Ép con học quá nhiều

Vì hy vọng con giỏi tiếng Anh, nhiều cha mẹ đã xếp cho con lịch học dày đặc từ nhà tới trường. Tuy đây là mong muốn chính đáng nhưng việc ép trẻ học quá nhiều sẽ bị phản tác dụng, làm trẻ suy giảm thể lực, ảnh hưởng tâm lý và kết quả học tập. Khi bị ép học với cường độ quá căng thẳng, bé dễ dàng mất hứng thú học tập và thậm chí còn dẫn đến những hành động mang tính phản kháng.

Trẻ con thường ham chơi, dễ mất tập trung nhưng lại rất nhạy cảm. Hãy nên nhớ nguyên tắc hàng đầu khi học tiếng Anh trẻ em là phải tạo cho trẻ tâm lý thoải mái, yêu thích một cách chủ động chứ không nên tạo sự căng thẳng hay ép buộc trẻ.

Nhồi nhét con học nhiều từ vựng

Vì muốn con học tiếng Anh thật giỏi, nhiều phụ huynh bắt con học những từ ngữ khó, thậm chí mang tính chuyên ngành. Bạn nên biết rằng khi mới bắt đầu với một ngôn ngữ mới, nếu tiếp xúc với hàng loạt những từ quá khó sẽ làm cho trẻ không hiểu nên nhanh chán và học không hiệu quả. Chưa kể sự không cần thiết vì trẻ sẽ không có nhiều cơ hội ứng dụng các từ vựng đó. Vì vậy, khi dạy con tiếng Anh, bạn nên chọn những từ đơn giản, gắn với sinh hoạt hàng ngày của trẻ.

Áp dụng phương pháp không phù hợp lứa tuổi, tính cách

Tư duy và sở thích của trẻ rất khác nhau ở mỗi lứa tuổi, Tuy nhiên, rất nhiều phụ huynh không chú ý đến yếu tố này mà chỉ biết bỏ ra cả núi tiền mua tài liệu, sách đĩa dạy tiếng Anh rồi ép con học. Kết quả, con dễ chán và mất niềm vui học tiếng Anh. Bên cạnh độ tuổi, cha mẹ cũng nên dựa theo tính cách, sở thích, trình độ của con để lựa chọn phương pháp, chương trình học phù hợp cho trẻ.

Dịch nghĩa từng từ sang Tiếng Việt cho con hiểu

Thực tế, đây là một sai lầm không ngờ nhất nhưng lại cơ bản nhất. Hậu quả là khi gặp một câu hỏi tiếng Anh, bé sẽ phải dịch sang tiếng Việt, suy nghĩ câu trả lời bằng tiếng Việt, rồi một lần nữa đổi sang tiếng Anh. Việc tư duy rắc rối này làm cho bé lười nói, lười giao tiếp, và dần dần sẽ mất phản xạ với việc nghe/nói ngoại ngữ.

Khi học ngôn ngữ mới, trẻ cần được tạo cơ hội để tư duy logic hơn là học và tiếp thu như một cái máy. Bạn nên cho con học cả câu, tập cho bé cách phản xạ bằng tiếng Anh để bé có thể giao tiếp lưu loát.

Cho trẻ học Tiếng Anh quá muộn

Nhiều cha mẹ ái ngại cho con học tiếng Anh sớm vì cho rằng học song ngữ có thể khiến trẻ lẫn lộn và gặp khó khăn trong việc phân biệt. Tuy nhiên, khoa học chứng minh rằng khả năng học ngôn ngữ sẽ càng giảm khi càng lớn. Do đó nếu cha mẹ cho trẻ học tiếng Anh quá muộn sẽ làm hạn chế khả năng phát âm, tiếp thu ngôn ngữ mới và từ vựng của bé, gây khó khăn cho việc sử dụng ngoại ngữ sau này.

Cho trẻ học tiếng Anh không thường xuyên

Trẻ muốn học tốt ngoại ngữ cần được luyện tập thường xuyên trong môi trường tiếp xúc nhiều với tiếng Anh. Do đó, cha mẹ cần tránh việc cho con học chỉ trong một khoảng thời gian, ví dụ học trong hè rồi cả năm lại không động đến tiếng Anh. Kiến thức sẽ nhanh chóng “rơi rụng” và trẻ cũng không hình thành được phản xạ, tư duy với ngoại ngữ đó.

Không luyện kỹ năng nói

Thực tế, kỹ năng nói dễ học và bắt chước nhất trong học ngoại ngữ. Tuy nhiên, chúng ta lại luôn coi trọng ngữ pháp và việc nói làm sao không sai để không bị cười, kết quả là ấp úng không dám giao tiếp.

Vì vậy, cha mẹ nên tích cực khuyến khích con nói, rèn cho con phát âm chuẩn ngay từ nhỏ. Nếu con nói sai ngữ pháp, cha mẹ cũng đừng quá gay gắt mà hãy nhẹ nhàng sửa cho trẻ dần dần.

Thiếu kiên nhẫn

Nhiều cha mẹ cho con đi học tiếng Anh thường tỏ ra lo lắng, muốn biết hôm nay con đã học được từ nào, nói được câu gì. Điều này vô hình chung tạo ra áp lực khiến trẻ mất đi hứng thú.