Chọn sống độc thân để giảm áp lực kinh tế nhưng hội "độc thân vui vẻ" lại vô cùng ấm ức vì vẫn tốn quá trời tiền mừng bạn bè kết hôn hoặc sinh con.
Theo Hankook Ilbo - tờ báo Hàn Quốc dành cho phụ nữ, gần đây đã đưa tin về những người có ý định sống độc thân suốt đời. Tờ báo trích dẫn trường hợp của Kim, một nữ nhân viên văn phòng 30 tuổi có một nhóm bạn cấp 3, hầu hết đều đã kết hôn hoặc đang có ý định kết hôn.
Khi một người bạn trong nhóm mang thai, một người khác đề xuất cả nhóm tổ chức một bữa tiệc công khai giới tính em bé cho người bạn này, chi phí khoảng 300.000 won (250 USD). Tiệc này thường do công ty tổ chức sự kiện chuẩn bị, có bánh kem, bóng bay và nhiều đồ trang trí khác.
Tháng 12/2020, Kim cũng đã tổ chức bữa tiệc chia tay thời độc thân cho cô bạn đó, chi khoảng 200.000 won cho trang phục và đồ ăn, 100.000 won làm quà mừng. Dù trong lòng muốn từ chối, cô không dám nói ra vì sợ sẽ gây ảnh hưởng đến mối quan hệ bạn bè. Ngoài ra, có vô số sự kiện mà Kim phải tham gia chúc mừng những người bạn của mình như tiệc tân gia, sinh con hay tiệc thôi nôi của đứa bé.
"Là người lựa chọn sống độc thân suốt đời, tôi không có sự kiện nào để được nhận lại những điều tương tự", Kim tâm sự.
Giống như Kim, Park Mo (29 tuổi), độc thân, đã quyết định ngừng tham dự các đám cưới được mời. Anh đặt câu hỏi tại sao bản thân phải bỏ ra khoản tiền và thời gian đó trong khi sẽ không bao giờ được nhận lại. Trong khi đó, Jeong Mo (33 tuổi) làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận được 4 năm, cho biết: "Là người sống một mình, tôi không thể nhận tiền trợ cấp gia đình 30.000 won/tháng cũng như không được nhận 50.000-300.000 won tiền mừng hay chia buồn liên quan đến hôn nhân. Một số phúc lợi của công ty cũng chỉ dành cho người đã có gia đình".
Không chỉ ở xứ sở củ sâm, nhiều người độc thân ở Việt Nam cũng lựa chọn cuộc sống không hôn nhân và tương tự, họ cũng rơi vào tình trạng "bất mãn" vì phải chịu cảnh "mất tiền oan" cho "ti tỉ" khoản tiền mừng cưới, sinh con, tân gia,...
Chị Ngọc Ý (29 tuổi, Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Tôi chọn sống độc thân vì muốn tập trung phát triển sự nghiệp và dành thời gian đi du lịch. Lương hằng tháng tôi nhận được luôn phải chừa ra một khoảng để dành đi mừng cưới, dự tiệc thôi nôi của bạn bè, đồng nghiệp, vậy mà luôn trong tình trạng "thiếu trước, hụt sau". Nhiều lúc nghĩ vui rằng, với những người không chọn kết hôn như mình thì biết đến bao giờ mới thu hồi vốn nhỉ?"
Còn với anh Huy Hoàng (32 tuổi, Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh) thì cho rằng: "Kết hôn với tôi có quá nhiều rào cản và áp lực. Chi phí thuê nhà và nuôi con quá đắt đỏ khiến tôi không muốn kết hôn. Là một người đàn ông, cũng là trụ cột chính trong gia đình thì nhắm lo được tôi mới dám cưới vợ."
Người độc thân bất mãn: Tại sao phải tốn tiền mừng đám cưới, tân gia, sinh con...(Ảnh minh họa, nguồn ảnh: k.sina.cn)
Có thể thấy dù là ở bất kì quốc gia nào, nhiều chuẩn mực xã hội lấy hôn nhân làm trung tâm khiến không ít người chọn cuộc sống độc thân cảm thấy bức xúc, thất vọng. Tuy vậy suy cho cùng, lựa chọn nào cũng có cái được và mất. Quang trọng là ở mỗi người có cách nhìn nhận và quyết định thế nào cho đôi bên đều "nhẹ lòng" với nhau. Đâu phải ai mời mình cũng phải đi, cũng chẳng ai cấm mình không được đi. "Bánh ít qua thì bánh quy lại", mình không đi thì sau này có tổ chức gì cũng không cần mời lại, biết chọn lọc, sắp xếp và đừng quá "ôm đồm" hết mọi các mối quan hệ sẽ giúp hội độc thân giảm bớt được gánh nặng tiền bạc và dễ dung hòa hơn trong cuộc sống.
Theo Vietnamnet