Nhà báo Trương Anh Ngọc từng có chia sẻ thẳng thắn và nhận về nhiều ý kiến đồng ý khi cho rằng một số người Việt có tư tưởng nhìn bề ngoài để cư xử. 

Vốn có thời gian sinh sống ở nước ngoài, nhà báo Trương Anh Ngọc ít nhiều quan sát và nhìn ra những điểm khác nhau trong lối sống, tính cách của người Việt so với nhiều nơi khác. Anh cho rằng, ở việt Nam có nhiều người trông và bề ngoài của đối phương để tìm cách xử sự như kiểu thấy người có vẻ ngoài sang trọng, đi xe đẹp, ăn mặc sành điệu thì có thái độ niềm nở, tôn trọng. Ngược lại, người có bề ngoài không bóng bẩy, không ăn mặc lịch sự thường bị đánh giá là thấp kém. Khi ra ngoài, họ hay bị phân biệt đối xử.

Thay vì nhìn vào năng lực, tính cách để đánh giá, nhiều người lại soi vào ngoại hình của đối phương rồi nhanh chóng phán xét. Biết rằng thời buổi này nếu để bề ngoài quá xuề xòa, luộm thuộm cũng khó lòng khiến ai tin tưởng vì “tâm sinh tướng”. Một kẻ vô công rỗi nghề, ăn chơi lêu lỏng thường khác một người chăm chỉ làm ăn. 

hình ảnh

(Ảnh Internet)

Tuy nhiên các cụ cũng từng nói “đừng trông mặt mà bắt hình dong”. Nhiều khi bề ngoài không bao giờ đánh giá đúng được bản chất của một con người.

“Tôi là trường hợp điển hình, bình thường tôi ăn mặc bụi bặm, quần bò rách và để tóc dài. Nếu ai không biết, họ sẽ nghĩ: “Ôi ông này luộm thuộm thế? Chắc cũng vớ vẩn thôi”.

Một vài lần tôi cũng nhận được thái độ “kỳ thị” vì tư tưởng nhìn bề ngoài để cư xử như vậy”, nhà báo Trương Anh Ngọc nói.

Theo anh, việc lấy hình thức để tạo ra giá trị bản thân không có gì là xấu. Tuy nhiên, nếu theo đuổi những giá trị đó quá mức, người ta sẽ đánh mất bản thân mình. Từ đó, dễ cổ súy cho lối sống ảo, lối sống vật chất và dẫn đến các giá trị tốt đẹp cũng dần mai một.

Thực tế có nhiều bạn trẻ mua xe cộ, đồ công nghệ… không phải bằng tiền mồ hôi, công sức mình làm ra. Họ tìm nhiều cách để thỏa mãn nhu cầu cá nhân trong một khoảng thời gian mà không cần nghĩ đến tương lai ra sao. Thậm chí, đắp lên mình những thứ đắt tiền để khiến người xung quanh phải trầm trồ trong khi chẳng có việc ổn định, ăn bám bố mẹ. 

Đặc biệt thời buổi mạng xã hội phát triển như Facebook, Instagram… người ta càng thích thể hiện hình ảnh của mình qua các trang cá nhân này, biến nó thành cuộc đua, khoe khoang…Người ta làm tất cả để đi theo những giá trị phù phiếm và thích nhận những lời khen hơn là lắng nghe những lời phê phán, góp ý. Hệ lụy là khi cuộc sống không như họ mong muốn, những người này thường rơi vào trạng thái tiêu cực và khó thoát ra.

Còn ngược lại, những người có lối sống giản dị, không khoe của thì sao? Nhà báo Trương anh Ngọc đưa quan điểm cá nhân: “Thay vì khoe nhà, ô tô sang, thân hình đẹp hay thành tích… mọi người dành thời gian quan tâm đến giá trị sống, vun đắp tâm hồn như vợ chồng cùng con khám phá điều gì mới mẻ; tham gia các dự án từ thiện… Bớt sống ảo, bớt sĩ diện sẽ có hạnh phúc bền lâu”.

hình ảnh

(Ảnh minh họa trái: Internet)

Không chỉ ưa sống ảo, trọng hình thức, theo nhà báo Trương Anh Ngọc, nhiều người Việt còn có lối sống rất hoang phí và điều này cũng phần nào do ảnh hưởng từ việc trọng giá trị bên ngoài. Anh đưa ra, có 3 kiểu lãng phí hay gặp ở Việt Nam. Thứ nhất là lãng phí đồ ăn, đi nhà hàng quán xá gọi thừa mứa rồi bỏ đó. Thứ hai là mua đồ không phù hợp nhu cầu sử dụng, dùng tiền mua hàng hiệu đắt tiền chỉ để khoe mẽ độ giàu có. Thứ ba là thói quen ưa tụ tập ăn uống, nhậu nhẹt của nhiều người Việt. 

“Người lớn quen sống hoang phí, con trẻ cũng dễ học theo. Nếu không thay đổi, sẽ tác động xấu đến không chỉ một mà còn nhiều thế hệ kế tiếp”, nhà báo Trương Anh Ngọc nói.

Ngay cả các bậc cha mẹ, việc sống tiết kiệm cũng là tấm gương để con cái noi theo. Thay vì so sánh người này có món đồ đắt tiền rồi dễ khiến bản thân rơi vào tị nạnh, buồn bực hãy tập chấp nhận và vui vẻ với những gì đang có.

“Ngày tôi còn ở bên Pháp, tôi gặp nhiều sinh viên Việt Nam đi chạy bàn. Công việc vất vả, lương của họ so với thu nhập người bản địa là thấp nhưng họ có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, tăng khả năng giao tiếp tốt hơn.

Sinh viên đi làm sẽ được va vấp với cuộc sống, hiểu được giá trị đồng tiền, định hướng tư duy và tính cách”, anh cho hay.

Dĩ nhiên những nhận định trên chỉ là quan điểm cá nhân và cũng không phải vơ đũa cả nắm. Cuộc sống muôn màu muôn vẻ và nếu ai bắt gặp chính mình qua những nhận xét này cũng nên soi chiếu lại bản thân, tìm ra thay đổi tích cực hơn. Các cụ ngày xưa cũng đã dạy chí lý “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” để khuyên hậu thế trau dồi nội lực hay vì ra sức khiến vẻ ngoài lung linh còn bên trong rỗng toác. Rồi, “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” là lời khuyên về tiết kiệm, nhất là giữa thời buổi dịch bệnh khó lường như hiện nay.