Rơi nước mắt nguyện vọng của bà Má trăm con: Ngày má mất đừng đem bông đem hoa, má cám ơn
Ai bảo ông bụt, bà tiên chỉ có trong cổ tích. Ngoài đời thực cũng có những người chẳng cần gậy phất trần, chẳng cần phép màu gì vẫn có thể tạo nên những điều kỳ diệu cho các mảnh đời bất hạnh. Trước giờ em chưa từng đọc bài báo nào mà cảm động đến rơi nước mắt như vậy luôn đó các mẹ.
Đó là câu chuyện cổ tích tạo nên bởi Má Mười, tên thật là Trần Thị Cẩm Giang, năm nay 82 tuổi, chủ của mái ấm Thiện Duyên (Củ Chi, TP.HCM). Ở cái tuổi 'gần đất xa trời', đáng lẽ ra Má Mười phải được an hưởng tuổi già. Nhưng người mẹ ấy vẫn ngày đêm lo toan từng bữa ăn, giấc ngủ cho hơn 125 người con, bao gồm trẻ em bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật và người già neo đơn.
Khó tin quá phải không, nhưng đó là chuyện thật các mẹ ạ. Tham gia cách mạng từ khi 14 tuổi, má Mười từng 5 lần ở tù, bị giam cầm và đày đọa. Ngày trở về, cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác, Má Mười ngày ấy cũng lập gia đình và sinh được hai người con. Những tưởng con khôn lớn, bà đã có thể trút bỏ cơ cực, an nhàn hưởng phước con cháu. Thế nhưng, một cơ duyên tình cờ khiến bà bất đắc dĩ có thêm những người con không chung huyết thống nhưng chung một nhịp đập.
Nói về lý do nhận nuôi nhiều người kèm may mắn, má từ tốn kể: “Ở mảnh đất Củ Chi bom đạn, gia đình má đã từng được nhiều người giúp đỡ, cho cơm ăn, áo mặc. Sau ngày 30/4, nhiều gia đình từng giúp mình lâm vào cảnh khó khăn, con họ bị bệnh tật không có tiền chữa trị, nên má nhận nuôi”.
Ban đầu, má chỉ nuôi vài 3 người con của ân nhân, về sau, những người khốn khổ khác lâm vào hoàn cảnh tương tự lại mang con đến xin má nuôi dùm. Những người không may có con bị dị tật, nếu gắn chặt với đứa trẻ thì những con còn lại sẽ mờ mịt tương lai. Họ không nỡ bỏ mặc con, họ tìm đến má nhờ giúp đỡ, tiếp nhận. Có người sợ má chối từ, họ mang con đến đặt trước cửa Mái ấm… Mệt mỏi đó nhưng rồi Má cũng không đành lòng bỏ con và đành nhận hết.
Dần dần, từ 3-5 đứa trẻ ban đầu, số lượng tăng đến 10, 20 rồi 100, 200. Đó là những đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ đã là trẻ tật nguyền. Có trẻ đang sống ấm êm, trở thành mồ côi sống lầm lũi, bụi bờ, đói khát do cha mẹ chết vì tai nạn, bệnh tật...
Và như một quy luật hiển nhiên, số lượng trẻ càng đông cũng đồng nghĩa với gánh nặng càng nhiều, đương nhiên, kinh tế cũng là một trong những vấn đề đầu tiên.
Để trang trải nuôi các con, má Mười đã phải căn nhà được Nhà nước cấp, lấy tiền mở rộng cơ sở, lấy vốn “làm ăn”. Nói làm ăn chứ má có biết kinh doanh buôn bán to tát gì đâu. Má làm tương chao, muối ớt bán kiếm thêm, được đồng nào hay đồng nấy để có thêm chi phí lo cho Mái ấm.
Mấy năm gần đây, khi các cơ sở không còn là nơi nuôi trồng, má vẫn không ngưng nghỉ việc tìm cách kiếm tiền. Mỗi sáng, má nấu nồi hủ tiếu để bán thêm, rồi nhận cả vé số, bánh tráng để bán. Các em ở mái ấm còn đính cả những hạt cườm vào móc khóa, bình hoa và bán cho khách. Mỗi việc mang lại chút lời để thêm vào cho má trang trải sinh hoạt phí của hơn 100 con người.
