Cùng là cảnh đi bán vé số mưu sinh, chẳng ai nghĩ cụ ông trong bộ quần áo trắng tinh, lang thang khắp các con hẻm Thủ Đức (Tp. HCm) lại là cô đào chuyển giới lớn tuổi nhất Việt Nam, từng vang bóng một thời trong các đoàn lô tô nổi tiếng.
Ngày ấy, cái thuở mà người đời còn kỳ thị giới tính, còn phân biệt nam – nữ nặng nề, cụ Sa (tên thật là Ngô Văn Sang) đã biết mình hoàn toàn khác biệt. Nhưng ‘bà’ phải cố kiểm soát bản thân, giấu nhẹm gia đình và những người xung quanh .
Năm 14 tuổi, cha mẹ qua đời, bà bắt đầu nuôi tóc dài, tham gia vào các đoàn biểu diễn và đặt cho mình cái tên Trang Kim Sa đầy kiêu sa. Đêm đêm, Kim Sa tô điểm phấn son, giả gái thướt tha say mê hát dưới ánh đèn đỏ xanh lấp lóa.
Cô đào lô tô 20 năm cầm ca: Bị người đời khinh bỉ, ước nguyện thoát kiếp 'hồn bướm thân sâu'
Hai bạn già nương tựa vào nhau (Ảnh: Thanh Niên)
“Ngày xưa làm gì hiện đại như bây giờ. Tự mấy chị em mua thuốc, mua kim về làm cho nhau. Rồi sức khỏe bị ảnh hưởng, có người… đã chết không lâu sau đó. Nhưng khát khao được sống với bản năng của mình lại lớn hơn nhiều, nếu không thì có khác gì chết đâu”, cô đào chuyển giới lớn tuổi nhất Việt Nam bộc bạch.
Thời kì hoàng kim trong sự nghiệp, các đêm diễn “cháy” vé vì cái tên Trang Kim Sa. Cũng vì đó mà nhiều người con trai theo đuổi bà. Trải qua nhiều mối tình, nhưng khắc cốt ghi tâm với bà chỉ có duy nhất người con trai tên Tú.
“Tôi và Tú thương nhau, lúc tôi vẫn còn trong thân xác đàn ông. Tú đưa tôi về nhà ở, nhưng mọi người chỉ nghĩ chúng tôi là bạn bè. Trớ trêu thay, em gái Tú lại thương tôi. Tôi đành phải ra đi…”, nói đoạn, đôi mắt buồn sâu hoắm của bà bỗng xôn xao.
Cụ Sa từng là cô đào nức tiếng một thời (Ảnh: Thanh Niên)
Cái nghiệp lô tô gắn với cô đào chuyển giới Trang Kim Sa cũng hơn nửa đời. Nhưng rồi chỉ bằng một cơn tai biến ở tuổi 65, “bà hoàng” ngày nào đành trở về với cuộc sống không nhà cửa, không gia đình, không tiền bạc.
Bấy giờ, bà Hai (tên thật là Lê Thị Kim Ngân, 69 tuổi) mới nghe tin, liền tức tốc đón người bạn mình về, thuê căn nhà nhỏ 4 mét vuông ở ngoại ô Sài Gòn để sống. Nói về mối duyên đau thấu tim can, bà Hai thừa nhận quá khứ từng yêu ‘ông Sa’ tha thiết và bây giờ vẫn còn nặng lòng lắm, dù bà biết đó là mối tình không thể nào có hồi kết.
Rồi mặc người đời nói ra nói vào, trong mắt bà “người ấy “vẫn là đàn ông. “Nhà sát vách, chơi với nhau từ hồi ở truồng tắm mưa, chia nhau từng cái kẹo. Hồi ổng đi lính, tôi lên thăm, ổng cự nự thăm chi mà thăm miết.
