Phòng tắm là khu vực rất nguy hiểm khi sử dụng các thiết bị điện. Chính vì thế, chị em nên lưu ý vị trí lắp đặt của ổ cắm, đường dây điện, bình nóng lạnh hay đèn, quạt... để đảm bảo an toàn cho cả nhà nha!


webtretho


(Ảnh minh họa)


1/ Hệ thống đường dây điện



Nên đi đường điện âm tường để người sử dụng không thể tiếp xúc trực tiếp với các đường dây. Vì phòng tắm là nơi tay chân thường thấm nước, nếu vô tình chạm vào đường dây sẽ rất nguy hiểm. Ngoài ra, thiết kế ẩn trong tường cũng giúp đường điện bền hơn.



webtretho


(Ảnh minh họa)




Sử dụng ống gen luồn dây điện làm bằng những vật liệu cách điện, chống cháy nổ để bao bọc bảo vệ phần dây được bên trong.



Để chuẩn bị cho việc sửa chữa, nâng cấp và lắp mới các thiết bị sau này được thuận tiện, ít tốn thời gian, khi lắp đặt hệ thống đường dây điện nên vẽ ra sơ đồ thiết kế chi tiết và lưu lại.


2/ Ổ cắm



An toàn nhất là không đặt ổ cắm điện ngay trong nhà vệ sinh. Tình huống buộc phải có ổ cắm trong nhà tắm để sử dụng máy cạo râu, nên chọn những vị trí khô ráo trên cao để ổ cắm không tiếp xúc với nước. Ngoài ra, cũng không nên lắp gần vòi hoa sen hay bồn tắm, nếu lắp ở những vật này thì nên chọn loại ổ cắm có nắp đậy.



webtretho


(Ảnh minh họa)



3/ Đèn trong phòng tắm



Đèn chiếu sáng: Không nên chọn loại đèn treo mà hãy ưu tiên cho những chiếc đèn trần có chụp để bảo vệ đèn khỏi nước, lắp ở chỗ cao, xa khỏi tầm với của người dùng.


Đèn sưởi: Lắp ở vị trí xa tầm với người sử dụng khoảng 50cm và không bố trí đèn ở gần những vật dụng dễ bắt lửa như giấy vệ sinh, khăn mặt, khăn tắm.



Đặt công tắc của các loại đèn bên ngoài phòng tắm.



4/ Bình nước nóng



Nên đặt bình nước nóng gần nơi sử dụng để tránh thất thoát nhiệt qua đường ống dẫn và gắn cố định trên tường, cách sàn nhà tắm 1,5m và cách bồn tắm từ 2m trở lên. Bên cạnh đó, để thuận tiện cho việc bảo dưỡng, nên có ít nhất 50cm bán kính xung quanh không vướng vật cản gì.



Trang bị dây dẫn có kích cỡ phù hợp với công suất bình tránh trường hợp dây dẫn quá tải dễ bị nóng chảy, gây chập điện. Ví dụ nếu bình có công suất là 2500w thì dùng dây tiết diện 2,5mm đối với bình gián tiếp, công suất 4500w thì dùng dây 4mm.



Bình phải được nối đất bằng dây nối đất khi lắp đặt bình vào mạng điện gia đình.



Bình nóng lạnh có nguyên lý hoạt động tương tự như ấm đun nước bằng điện, tức là làm nước nóng bằng điện trở nhưng được thiết kế hiện đại hơn ấm đun nước, tuy nhiên nguy cơ gây giật cho người sử dụng của hai thiết bị này là như nhau.


Để bảo vệ người dùng khỏi sự cố bất ngờ, nên lắp đặt kèm Aptomat loại 15-20 ampe, thết bị này có chức năng bảo vệ quá tải và ngắn mạch trong hệ thống điện. Lắp Aptomat bên ngoài phòng tắm, bởi trong nhà vệ sinh ẩm cao, dễ xảy ra tình trạng đọng hơi nước gây hiện tượng rò điện



5/ Quạt thông gió



Thay vì gắn trên tường, chị em có thể bố trí quạt thông gió trên trần phòng tắm và ở giữa để tăng khả năng thông gió, giúp việc luân chuyển, trao đổi không khí hiệu quả hơn, giúp mang lại không gian thoáng đãng, trong lành, mát mẻ cho nhà vệ sinh.


webtretho


(Ảnh minh họa)




Một số lưu ý sử dụng các thiết bị điện trong phòng tắm:



- Lau khô tay trước khi chạm vào công tắc, ổ cắm.



- Hạn chế tối đa các hành động làm nước bắn vào các thiết bị điện.



- Không nên mang máy sấy tóc, radio vào phòng tắm, dù các thiết bị này được nối với nguồn điện từ bên ngoài.


- Tắt các thiết bị điện khi không dùng.


- Không nên bật bình nóng lạnh liên tục, vì vừa tốn điện, thiết bị dễ hỏng do hoạt động quá tải, lại nguy hiểm nếu tắm trong lúc bình vẫn cắm điện mà bị rò. Giải pháp tối ưu là nên đun đủ nước nóng, khoảng 15-20 phút với bình loại vừa, rồi ngắt điện, sau đó mới sử dụng nước.