Nằm khuất trong con đường nhỏ ở xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp là căn nhà của em Đinh Văn Cơ. Đó cũng chẳng thể gọi là ngôi nhà chỉn chu vì gần như dột nát, xập xệ rất nhiều nhưng Cơ đã vượt lên nghịch cảnh, xuất sắc đậu vào Đại học công nghệ thông tin TP HCM. 3 năm qua, Cơ sống đơn độc trong ngôi nhà, tự lo, tự học vì hoàn cảnh của em rất đặc biệt.



Nhớ lời cha dượng quyết học thành tài



Hoàn cảnh của Cơ đặc biệt vì từ nhỏ đã không được sống trong tình thương của cha ruột, chưa lần nào em dám tìm đến nhà cha vì gần như bị chối bỏ. Thuở nhỏ, Cơ sống với ngoại và cậu, phải nói cuộc sống chật vật đủ bề và mẹ phải tha phương cầu thực. Đến năm 7 tuổi, mẹ của em đi thêm bước nữa và dẫn Cơ theo cùng. Sống với người cha dượng, em may mắn được yêu thương như con ruột, ra sức dạy bảo. Tuy nhiên niềm hạnh phúc của một mái ấm chưa được bao lâu thì cha dượng của Cơ qua đời vì đột quỵ.



Rồi gánh nặng cơm áo, áp lực đã khiến người mẹ bỏ nhà đi, để lại mình Cơ trong căn nhà trơ trọi, tự xoay chuyển cuộc sống. Ban đầu, em định quay về nhà cậu mợ nhưng họ cũng không khá giả gì nên Cơ đành sống một mình trong căn nhà dột nát, được dựng từ những tấm tôn gỉ sét.


webtretho


Cơ trong căn nhà dột nát. (Ảnh: Tuổi trẻ)



Trong tình cảnh ngặt nghèo như Cơ, vốn là con trai vụng về lại thiếu thốn sự chăm sóc từ người thân hẳn hiếm ai đủ bản lĩnh để theo đuổi tiếp con đường học tập. Tuy nhiên, giữa những lúc khó khăn nhất, thử thách nhất thì Cơ lại càng quyết tâm và chăm chỉ bởi em nhận ra chỉ có học mới là cách tốt nhất để đổi đời. Em còn cho biết, chính cha dượng lúc còn sống cũng thường bảo ban Cơ phải chăm học hành, ra trường có công việc ổn định, được mọi người trọng dụng. Chẳng máu mủ ruột rà gì nhưng cha dượng đã ít nhiều tác động đến suy nghĩ của Cơ, giúp em vạch rõ định hướng cho mình. Có trách là trách số phận khéo trêu ngươi, khiến em chưa sống trong một mái ấm bao lâu đã phải nghẹn ngào bơ vơ suốt 3 năm qua trong căn nhà dột nát.



webtretho


(Ảnh: Tuổi trẻ)



Cuộc đời đã lấy đi của Cơ quá nhiều điều, từ thuở lọt lòng bị cha chối bỏ, đến khi lớn lại bị mẹ ruột bỏ rơi nhưng may mắn là em chưa bao giờ bỏ rơi chính mình, bỏ lỡ tương lai để sa ngã vào những trò hại thân. Kết quả, trong kì thi tốt nghiệp THPT 2019, Đinh Văn Cơ xuất sắc đạt được 23,6 điểm và đậu vào trường Đại học Công nghệ thông tin TP HCM. Chắc chắn quãng đường đại học còn nhiều gian nan, tuy nhiên với ý chí và sự giúp sức từ nhiều nhà hảo tâm sẽ tạo nên câu chuyện thật đẹp về cậu học trò có số phận đặc biệt này.



Nhà dột cột xiêu nhưng đời luôn hy vọng



Lúc bị mẹ ruột bỏ rơi, Cơ tự mình xoay sở trong thời gian đầu bằng công việc làm những tấm lót nhấc nồi. Tiền công khá ít ỏi, chỉ 2.000 đồng một cặp nhưng đó là cách mưu sinh duy nhất với Cơ trong thời gian đầu bơ vơ, nếu không tự kiếm sống thì chẳng còn ai chăm lo.



Thầy cô, bạn bè khi biết được hoàn cảnh của em cũng đã đến động viên và giúp đỡ rất nhiều. "Tấm che mái nhà là do chính tay thầy cô và các bạn đến giúp mình. Hôm đó rất vui. Thầy cô, bạn bè ai cũng cười nói vui vẻ. Lâu rồi nhà mình mới có dịp đông đúc, nhộn nhịp đến vậy", Cơ chia sẻ.


webtretho


(Ảnh: Internet)



Hàng xóm cũng cho biết, thời gian đầu khi bị bỏ rơi một mình trong căn nhà dột nát, Cơ bỗng lầm lì, ít nói thu mình lại. Nhờ bạn bè, cũng như tình cảm của mọi người xung quanh đã giúp em thoát nỗi buồn, dần ra khỏi nỗi mặc cảm số phận. Hàng xóm ai cũng mủi lòng trước chuyện đời của Cơ nên ai có gì giúp nấy, thỉnh thoảng cho em tô cơm cá kho nóng hổi khi trưa vừa học về, hay lúc ốm đau thì có nhóm bạn thân đến chăm sóc, hỏi han.



Bà Lê Thị Tuyền, hàng xóm của Cơ, dành nhiều thiện cảm với Cơ lẫn những người bạn của Cơ. "Hồi mẹ nó đi, nó lầm lì, ít nói. May nhờ có đám bạn thân hay lui tới, thấy nó cũng đỡ buồn hơn. Thương lắm. Có hôm tụi thấy nó nhờ bạn nấu nồi canh chua cá lóc, nó thèm mà không biết nấu", bà Tuyền kể.


webtretho


webtretho


(Ảnh: Tuổi trẻ)



Không ai có quyền chọn cho mình hoàn cảnh sinh ra nhưng mọi người có thể định đoạt đời mình nhờ ý chí và nỗ lực. Như câu chuyện của Đinh Văn Cơ, hoàn cảnh ngặt nghèo, một mình xoay sở trong căn nhà dột nát thiếu tình thương cha mẹ nhưng em đã bước vào giảng đường Đại học, mở ra những hy vọng mới sáng sủa hơn. Nói điều này lại nhớ đến trường hợp của bác sĩ Trần thị Ô Xin ở Huế, cũng từng phải đi rửa bát thuê, chật vật từng đồng để đến trường nhưng cuối cùng cô cũng trở thành bác sĩ. Khó khăn chỉ thật sự cản trở, khiến bạn lùi bước khi không có ý chí và quyết tâm. Người mạnh mẽ đạp lên số phận, đương đầu nghịch cảnh chắc chắn sẽ có ngày rạng danh, thành tài.




(Nguồn bài viết tham khảo: Tuổi trẻ online)