Từ xưa đến nay, chuyện nàng dâu được lòng gia đình chồng, được bố mẹ chồng yêu thương như ruột thịt… thật sự rất hiếm! Bởi khác máu thì tanh lòng, con ai người đó xót.
Dẫu vậy, cuộc sống này luôn tồn tại những câu chuyện cổ tích khiến bao người phải rơi nước mắt vì đẹp, vì buồn và quá đỗi xót xa. Ví như trường hợp của 2 gia đình sau là minh chứng.
12 năm trước, vợ chồng ông Nguyễn Văn Nãi (71 tuổi) và bà Lê Thị Bảy (67 tuổi, xã Bình Minh, tỉnh Quảng Nam) có người con trai đầu mất tích trong bão Chanchu. Anh ra đi để lại người vợ 22 tuổi và đứa con bảy tháng tuổi.
Vợ chồng ông Nãi kể lại chuyện cưới chồng cho con dâu (Ảnh: VNE)
Chứng kiến chị Hoa tuổi còn trẻ nhưng thiếu bờ vai để nương tựa, vợ chồng ông Nãi nhiều lần khuyên con đi bước nữa nhưng không thành. Ông Nãi không ít lần mai mối, mong con dâu tìm được bến đậu mới, tuy nhiên chị Hoa từ chối với lý do "đợi chồng về".
Sau 11 năm không còn hy vọng, cùng với sự năn nỉ của cha mẹ chồng, chị Hoa đồng ý đi tìm hạnh phúc mới. Cuối năm 2017, chị gá nghĩa với người đàn ông 34 tuổi có một đời vợ và hai con. Ngày chị Hoa dẫn chồng tương lai về xin phép ba mẹ chồng để hai người sánh duyên, ông bà Nãi rất vui.
"Tâm nguyện muốn con dâu đi lấy chồng bao năm qua của chúng tôi nay đã thành hiện thực. Con đã tìm được người thương yêu để vun đắp cuộc sống tương lai", ông Nãi nói. Trước ngày cưới của chị Hoa, ông Nãi đến gặp cha mẹ ruột của chị, xin phép tổ chức lễ cưới.
Họ mong muốn được làm chủ hôn và lo liệu mọi công việc. Hôm đám cưới diễn ra, cha mẹ ruột chị Hoa đến với với tư cách khách mời. "Đám cưới tổ chức ở nhà tôi, ngày đưa con dâu về nhà chồng, tôi đứng ra gửi gắm con lại cho gia đình thông gia, để họ chăm sóc, yêu thương nó", ông Nãi nhớ lại.
Đám cưới của cô gái khiến bao người rơi nước mắt (Ảnh: CAND)
Trong lễ cưới, chị Hoa bật khóc khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Trước hàng trăm quan khách hai họ, chồng chị Hoa xin được gọi ông Nãi, bà Bảy là cha mẹ và trở thành con rể của gia đình. "Giờ thì con trai tôi ở dưới suối vàng cũng được yên lòng", bà Bảy nói và cho hay dù công việc bận rộn, vợ chồng chị Hoa thường xuyên ghé thăm vợ chồng ông bà.
Còn chị Hoa luôn biết ơn thành ý của cha mẹ chồng cũ. Từ khi chồng mất tích, chị nghĩ sẽ ở vậy nuôi con và chăm sóc cha mẹ chồng. Chị luôn xem ông bà như người dứt ruột đẻ mình ra. "Tôi sẽ ghi nhớ công ơn của cha mẹ chồng. Hơn 10 năm chung sống với ông bà, tôi được yêu thương như con gái".
Đồng cảnh ngộ với vợ chồng ông Nãi, ông Nguyễn Văn Nghĩa và bà Nguyễn Thị Tới cũng động viên con dâu tên Linh đi bước nữa, sau khi chồng chị mất tích trong bão Chanchu.
Sau bốn năm, cuối cùng chị Linh cũng tìm được hạnh phúc với một người đàn ông ở xã bên. Bà Tới cho biết chị Linh giờ đã có thêm hai đứa con với chồng mới. Cuộc sống không mấy khá giả nhưng gia đình hạnh phúc rộn rã nhiều tiếng cười.
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Tới luôn động viên con dâu lấy chồng mới (Ảnh: VNE)
Mỗi lúc gia đình bà Tới có chuyện đại sự, gia đình chị Linh có mặt đầy đủ. "Con trai tôi không may mất sớm nhưng mình không thể để con dâu trẻ ở vậy suốt đời được. Chúng tôi luôn động viên con đi bước nữa và giờ thấy con hạnh phúc nên rất mãn nguyện", bà Tới bộc bạch.
Thật sự rất xúc động trước tấm lòng của những người già ở nơi miền quê hẻo lảnh. Họ khiến chúng ta phải rơi nước mắt, thấy quặn lòng vì tâm hồn quá đỗi cao thượng và giàu tình yêu thương.
Hãy nhìn xã hội ngoài kia mà xem, biết bao gia đình đang ‘cơm không lành, canh không ngọt’ cũng chỉ vì những mâu thuẫn không đáng có giữa mẹ chồng – nàng dâu.
Vậy mà ở đây, trong ngôi làng nhỏ bé đơn sơ, có những bậc phụ huynh luôn hiểu chuyện và chan chứa tình người. Họ thương con dâu vất vả sớm hôm, họ xót con dâu rơi vào cảnh góa chồng, họ cảm thấy có lỗi vì đã khiến con dâu phí hoài tuổi xuân và hạnh phúc.
Hình minh họa (Ảnh: Internet)
Trong khi những gia đình khác, lại có tư tưởng mê tín dị đoan, sau cái chết của con trai, họ sẵn sàng đổ lỗi cho con dâu, họ sẽ mắng con dâu có số sát phu hại chồng, rồi từ đó đay nghiến, chì chiết, chửi bới mỗi ngày.
Vậy mới thấy, sống đẹp và văn minh thật sự rất khó, phải là những người có tấm lòng bao dung, vị tha, độ lượng. Họ tuy không giàu về tiền bạc nhưng tâm hồn cao sang quý giá chẳng ai bằng. Họ chắc chắn là tấm gương sáng để con cháu đời đời nhớ ơn và học hỏi.
Lại nói, những cô con dâu trong câu chuyện này có lối sống đáng học hỏi, họ phải đẹp về nhân cách mới được yêu thương như thế. Ví như trường hợp của chị Hoa, 11 năm âm thầm đợi chồng, báo hiếu cho gia đình chồng, một tay chăm sóc con cái.
Chị cũng là người có nghị lực, có bản lĩnh vững vàng lắm mới trụ qua được chứ gặp người khác, có khi đã ôm con bỏ xứ đi mất rồi.
Sau cùng, một cái kết có hậu đã xuất hiện, làm ấm lòng biết bao người, là phương án tốt nhất để tất cả đều hạnh phúc – những cô con dâu trở thành con ruột, được bố mẹ chồng tổ chức đám cưới bằng tình cảm yêu thương. Hạnh phúc giờ sẽ nhân đôi khi họ mất con trai nhưng có thêm con gái và con rể, có thêm cháu ẵm bồng.
Trong ngôi làng tình nghĩa và nhân văn ấy, không ai bỏ ai, không ai phải chia xa nhau nữa. Từ đây, họ sẽ xích lại gần hơn để chăm sóc cho nhau những ngày tháng cuối đời. Một cái kết viên mãn còn hơn phim truyền hình, khiến chúng ta bật khóc vì phép màu đã xuất hiện giữa đời thực!
Nguồn tham khảo: Ngoisao.net