Canh xương là món ăn thơm ngon rất phổ biến trong bữa cơm của người Việt. Hầu như bất cứ bữa cơm hay tiệc cỗ nào chúng ta cũng đều sử dụng nước hầm xương để chế biến các món ăn ngon.
Vậy nhưng, điều khó khăn nhất là khi chúng ta hầm xương, nồi nước hầm thường xuyên bị đục, thậm chí là có mùi hôi, rất thiểu thẩm mỹ và kém ngon miệng. Làm sao để nước hầm xương trong hơn và thơm hơn đó là điều mà bất cứ bà nội trợ nào cũng muốn biết!
Đây là thông tin rất hữu ích mình thấy báo chí đăng tải rồi, mình chia sẻ lại chi tiết trong bài viết dưới đây cho ai muốn biết thì đọc tham khảo nhé!
Thực tế, theo các đầu bếp giàu kinh nghiệm, khi ninh xương đừng cho ngay vào nồi, phải thêm vài bước nữa, nước xương sẽ vừa trong vừa thơm, nấu canh gì cũng hấp dẫn. Các bạn có thể tham khảo cách làm cụ thể như sau:
- Trước tiên rửa xương với nước sạch nhiều lần để loại bỏ bụi bẩn, tạp chất.
- Cho xương vào một chậu nước, thêm chút rượu nấu ăn và muối vào, ngâm trong khoảng 15-20 phút. Bước này giúp xương ra bớt máu thừa và khử mùi tanh của xương.
- Ngâm xong bạn vớt xương ra, cho vào nồi, sau đó cho thêm một lượng nước lạnh vừa đủ ngập xương rồi vặn nhỏ lửa, đun sôi.
- Nước sôi thì tiếp tục đun, vừa đun vừa vớt bọt. Khi nào hết bọt trong nồi thì vớt xương ra, rửa sạch với nước ấm.
Lưu ý: Không nên rửa với nước lạnh sẽ làm xương có mùi kém ngon. Ngoài ra nên luộc xương bằng nước lạnh, nếu luộc bằng nước nóng thì máu thừa trong xương sẽ khó thoát ra ngoài, làm nước xương không thơm.
- Chuẩn bị một nồi khác, cho vào xíu dầu ăn, đổ xương đã luộc vào đảo cho đến khi xương có màu hơi vàng cả hai mặt thì cho lượng nước vừa đủ vào, thêm vài lát gừng và đun ở lửa lớn.
- Khi nước xương sôi, tiếp tục đun ở lửa lớn từ 20-30 phút sau đó điều chỉnh xuống lửa nhỏ và đun trong khoảng 30-40 phút, tùy lượng xương. Cuối cùng nêm thêm một chút muối là được.
Không nên nêm nếm nước xương bằng bột nêm vì loại gia vị này làm từ xương hầm sẽ khiến cho nồi nước dùng bị đục.
Bạn cũng không nên ninh xương quá lâu vì đó cũng là một lý do khiến nước dùng bị đục và có vị chua.
Ngoài ra, chị em nội trợ nên cho vào nồi nước xương một vài củ hành tím nướng chín cũng có tác dụng làm nồi nước xương trong và thơm ngon hơn. Một lưu ý quan trọng nữa là khi hầm xương xong mới nêm muối, cho muối sớm quá sẽ làm nước xương bị đục.
Tóm lại, bạn không nên cho luôn xương vào hầm mà cần thực hiện 3 bước nữa để nước hầm xương trong và thơm đó là:
- Sau khi rửa hãy ngâm xương vào nước có pha chút muối và rượu nấu ăn một lúc để mùi tanh trong xương được khử hết.
- Luộc xương bằng nước lạnh, vớt sạch bọt.
- Thêm một bước xào xương trước khi hầm. Việc này giúp món canh xương có độ đặc và trắng trong, vô cùng hấp dẫn.
Nồi nước hầm xương trong vắt, mùi thơm nhẹ không chỉ tạo cảm giác ngon miệng mà còn hấp dẫn vị giác, ảnh minh họa, nguồn: dSD
Nếu không may, nước dùng bị đục thì có thể xử lý theo những mẹo sau đây:
- Lược nước dùng qua một xoong khác với khăn vải mỏng rồi đun lại.
- Lấy một lòng trắng trứng, đánh tan cho vào nồi nước dùng, khuấy đều lên cho bọt cuốn vào đó rồi hớt ra, nước dùng sẽ trong trở lại.
- Nếu ninh xương gà mà bị đục thì có thể cho tiếp xương gà vào đun cũng làm cho nước trong hơn.
- Cho vào nồi nước dùng vài tai nấm đông cô, nấm hương hoặc vài lát khoai tây sống cũng là cách giúp nồi nước dùng trong hơn.
Nước hầm xương có tốt không
Nếu được sử dụng một cách hợp lý, nước hầm xương chính là món ăn dễ làm và mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng cho cơ thể. Một trong những chất dinh dưỡng mà nước hầm xương mang lại có thể kể đến như:
Nước hầm xương cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng cho cơ thể. Nhìn chung nước hầm xương là một món rất bổ dưỡng. Tuy nhiên, hàm lượng chất dinh dưỡng phụ thuộc vào các thành phần được sử dụng khi chế biến, vì mỗi loại xương mang lại hàm lượng dinh dưỡng khác nhau.
Xương động vật rất giàu canxi, magie, kali, phốt pho và các khoáng chất vi lượng khác. Chúng là những khoáng chất cần thiết để xây dựng và củng cố hệ xương của cơ thể.
Xương cá chứa iốt, là thứ rất cần thiết để cơ thể thực hiện các chức năng tuyến giáp và hỗ trợ cho quá trình trao đổi chất được khỏe mạnh hơn.
Các loại xương sụn có chứa các mô liên kết cung cấp glucosamine và chondroitin có vai trò hỗ trợ các khớp xương hoạt động tốt hơn.
Tủy cung cấp vitamin A, vitamin K2, các khoáng chất như kẽm, sắt, bo, mangan và selen, cũng như axit béo omega-3 và omega-6.
Tất cả các bộ phận trong xương động vật cũng chứa collagen protein. Đây là chất sẽ biến thành gelatin khi được nấu chín và tạo ra một số axit amin quan trọng cho cơ thể.