Chàng trai phụ hồ nỗ lực thành ông chủ tiệm bánh và kiếm doanh thu đáng ngưỡng mộ.
Đó là câu chuyện thú vị, truyền cảm hứng mà mình mới đọc từ Thanh Niên về anh Nguyễn Thế Duy (30 tuổi, quê ở tỉnh Yên Bái). Năm lớp 9, anh đành gác lại việc học để đi làm phụ hồ giúp gia đình. Thay vì chấp nhận và bằng lòng với số phận, Thế Duy đã không ngừng nỗ lực để vươn lên từ nghịch cảnh.
Sau một thời gian làm phụ hồ, anh Duy vào TP.HCM bắt đầu với công việc tại một tiệm photocopy. Sau đó, anh làm phụ bếp cho một nhà hàng ở Lào Cai. Gần 2 năm “nhảy việc” vì chưa cảm thấy phù hợp, anh được một người chú giới thiệu và đến Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) học nghề làm bánh mì.
(Ảnh: Thanh Niên)
Chia sẻ trên Thanh Niên về cơ duyên với công việc này, anh Duy bộc bạch: “Lúc ở quê thì mình cũng không hình dung ra được học làm bánh mì hay bánh kem là như thế nào đâu. Khi xuống tỉnh Quảng Ninh, được anh chủ tiệm bánh cho học làm bánh sinh nhật thay vì bánh mì. Mình học nghề rất nhanh, lại khéo tay nên sau 3 tháng học căn bản tại tiệm thì anh chị chủ cho đi học nghề nâng cao thêm 3 tháng nữa, sau đó trở lại làm thợ chính”, Duy chia sẻ.
Vốn có năng khiếu với vẽ, anh chàng tận dụng điều này vào việc làm bánh và cho ra những thành phẩm bắt mắt, được nhiều người ưa chuộng.
Sau hơn 5 năm làm việc tại Hạ Long, anh chuyển lên TP.Hà Nội và làm trong một tiệm bánh khác. Thay vì “ở yên”, anh thường “nhảy” nhiều nơi và nhờ đó tích lũy kinh nghiệm để mở tiệm bánh.
(Ảnh: Thanh Niên)
Trong những năm tháng đi làm, anh Duy luôn gửi tiền về quê nhờ bố mẹ cất giùm để làm vốn kinh doanh sau này. Anh còn vay mượn thêm từ người thân và hùn hạp với em họ để mở tiệm bánh vào tháng 5/2017.
Con đường khởi nghiệp ít nhiều có khó khăn và đòi hỏi sự kiên trì, cố gắng của người làm chủ. Sau 1 năm, em họ của anh Duy không tiếp tục hợp tác vì lợi nhuận ít. Anh đã dùng hết số tiền tích cóp để thanh toán vốn cho em họ và một mình “gánh” tiệm bánh.
“Sau khi thanh toán hết tiền cho em họ, mình gần như cạn vốn, lúc đó mới đi vay của một người anh 50 triệu đồng để mua chiếc tủ trưng bày bánh 5 tầng. Khi có được chiếc tủ mới, trông tiệm khang trang, hoành tráng hơn nên từ đó khách hàng chú ý, doanh thu tăng gấp đôi thời gian trước. Tuy nhiên, cái khó lúc này là mình phải gánh số lượng công việc vốn dĩ dành cho 2 người. 5 giờ sáng, mình đã thức dậy làm các loại bánh ngọt rồi sau đó làm thêm bánh kem, đôi lúc kiêm luôn cả giao hàng”, anh Duy chia sẻ.
(Ảnh: Thanh Niên)
Nhờ không ngừng nỗ lực và cố gắng, sau 3 năm, anh đã mua được căn nhà 4 tỷ và cũng là mặt bằng của tiệm bánh hiện tại. Theo thông tin từ Thanh Niên, tiệm bánh của anh Duy hiện có 2 người thợ và thường nhận đào tạo học viên. Doanh thu mỗi tháng của tiệm hơn 200 triệu đồng.
“Mình đã tìm mua căn nhà đối diện tiệm bánh cũ nên không bị mất lượng khách quen. Rất may mắn là từ đó đến giờ tình hình kinh doanh luôn ổn định, kể cả khoảng thời gian giãn cách xã hội vì dịch, tiệm vẫn được hoạt động để phục vụ vì là mặt hàng thiết yếu”, ông chủ tiệm bánh chia sẻ.
Bật mí một trong những lý do giúp tiệm bánh được nhiều người ưa chuộng, anh Duy chia sẻ trên Thanh Niên: “Mình học nghề từ năm 2010 nên đến giờ vẫn giữ được hương vị truyền thống, ví dụ như cốt bánh bông lan sẽ được đánh nguyên trứng thay vì tách lòng trắng và lòng đỏ riêng. Vì vậy khi làm ra bánh vẫn còn mùi thơm tự nhiên”.
Từ câu chuyện của ông chủ tiệm bánh, mình cảm thấy quá đỗi ngưỡng mộ và nể phục trước tài năng, độ chịu khó cũng như không dễ dàng khuất phục trước khó khăn của anh Thế Duy. Một chàng trai phụ hồ nhưng luôn vươn lên, sẵn sàng mày mò học hỏi và tìm cơ hội để “đổi đời”. Những “quả ngọt” mà anh gặt hái được xứng đáng là câu chuyện truyền cảm hứng đến nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ.