Nhờ đi làm sớm, anh lính cứu hỏa cứu được gia đình 7 người mắc kẹt trong đám cháy. Câu chuyện đang được chia sẻ rộng trên mạng xã hội và khiến nhiều người rưng rưng xúc động.
Anh hùng chẳng phải làm gì to tát như giải cứu thế giới trong những bộ phim Hollywood, mà đôi lúc đó là hành động kịp thời kịp lúc giữa lúc người khác gặp nạn. Một ngày đi làm sớm hơn thường lệ, trung úy Võ Hoàng Huy bất ngờ nhìn thấy đám cháy bên đường và anh nhanh chóng đến ứng cứu.
6g47 sáng ngày 3.7 vừa rồi, ngọn lửa bất ngờ bùng lên ở một quán cơm trên đường Đề Thám, quận 1, TP HCM. Nguyên nhân ban đầu được cho là do xì bình gas. Lúc này, Hoàng Huy đi ngang qua và nghe nhiều tiếng tri hô kêu cứu. Với trách nhiệm của một người lính cứu hỏa, Huy nhanh chóng dừng xe và chạy đến ứng giúp.
“Khi dừng xe lại, mình có tri hô: ‘Mọi người ơi đi tìm bình chữa cháy giúp em’. Rồi những cơ sở xung quanh, người ta chạy vào nhà và lấy bình chữa cháy để ra ngoài hết. Sau khi nhờ những người xung quanh như vậy, tôi xông vào đám cháy”, Huy kể lại.
Ảnh chụp màn hình.
Thời điểm ngọn lửa bùng lên và khói bao trùm căn nhà, 5 người lớn và 2 đứa trẻ sinh đôi chỉ mới 24 tháng tuổi bị mắc kẹt trên tầng 3 của căn nhà. Theo lời kể của Huy, khi anh tiến vào căn nhà, nhiệt độ bên ngoài rất nóng. Khói, mùi khét hắt ra. Rồi nghe tiếng hét thất thanh, tiếng la hỗn loạn.
Cố gắng giữ bình tĩnh, trung úy Huy cầm bình chữa cháy xịt vào, hết bình này là có bình khác được người dân bên ngoài đẩy vô. Từ vị trí cháy đến chỗ trung úy đứng là khoảng 3m và anh cố gắng tiếp cận càng gần càng tốt. Một lúc sau, anh nghe thấy tiếng còi hú của các đồng nghiệp.
“Lúc mình nghe có tiếng hú còi từ đằng xa là trong lòng có cảm giác mừng vì được đồng đội tới ứng cứu rồi. Một vụ cháy xảy ra thì quan trọng nhất là chữa cháy ban đầu. Nguyên nhân dẫn đến chết người thường là do ngạt khói. Khi mà không chữa cháy ban đầu kịp, khói sẽ lên nhiều và người mắc kẹt sẽ nguy hiểm”, Huy chia sẻ và ánh mắt lấp lánh niềm vui khi nhắc đến đồng đội.
Ảnh chụp màn hình.
Đang đi trên đường, gặp người lâm nạn và nhanh chân đến ứng giúp không chút nao núng, bất ngờ là khi nghe trung úy Hoàng Huy chia sẻ là anh cũng sợ. Nhưng đó không phải là nỗi sợ khiến anh chùn chân, mà sợ để “phán đoán được tình huống sẽ diễn ra như thế nào và đảm bảo an toàn cho mình”.
Nhớ đến câu chuyện tương tự cũng xảy ra gần đây về một anh chàng trông thấy đứa trẻ 3 tuổi bị rơi ra khỏi ban công và kẹt ở tấm lưới sắt lầu 6. Không chút nao núng, anh thoăn thoắt leo lên cứu đứa trẻ dù ngày thường rất sợ độ cao. Đứa trẻ an toàn nhưng anh không dám leo xuống vì sợ, đành đợi lính cứu hỏa đến giúp.
Đó là những người mang trong mình trái tim vĩ đại, sẵn sàng lao vào nguy hiểm để cứu người gặp nạn. Có khác là trung úy Huy vốn người trong ngành cứu hỏa nên có hiểu biết, đủ bình tĩnh và anh cứu người như đúng trọng trách của mình. Đó là nghề, và cũng là nghiệp vì từ nhỏ Huy đã từng mơ ước lớn lên sẽ trở thành người lính cứu hỏa giúp mọi người.
“Tới bây giờ vẫn còn cảm giác bồi hồi, cảm giác mình may mắn và người ta cũng may mắn nữa. Tại vì mình tới đúng lúc, đúng thời điểm. Đó giống như ước mơ hồi nhỏ của mình. Hồi đó, xóm mình cũng cháy hai lần và suy nghĩ có khi nào lớn lên sẽ làm lính cứu hỏa hay không. Và lớn lên mình làm thiệt”, anh chàng dũng cảm cứu người cho biết.
Ảnh chụp màn hình.
Ngẫm nghĩ, đôi khi trong cái rủi có cái may là vậy. Hôm đó, ngọn lửa bùng lên và khói nghi ngút đe dọa tính mạng của 7 người mắc kẹt trong nhà nhưng họ may mắn gặp được anh lính cứu hỏa có trái tim dũng cảm. Nhờ được Huy ứng cứu bước đầu nên đám cháy ít nhiều được khống chế và những người mắc kẹt bên trong không ảnh hướng đến tính mạng.
Công việc của những người lính cứu hỏa dù được trả lương nhưng có mấy ai đủ can đảm, thậm chí đánh cược mạng sống để lao vào lửa cứu người như họ? Họ mang trong mình lý tưởng giúp đời cứu người, là ước mơ như anh lính cứu hỏa trong câu chuyện trên với mong muốn cứu người gặp nạn. Hay như những anh lính thức trắng ngày đêm để dập tắt những đám cháy rừng ở miền Trung nước mình. Đối diện với cái nóng từ lửa cùng hiểm nguy nhưng họ không nao núng hay chùn bước.
Nghe chuyện, chúng ta rưng rưng xúc động và ngưỡng mộ trước sự can đảm của họ và cũng cần tự dặn lòng, hãy ý thức nhường đường mỗi khi nghe tiếng hú còi cứu hỏa hay cấp cứu trên đường. Bởi chỉ cần chậm trễ một chút là biết bao nguy hiểm xảy ra, đe dọa tính mạng nhiều người.
Nguồn tham khảo: VNE