Những hình ảnh sau đây sẽ là một phần cho câu trả lời của câu hỏi làm dư luận tranh cãi trong thời gian dài: “Không có nghệ sĩ thì ai cứu dân?”.
Như chúng ta cũng đã biết, cơn bão Noru hoành hành ở miền Trung từ tối qua. Rất nhiều hình ảnh liên tục cập nhật trên mạng xã hội cho thấy những thiệt hại đầu tiên từ khi bão bắt đầu kéo tới. Chưa có số liệu thống kê cụ thể vì sức còn đang tập trung cho những việc cấp bách hơn như là di dời người dân đến nơi an toàn và lo ăn uống ngủ nghỉ, bảo vệ nhà cửa tài sản vật nuôi...
Còn nhớ năm ngoái, chuyện nghệ sĩ kêu gọi từ thiện rồi chi tiêu không minh bạch khiến mạng xã hội xôn xao. Đặc biệt là câu hỏi của một số dân mạng đưa ra rằng: “Không có nghệ sĩ thì ai cứu dân?”.
- Cứ như này rồi nghệ sĩ không dám làm từ thiện nữa. Rồi ai sẽ cứu người dân?
- Làm việc thiện mà cứ bị soi mói thì không ai muốn rước rắc rối vào thân. Chỉ có người nghèo khổ, người cần cứu trợ là thiệt thòi.
Những thắc mắc gây tranh cãi. Ảnh Danviet, Doanh Nghiệp & Tiếp Thị
Theo tôi, ngoài nghệ sĩ, nhiều ban ngành cũng hỗ trợ cho bà con vượt qua khốn khó vì biết bao nhiêu năm nay họ đã luôn âm thầm như vậy, chỉ là không ồn ào, truyền thông rầm rộ mà thôi.
Những chiến sĩ lội nước, vào tận nơi bão lũ để giúp dân. Ảnh Vietgiaitri
Trong siêu bão Noru, người dân cả nước đang hướng về miền Trung, vô cùng lo lắng cho sự an toàn của họ. Tại Quảng Ngãi, công tác di dời dân vùng ven biển nguy hiểm về cơ bản đã hoàn thành. Nhưng vẫn còn một cụ ông tên Nguyễn Bá Loan, ngoài 90 tuổi không chịu đến nơi trú bão dù nhà cụ nằm ngay cửa biển Sa Cần, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.
Chính quyền xã Bình Đông đã cử lực lượng xuống nhà vận động lần 1 vào khoảng 15h nhưng cụ Loan (thôn Tân Hy) vẫn nhất định không đi vì không muốn rời khỏi ngôi nhà của mình. Cụ cho rằng “tôi tuổi già, chết thì thôi”.
Chính quyền đến nhà thuyết phục cụ Loan. Ảnh Tuổi trẻ
Đến 17h, ông Đoàn Thế Oanh - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông tiếp tục xuống nhà vận động cụ Loan nhưng cụ nhất quyết từ chối vì lý do sức khỏe yếu, chân tay đi lại khó khăn và vệ sinh cá nhân phải nhờ người khác.
Ông Oanh ra sức thuyết phục: “Bác thương bọn cháu, bác đi đến nơi trú ẩn an toàn, chẳng lẽ bọn cháu đội mưa gió vầy mà bác không thương”. Nhưng cụ Oanh vẫn giữ nguyên quyết định của mình: “Biết thương rồi, nhưng tôi không đi đâu, già rồi chết thì thôi chứ sợ gì”.
Chính quyền xã không bỏ cuộc, họ cố gắng giải thích cho ông cụ hiểu rằng nếu cụ không đi thì phải dùng đến biện pháp cưỡng chế: “Bác không đi thì con với cháu cố cũng phải ở nhà, lỡ bão vào, các con có vấn đề gì bác đau lòng không? Phải nghĩ cho con cháu nữa bác ạ. Chứ tình hình này, bác không đi bọn cháu buộc lòng phải cưỡng chế để đảm bảo an toàn cho gia đình”.
Nghe đến đây, ông cụ xiêu lòng nên đồng ý rời nhà đến chỗ trú bão an toàn. Con cháu nghe cụ đồng ý thì rất mừng. Họ cảm ơn chính quyền đã thuyết phục ông cụ thành công.
Ông cụ được đưa tới nơi trú bão. Ảnh Tuổi trẻ
Có thể thấy từ bao năm nay chính quyền vẫn ra tay trước, trong và sau cơn bão để tìm cách cho bà con được an toàn và khắc phục hậu quả tốt nhất có thể. Quân nhân và người dân xung phong di dời, lo toan mọi thứ khi bão lũ về. Họ làm trong âm thầm chứ không cần ầm ĩ, không cần ai chụp ảnh tung hô, không cần chạy quảng cáo những việc mình đã và đang làm được.
Chính quyền hỗ trợ và người dân cũng chủ động giúp đỡ lẫn nhau. Ảnh Group KSC
Theo báo Thanh niên đưa tin, Phó thủ tướng Lê Văn Thành (Trưởng ban chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4 Noru) tỏ ra vui mừng vì nhờ công tác chuẩn bị công phu, bài bản nên giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra. Nhiệm vụ trước mắt là các địa phương phải khẩn trương rà soát các điểm có thiệt hại, các khu dân cư có nhà tốc mái, hỗ trợ cho bà con để dựng lại khu vực này. Khu vực cây cối bị đổ ảnh hưởng đến giao thông phải có bộ phận trực chiến khắc phục nhanh chóng để tránh ùn tắc giao thông.
"Hết sức chú trọng tinh thần không được chủ quan. Kinh nghiệm là đã trả giá qua một số cơn bão. Sau cơn bão gây ra thiệt hại còn lớn hơn so với bão diễn ra. Việc cho đi học lại tuy khẩn trương nhưng phải căn cứ vào tình hình đường sá, tình hình hồ đập, cầu cống đảm bảo an toàn. Trời yên biển lặng hẳn mới cho các cháu đi học. Tránh tình trạng sớm 1 ngày mà ảnh hưởng tính mạng người dân", Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.
Quân đội luôn có mặt để hỗ trợ người dân. Ảnh minh họa, baoquankhu4
Ảnh Tuổi trẻ, qdnd
Cũng theo báo Thanh niên, để sẵn sàng ứng phó với bão Noru, Quân khu 5 đã điều động nhiều phương tiện là xe đặc chủng, 5 thiết giáp và 1 máy bay ứng phó. Các đơn vị đã tổ chức lực lượng hơn 53.000 cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân, công an và các lực lượng khác cùng gần 1.400 xe ô tô, gần 110 xe đặc chủng, xe chuyên dụng, 715 xuồng máy. Phối hợp với Quân chủng Phòng không không quân điều động 1 máy bay chuẩn bị ứng phó với bão.
Quân khu 5 sẵn sàng ứng phó bão Noru. Ảnh Thanh niên
Trên đây chỉ là những liệt kê rất cơ bản chứ không thể nói hết sự giúp đỡ của chính quyền và giữa những người dân với nhau trước cơn bão lớn và trong rất nhiều năm trước đây. Tôi không phủ nhận tấm lòng và công sức của rất nhiều anh chị em nghệ sĩ, người nổi tiếng có tấm lòng nhân ái đã giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn mùa dịch, mùa bão lũ... Tôi rất cảm ơn họ, nhưng cũng muốn nói rằng, dân tộc mình đoàn kết và thương yêu nhau lắm, không chỉ nghệ sĩ mà rất nhiều lực lượng khác, những con người khác đã, đang và sẽ luôn giúp đỡ nhau đi qua cơn hoạn nạn.