một mình ngoài ban-công.


Trong nhà tắm:


Dùng miếng lót, thảm tránh trơn đặt dưới nền nhà tắm để đề phòng bé bị ngã, luôn nhớ tắt máy nước nóng sau khi sử dụng xong, phòng khi bé nghịch phải vòi nước còn nóng. Để bé không bao giờ bị ngạt do đuối nước, các vật chứa nước như xô, chậu phải có nắp đậy hoặc được úp xuống. Tốt nhất, người lớn nên đóng chặt cửa nhà tắm để bé không tự ra vào.


Hồng Thanh


Lưu ý khác


Khi giúp trẻ tập đi, thay vì nâng trẻ lên bằng cách kéo cánh tay, bạn nên đỡ trẻ từ khuỷu hay từ vai trẻ, như vậy sẽ an toàn hơn cho phần xương còn yếu của trẻ.


Nhiều loại cây cảnh như vạn niên thanh, trúc đào, mã tiền, hồng môn, trạng nguyên, cà độc dược… sẽ vô cùng nguy hiểm nếu trẻ vặt và đưa vào miệng. Không để trẻ tiếp xúc với những loài cây đó hoặc loại bỏ chúng khỏi nhà.


Luôn giữ trẻ trong tầm mắt của cha mẹ, không để trẻ đi quá xa. Phòng trẻ bị lạc, khi cho trẻ đi chơi, du lịch, đến chỗ đông người, nên chuẩn bị sẵn thông tin về địa chỉ nhà, số điện thoại của cha mẹ bỏ vào túi áo trẻ để mọi người có thể giúp đỡ.