Vậy đó mà về chưa bao lâu, ổng bỏ Sài Gòn đi biệt xứ, mãi cho tới lúc bệnh tôi mới hay tin. Giờ tôi không chồng con, ổng không gia đình, thôi thì thân già nương nhau mà sống vậy”, bà Hai bồi hồi nói chuyện xưa và quyết định của mình.
(Ảnh: Thanh Niên)
Cũng đã đi quá “60 năm cuộc đời”, chật vật mưu sinh trong trăm nỗi khó khăn, vậy mà bà Hai vẫn “cả gan” nhận người bệnh về ở cùng. Ban đầu, bà vẫn tiếp tục phụ bán quán ốc ở Phú Nhuận để kiếm sống, 1 tháng về thăm bà Sa có 1 – 2 lần.
Cho đến một lần, bà nghe hàng xóm rỉ tai nhau là “ông Sang ngày nào cũng đi bán vé số”, nước mắt bà tự rớt không ngưng được. “Kêu ổng nghỉ mà ổng quyết không nghỉ, tôi bỏ việc về đây luôn. Lo cho ổng bữa cơm, bữa cháo, để ổng một mình tôi không tài nào an tâm được”, bà Hai hạ giọng.
Giờ đây mỗi ngày, khi trời tờ mờ sáng là 2 “ông bà” đã lục đục dậy. Bà Hai tranh thủ đi phụ việc cho 1 nhà gần đó, kiếm thêm đồng ra đồng vào. Còn bà Sa chân thấp chân cao chậm chạp đi khắp nơi bán vé số.
Trưa chiều, “ông bà” lại trở về căn nhà ọp ẹp. Bà Hai nấu cơm, bày trên ghế xếp, 2 người vừa ăn vừa thủ thỉ. Cạnh bên là chú chó già được xem như một thành viên trong gia đình. ” “Ừ thì ngày xưa tôi yêu ổng mà. Còn ổng yêu ai thì Trời định, ổng chỉ sống đúng con người mình thôi…”
(Ảnh: Thanh Niên)
Có lẽ, ông trời đã an bài cho mỗi người một số phận, có kẻ nghèo khó cả đời, có kẻ ốm đau bệnh tật không sao trị hết được nhưng buồn hiu hắt như cuộc đời cụ ông chuyển giới lớn tuổi nhất Việt Nam cùng người bạn tri kỷ, thật ám ảnh và day dứt mãi khôn nguôi.
Hai mảnh đời, hai hoàn cảnh, dựa vào nhau mà sống cho hết tuổi già. Một bên đau đáu với ước mơ được sống đúng giới tính, được làm con gái dù chỉ một lần, luôn trăn trở và hoài niệm với quá khứ, luôn day dứt với bóng đèn sân khấu, chẳng thể thoát ra.
Người còn lại còn đau khổ hơn, đó là yêu một người đàn ông trong tâm hồn phụ nữ. Nhưng bà Hai cao thượng quá, hy sinh quá, vì yêu mà ở vậy cả đời, vì yêu mà không oán trách hay hận tình, vì yêu mà tuổi già vẫn còn nặng gánh.
(Ảnh: Thanh Niên)
Dường như cả đời của bà Hai, chỉ đứng ở một chỗ, chờ người ấy quay về để yêu thương và chăm sóc, bởi bà biết, xã hội ruồng rẫy ‘ông’ nhiều, đối xử bất công với ‘ông’ rất nhiều, và đời ông chỉ còn bà là người duy nhất có thể bảo bọc, chở che.
Giờ đây, hai thân già nương tựa vào nhau, hạnh phúc hay oan trái, may mắn hay bi kịch, chỉ có người trong cuộc mới cảm nhận được. Dẫu sao, chỉ cầu mong xã hội không còn kỳ thị giới tính thứ ba, không chê bai với những người muốn chuyển đổi giới tính, bởi con người, nào ai muốn phải khổ đau?
Nguồn tham khảo: Thanh Niên