Xuất thân là cô bé mồ côi, Trương Bạch Các đã cật lực kiếm tiền để chăm sóc cha nuôi có cuộc sống tốt nhất. Dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng chỉ cần thấy cha là cô như có thêm động lực để phấn đấu nhiều hơn.

Người ta thường nói con cái do chính mình sinh ra mới thật sự thân thiết và yêu thương, cũng vì vậy mới bao dung và chăm sóc cả đời. Nhưng trong mỗi con người luôn có tình yêu thương và sự bao dung, đâu phải lúc nào cũng rạch ròi phân biệt.

Ông cụ có tên Trương Song Kỳ (Hà Nam, Trung Quốc) đã bắt gặp một đứa trẻ khoảng vài tháng tuổi vào tháng Ba, năm 1997. Khi mọi người xung quanh ái ngại không dám giúp đỡ thì ông cởi áo khoác, quấn đứa bé và ôm chặt vào lòng vỗ về. Ở thời điểm này, ông đã ngoài 50, không gia đình vợ con nên việc ẵm một đứa trẻ cũng rất vụng về.

hình ảnh

Ông Trương nhặt đứa con nuôi khi tuổi ngoài 50. Ảnh Vietnamnet

Ông bế đứa trẻ về nhà, qua ngày hôm sau trình báo với chính quyền địa phương để tìm kiếm người thân đứa bé. Tuy nhiên, một thời gian sau vẫn không có kết quả nên ông đã tự tay nuôi bé luôn. Ông xin sữa của mọi người, cho con uống sữa dê và đặt tên là Trương Bạch Các.

Nuôi một đứa trẻ không hề đơn giản. Không chỉ cực nhọc mà còn vô cùng tốn kém. Ông phải làm thêm nhiều việc, không ngại nắng mưa gian khó chỉ mong kiếm được tiền lo cho con. Tuổi ngày một cao, đứa trẻ ngày một lớn, thu nhập của ông không thể hứa hẹn một tương lai đủ đầy cho bé. Tuy vậy, ông vẫn cố gắng hết sức.

Con gái lớn lên ngoan ngoãn, duy chỉ có thời gian học cấp 3 là bé có sự so sánh giữa mình với bạn bè. Kiểu thấy bạn ăn cơm ngon hơn, đi xe sang, ăn mặc đẹp, nhìn bố người ta cũng sang trọng hơn bố mình... khiến em mặc cảm và giận cha mình. Thế nhưng người cha này vẫn nhẫn nhịn, ông cố gắng nuôi con theo cách tốt nhất mình có thể làm. 

Một ngày Bạch Các về nhà giữa trưa, thấy chiếc bánh bao khô cha để giữa bàn cô mới hiểu ra là hằng ngày cha ăn uống kham khổ như thế nào để nhường cho mình miếng ngon hơn. Cô không kiềm được xúc động và từ đó quyết tâm học thật nhanh để lo cho cha có được sống tốt đẹp hơn.

hình ảnh

Ông đã vất vả nuôi con, chăm lo cho bé một cách tốt nhất. Ảnh Vietnamnet

Cô nàng đậu đại học danh giá nhưng do gia đình không đủ tiền nên cô rẽ sang tìm việc làm bồi bàn. Tháng lương đầu tiên, Bạch Các mua cho cha nệm mới, thấy ông nằm êm lưng cô rất vui. Sau đó trải qua một số biến cố, Bạch Các càng biết tình thương của cha to lớn đến mức nào. Cô nàng càng muốn kiếm tiền nhiều hơn để cha được nghỉ ngơi hưởng thụ cuộc sống. 

Sau này cô mở được công ty mỹ phẩm nhờ khả năng quan sát nhanh nhạy, nắm bắt thị trường tốt. Công việc vô cùng thuận lợi, cô kiếm được khoản tiền lớn để lo cho cha. Tuy nhiên, cô chưa thật sự dành thời gian để quan tâm nên một lần cha bệnh, cô ở xa vô cùng lo lắng. 

Sau lần đó, cô bán công ty và dành toàn bộ số tiền kiếm được đưa cha đi du lịch khắp nơi, ăn nhiều món ngon và để ông tận hưởng cuộc sống thoải mái thật sự sau gần cả cuộc đời vất vả. Ông đã vì thương cô mà nuôi cô khôn lớn, vậy cô không thể vì bất cứ lý do gì mà bỏ bê cha. Tiền bạc là phương tiện chứ không phải là hạnh phúc, nếu cô mang nhiều tiền về nhưng không thật sự quan tâm cha thì cả núi tiền cũng không có ý nghĩa.

hình ảnh

Lòng hiếu thảo của Bạch Các được nhiều người ngưỡng mộ. Ảnh Vietnamnet

Họ đến Hải Nam thưởng thức phong cảnh nhiệt đới, đến Vân Nam và Qúy Xuyên để thưởng thức món ăn đặc biệt ở đó, xem gấu trúc khổng lồ và đến Tân Cương trải nghiệm các phong tục dân tộc khác nhau. Nhiều người khen Bạch Các hiếu thảo nhưng trong lòng cô thì những điều cô đã làm không thấm vào đâu so với công ơn mà cô đã nhận từ cha.

Con ruột hay con nuôi đều không quan trọng, mà điều quan trọng nhất vẫn là con có hiếu, biết nghĩ đến công ơn cha mẹ. Bạch Các nhìn thấy cha cả đời vất vả, cô thương không biết để đâu cho hết. Vì vậy những thứ cô làm, những quyết định trong cuộc đời cô đều hướng về cha. Ngay cả khi có sự nghiệp thành công, cô vẫn chấp nhận bán đi, đem tiền mua xe và chở cha đi du lịch khắp nơi, thưởng thức nhiều món ngon vật lạ. Một người con như vậy là kết quả tốt đẹp của quá trình dạy dỗ, yêu thương không tính toán so đo của người cha.