Câu chuyện tưởng như không thể xảy ra nhưng lại hoàn toàn có thật. Diễn biến khiến người ta đau lòng và cũng khiến nhiều người đặt tay lên trán mà nghĩ về cuộc đời, tình người, về đồng tiền và con người.
Cụ thể, suốt 34 năm sau khi bị bắt cóc, Yu Baobao (hiện 37 tuổi) trải qua rất nhiều khó khăn trước khi được đoàn tụ với cha mẹ ruột vào tháng 9/2023. Câu chuyện hội ngộ của gia đình họ từng khiến bao nhiêu người rưng rưng nước mắt.
Thế nhưng gần đây, trước sự ngỡ ngàng của cộng đồng mạng, Yu thông báo trên tài khoản có 326.000 người theo dõi rằng, anh đã cắt đứt quan hệ với gia đình ruột thịt vì vấn đề tiền bạc.
Khoảnh khắc chàng trai gặp lại được bố mẹ sau 34 năm thất lạc, ảnh: DSD
Yu Baobao đã sống dưới cái tên Li Qiang trong 34 năm. Anh bị bắt cóc tại nhà ông bà nội ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc khi mới 2 tuổi. Một gia đình giàu có ở tỉnh Hà Nam đã mua Yu từ những kẻ buôn người, nhưng họ không đối xử tốt và thường xuyên đánh đập anh. Những người này cho biết Yu được họ nhận nuôi lúc 5 tuổi.
Năm 11 tuổi, Yu được cha mẹ nuôi gửi đến một gia đình khác, nhưng anh đã rời khỏi ngôi nhà đó và trở thành một kẻ lang thang. Sau khi tròn 19 tuổi, anh đến Thượng Hải, Bắc Kinh, kiếm sống bằng công việc giao hàng.
Hình ảnh anh Yu khi mới 2 tuổi, ảnh: DSD
Yu đã không ngừng tìm kiếm gia đình ruột thịt của mình. Đến một ngày, khi cảnh sát thông báo rằng kết quả ADN của anh trùng khớp với một người phụ nữ, Yu hạnh phúc vì biết đã tìm được mẹ ruột. Anh tâm sự rằng lúc đó "chỉ muốn ngủ ngon trên đầu gối mẹ".
Cuộc đoàn tụ với gia đình và tình yêu sâu sắc của Yu dành cho mẹ khiến nhiều người cảm động. Họ ủng hộ anh phát trực tiếp trên các sàn thương mại điện tử để bù đắp cho những ngày tháng khó khăn.
Cả gia đình đoàn tụ trong niềm hạnh phúc vỡ òa, ảnh: DSD
Cha mẹ ruột đã ly hôn. Họ yêu cầu anh giúp đỡ 2 người em trai đang mắc nợ. Vì thế, Yu quyết định cùng bố mẹ điều hành doanh nghiệp bán hàng trực tuyến và trao cho họ 60% tổng thu nhập theo lời thuyết phục của họ.
Ở Trung Quốc có không ít người như Yu, bị bắt cóc khi còn nhỏ và sau khi tìm được người nhà vào nhiều năm sau đã kiếm tiền bằng cách phát trực tiếp để bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, hỗ trợ tài chính cho cuộc sống mới của mình.
Một số công ty như Langsha Group, nhà sản xuất hàng may mặc có trụ sở tại Chiết Giang, đã thuê những gia đình này để quảng bá thương hiệu. Buổi phát trực tiếp đầu tiên của Yu thành công rực rỡ, tạo ra doanh thu 470 nghìn nhân dân tệ (khoảng 1,6 tỷ đồng).
Yu đưa ra bằng chứng chuyển khoản ngân hàng để chứng minh rằng anh đã đưa đúng số tiền cho hai em trai mình, và phàn nàn rằng anh không nhận được phần thu nhập của mình. Người đàn ông này cũng chia sẻ, 2 em trai nói chuyện rất thô lỗ với Yu, bảo họ đã có lòng tốt khi chấp nhận anh vào gia đình. Một trong hai người thậm chí còn đe dọa sẽ đánh Yu sau một cuộc cãi vã khác về tiền bạc.
Yu muốn tiết kiệm tiền để tìm kiếm và đưa những kẻ buôn người đã bắt cóc anh ra trước công lý. Anh cảm thấy thực sự thất vọng khi biết mẹ mình thiên vị hai em và tiếp tục yêu cầu anh đưa thêm tiền cho họ.
Còn người cha đã chặn một trong những tài khoản mạng xã hội của Yu vào tháng 5. Ngày 28/9, anh chặn một trong những tài khoản trực tuyến của mẹ trước khi tuyên bố cắt đứt quan hệ với gia đình. Yu chia sẻ với tờ Dahe Daily rằng, anh vẫn nhớ mẹ, nhưng họ sẽ không bao giờ làm hòa.
Câu chuyện của Yu thu hút sự chú ý trên mạng xã hội, cộng đồng mạng rất cảm thông với hoàn cảnh của anh. “Họ chia tay nhau hơn ba thập kỷ trước vì tiền. Bây giờ họ lại chia tay nhau vì tiền. Tiền là gốc rễ của mọi điều xấu xa”, một người dùng bình luận.
Thực tế có thể thấy, tiền bạc thường là một trong những nguyên nhân chính gây rạn nứt tình cảm gia đình, kể cả giữa những người ruột thịt. Trong cuộc sống, mỗi thành viên có thể có cách nhìn khác nhau về giá trị của tiền và cách chi tiêu, từ đó dễ dẫn đến mâu thuẫn khi không tìm được tiếng nói chung. Những tranh cãi về tài sản thừa kế, khoản vay mượn không rõ ràng hay sự so đo trong việc hỗ trợ gia đình đều có thể tạo ra những xung đột lớn.
Một vấn đề phổ biến là sự chênh lệch trong đóng góp hoặc trách nhiệm tài chính. Nếu một thành viên cảm thấy mình phải chịu gánh nặng kinh tế nhiều hơn mà không được thấu hiểu, dễ nảy sinh cảm giác bất công, làm mất đi sự gắn bó. Bên cạnh đó, những khác biệt về điều kiện tài chính giữa các anh chị em cũng có thể tạo ra sự ganh tỵ, so bì, dần dần làm suy giảm sự gần gũi.
Để tránh tình trạng này, các thành viên trong gia đình cần xây dựng lòng tin và minh bạch trong các vấn đề tài chính, luôn ưu tiên sự thấu hiểu và cảm thông để duy trì tình cảm bền chặt.