Nhà dưỡng lão này chính là nơi cưu mang rất nhiều cuộc đời cô đơn lẻ loi. Các ông bà cụ được chăm sóc tốt, sống trong môi trường bình yên thoải mái.

Có lẽ ai trong chúng ta đều chẳng mong tuổi già lẻ bóng cô đơn. Lúc trẻ sống với cha mẹ, trung niên sống cùng vợ/chồng rồi đến khi lớn tuổi được con cháu chăm sóc hiếu kính. Nhưng ở đời có mấy ai đạt được ước nguyện đó. 

Có biết bao chuyện xảy ra khiến tuổi già cô đơn thui thủi một mình. Ở Sóc Trăng có nhà dưỡng lão là nơi cưu mang những ông bà cụ như thế. Nơi này tồn tại 15 năm, do ông Ngô Đoan Thanh (ngụ xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) xây dựng. Ông lấy 1,5 ha đất nhà, chi phí xây dựng lên đến 4 tỷ đồng, tương đương 400 cây vàng vào năm 2007.

Ước nguyện của ông Thanh là xây một nơi để người nhà neo đơn có chỗ ở ổn định. Nhà dưỡng lão này được chia thành những khu riêng để phục vụ tốt nhất cho cuộc sống của những ông bà cụ. Bao gồm: Khu nhà cụ ông, khu nhà cụ bà, nhà bếp, khu y tế chăm sóc và khu nhà mát dùng làm nơi sinh hoạt tập thể cho các cụ. 

hình ảnh

Nơi đây là nơi 200 cụ già neo đơn sinh sống. Ảnh Vietnamnet

Sau hai năm xây dựng, nhà dưỡng lão được đưa vào hoạt động và một năm sau cụ Thanh qua đời. Con trai cụ đã thay cha hoàn thành ước nguyện, đưa mái ấm này trở thành nơi bình an để các ông bà cụ có nơi sinh sống. Nhà dưỡng lão Đức Thọ hoạt động từ đó cho đến nay, được bà con xa gần biết đến. 

Hiện tại, Trưởng ban quản lý nhà dưỡng lão này là ông Nguyễn Trung Khánh (60 tuổi). Nói về người cụ Thanh, ông Khánh cho biết: “Lý tưởng, việc làm của ông Thanh quá cao cả. Tiếc là ông qua đời sau cơn bạo bệnh, để lại mái ấm tình thương này. Chúng tôi tự thấy phải có trách nhiệm để chung tay duy trì làm việc thiện này”.

Hiện tại mái ấm này có 200 cụ già, mỗi người đều có mỗi hoàn cảnh khác nhau. Có cụ thì cuộc sống khó khăn không còn sức mưu sinh, cụ thì con cái nghèo khó không có điều kiện nuôi dưỡng, cụ bị người thân đưa đến rồi rời đi chưa bao giờ quay lại thăm hỏi,... Cứ như vậy ngày qua ngày, các cụ được chăm sóc, trò chuyện, sinh hoạt trong khung cảnh thanh bình yên tĩnh. 

Nhờ môi trường sống trong lành, mọi người đều chan hòa tình cảm, các tình nguyện viên tận tụy nên các cụ dù lúc mới vô khá e dè, ít nói nhưng theo thời gian đều mở lòng, vui vẻ hơn. Tuổi già có đòi hỏi gì nhiều đâu, chỉ cần bấy nhiêu là quá đủ. Người ta nghĩ nhà dưỡng lão là điều gì đó rất xa cách, không thân thuộc nhưng thực tế lại trái ngược hoàn toàn. 

hình ảnh

Các ông bà cụ được chăm sóc rất cẩn thận, thức ăn ngon lành ngày 3 cữ. Ảnh Vietnamnet

15 năm trước vợ mất, 2 đứa con thì đứa qua đời, đứa nghèo khó nên cụ Lưu Tiến Thành (ngụ TP. Sóc Trăng) vào nhà dưỡng lão sống. Ở đây 11 năm cụ rất hài lòng: “Mắt tôi thì gần như mù, không muốn làm gánh nặng cho con nên tôi xin vào nhà dưỡng lão Đức Thọ ở cho đến nay. Vào đây, tôi được các cô chú chăm sóc, lo lắng cho từng chút một. Tôi cảm thấy ở đây rất vui, giờ lớn tuổi rồi chỉ chờ ngày về đoàn tụ với ông bà…”.

Còn nhiều hoàn cảnh khác cũng vì nghèo khó, sợ làm gánh nặng cho con cháu nên các cụ vào đây. Mỗi ngày ăn 3 cữ, mỗi cữ là các món đầy đủ dinh dưỡng, ngon miệng đảm bảo sức khỏe cho các cụ. Cuối tuần sẽ có bún, bánh ngọt, trái cây... Mỗi tháng, con trai người sáng lập, các mạnh thường quân, tình nguyện viên đóng góp 30 triệu để duy trì hoạt động. Các cụ cũng được nhận BHYT đầy đủ và được đội ngũ y bác sĩ khám sức khỏe định kỳ mỗi tháng 2 lần.

Sau thời gian sống tại nhà dưỡng lão, khi được con cháu đón về các cụ không muốn. Ở đây ai nấy đều yêu thương và đùm bọc nhau, tuổi già có bạn nói chuyện tâm sự là điều vui nhất. Trường hợp có cụ qua đời, nếu không có người thân thì nhà dưỡng lão sẽ lo ma chay, tổ chức lễ tang. 

Đã duy trì hoạt động được 15 năm nay và tiếp tục trong tương lai, nhờ có nhà dưỡng lão này mà cuộc đời tuổi về chiều của các cụ già được quan tâm chăm sóc chu đáo. Nhìn các cụ ăn uống ngon miệng, vui vẻ mà lòng thấy bình an. Tuổi già đâu cần gì cao sang, đâu cần tài sản hoành tráng, chỉ cần mỗi ngày trôi qua được quan tâm, thoải mái về mặt tinh thần như thế này là đủ.

Thời buổi nào con người cũng phải trải qua những giai đoạn tương đối giống nhau, tuổi trẻ cần kiếm tiền, tuổi già cần quan tâm. Chúng ta đôi khi vì nhiều lý do mà không thể ở cạnh để chăm sóc ông bà, cha mẹ. Để họ tự lo thì không được, gửi viện dưỡng lão không an tâm và sợ tiếng đời dị nghị. Ngày nay, việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão vẫn bị xem là bất hiếu, dù nơi đó cao cấp như thế nào. Đồng thời, nơi này bị xem là chỉ dành cho người già cơ nhỡ, không chỗ nương tựa. Nếu cha mẹ có con cháu đầy đủ, sao phải đưa vào đây?

hình ảnh

Ảnh minh họa, sentangsedtee

Theo truyền thống của người Việt nói riêng và châu Á nói chung, con cái phải có nghĩa vụ báo hiếu và chăm sóc cha mẹ khi về già. Một gia đình hạnh phúc là nơi đó con cái phụng dưỡng, tự tay lo cho cha mẹ từng miếng ăn giấc ngủ, giúp cha mẹ vui vẻ thoải mái. Nhưng cuộc sống bộn bề nhiều thứ quá, để cân bằng được giữa công việc, con cái và cha mẹ già không phải là điều dễ dàng. 

Có nên đưa cha mẹ, ông bà vào viện dưỡng lão hay không vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Tùy theo khả năng, kinh tế, quan điểm, hoàn cảnh của mỗi người thôi. Nhưng làm gì cũng phải đảm bảo ông bà, cha mẹ được sống vui sống khỏe, không thấy cô đơn.