Dù như thế nào, dù hoàn cảnh ra sao, thì Má cũng quyết không bỏ đứa nào. Khi về với vòng tay của má Mười, bọn trẻ đều được má xem như máu mủ của mình. Má lấy họ Trần của mình làm khai sinh cho trẻ. Với con trai, má lót chữ Thiện, con gái má lót chữ Duyên: “Nghèo mấy thì nghèo, khó mấy thì khó, con má đứa nào đủ tuổi đến trường má đều cho đi học. Đứa nào chịu học, mà cho học đến nơi đến chốn. Chỉ có con chữ mới cứu được đời tăm tối của bọn trẻ mà thôi”.
Hàng trăm đứa trẻ với hơn hàng trăm bi kịch, số phận khác nhau, tất cả kết nối với nhau thông qua sợi dây yêu thương của Má Mười.
30 năm qua, có những người trưởng thành đã xin được việc làm, người thì lập gia đình, nhưng cũng có những người bệnh tật, già yếu mà chết. Một tay má Mười lo chu đáo từ nhà ở cho những người lấy vợ lấy chồng hay lo hậu sự cho những người mất.
Cả hơn nửa đời người, Má Mười mãi miết với công việc không lương này. Thậm chí có lần má vì lo chăm các em, không may bị trượt chân té giữa nền, chân bị gãy phải bó bột. Đến giờ, má vẫn chưa có thể đi lại bình thường như trước nhưng mọi việc lớn nhỏ tại mái ấm đều do một mình má chu toàn.
Tuổi cao, sức khỏe yếu, một mình má lo không xuể, thế là phải tìm thêm người để phụ giúp việc. Có người má trả tiền nhưng không đáng kể, có người tình nguyện ở lại giúp má. Như dì Bảy - phụ bếp, mỗi ngày đều đến đây nấu nướng, dọn dẹp, đến chiều thì về nhà.
Và như một phép nhiệm màu, tình thương lan tỏa tình thương, nhân ái lại tiếp nối nhân ái. Thương Má có tấm lòng Bồ tát, thương đàn trẻ chịu nhiều thiệt thòi, ngày càng nhiều tấm lòng đến mái ấm, chung tay với má lo cho lũ trẻ đáng thương. Nhờ nhiều, rất nhiều tấm lòng thầm lặng như thế mà Mái ấm được duy trì đến hôm nay, trở thành mái nhà chung cho vô số cuộc đời trẻ thơ bị… trời đọa.
Tuổi trẻ dành cho Tổ quốc, hưởng được hạnh phúc ngắn ngủi Má lại tiếp tục hy sinh giúp đời. Lận đận cả nửa đời người, Má Mười chẳng mong cầu gì cho riêng mình, chỉ ước mong tìm được người tâm đức để tiếp tục hành trình của mình. “Đến ngày má chết đừng ai đem bông đem hoa gì, đem vài ba bao gạo đến cho tụi nhỏ ăn là má cám ơn nhiều lắm”.
Mặt khác, Má mong mỏi đến cháy bỏng, rằng những người được gọi là đấng sinh thành, đừng bao giờ đoạn đành mang con đi vứt bỏ: “Làm như vậy, các bà mẹ có biết đâu đã gieo vào lòng đứa trẻ nỗi đớn đau chẳng thể nào gột rửa. Nhiều đứa con của má lớn lên trong oán hờn và mặc cảm, tự sống cô lập, tự hành hạ đời mình. Nỗi đau chẳng biết đến khi nào mới chấm dứt!”.
Một tấm lòng nhân ái quá bao la, một tình mẹ dù không chung huyết thống nhưng cũng vì vậy mà vĩ đại hơn bao giờ hết. Cám ơn Má Mười, cám ơn vì đã giúp chúng con thấy rằng phép màu vẫn còn hiện hữu, và tình người, tình nhân ái vẫn còn hiện hữu khắp quanh đây.