Ông trời sinh ra con người với hai bàn tay, để lao động, để kiếm sống, để đón nhận những điều tốt đẹp và để chìa ra giúp đỡ cộng đồng.



Nhưng cuộc sống vốn dĩ không công bằng, bởi xã hội này vẫn còn đó những mảnh đời bất hạnh. Họ chẳng được tạo hóa ưu ái ban cho đôi bàn tay lành lặn, đẹp xinh.



Dẫu vậy, họ lại có nghị lực sống phi thường để minh chứng một điều tuyệt diệu: khuyết tật không đáng sợ bằng việc khiếm khuyết tâm hồn. Như câu chuyện của cô bé Sara Hinesley lại càng tuyệt hơn thế!



hình ảnh




Mới đây, tại cuộc thi viết chữ đẹp toàn quốc ở Mỹ, giải thưởng Nicholas Maxim 2019 dành cho chữ viết tay đẹp nhất đã được trao cho cô bé 10 tuổi Sara Hinesley. Điều khiến thành tích của Sara trở nên ấn tượng hơn bao giờ hết là từ khi sinh ra cô bé đã không có ngón tay nào.



Sara sinh ra ở Trung Quốc và được một gia đình người Mỹ nhận nuôi 4 năm về trước. Khi mới chuyển đến Mỹ, cô bé chỉ có thể nói và viết tiếng Trung phổ thông. Sau đó em nhanh chóng học được tiếng Anh với sự giúp đỡ của chị gái Veronica.



Nhiều người có thể nghĩ, thiếu mất đôi bàn tay thì sao mà làm gì được, nhưng với Sara, điều đó dường như không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống của em. Không những vẫn viết chữ rất đẹp, em còn có thể vẽ tranh, nặn đất, đi xe đạp, chơi thể thao… và làm nhiều việc khác một cách rất đỗi bình thường.



hình ảnh


(Ảnh:lifebuzz.com)


Ngay khi mới đón Sara về, mẹ em – cô Cathryn Hinesley cũng đã sớm biết em không phải là người sẽ tự nhốt mình vào một góc chỉ vì khuyết tật. “Con bé rất độc lập, một khi biết mình có thể làm gì thì nhất định sẽ tìm cách làm bằng được. Sara xinh xắn, nghị lực và kiên cường theo cách của nó. Con bé thực sự rất giỏi.



Chúng tôi không mất quá nhiều thời gian để tin tưởng vào tài nhận định của cháu, xem cháu muốn gì và để cháu tự làm. Con bé sống theo cách mà bạn không bao giờ có thể nghĩ nó đang bị khuyết tật, bởi thái độ ‘con có thể cân cả thế giới’ của nó”
, mẹ Sara kể lại.



Về chuyện viết chữ, Sara thường ghì chắc chiếc bút vào giữa hai cánh tay, sau đó tập trung vào từng nét chữ, từng điểm và những nét cong. “Viết chữ thảo có cảm giác như tạo ra một tác phẩm nghệ thuật. Cháu thích cách mà các chữ cái được hình thành. Nó giống như đang làm nghệ thuật vậy”, Sara cười nói.



hình ảnh


(Ảnh:lifebuzz.com)




Một điều đặc biệt là mãi đến giờ, cô bé vẫn không hiểu tại sao việc mình đạt giải viết chữ đẹp toàn quốc lại được nhiều người chú ý đến vậy. Bởi với em, việc đó cũng không lấy gì làm quá khó. Cô bé cũng từng tâm sự: “Thường những gì cháu chưa làm được cháu sẽ tìm cách khác để làm và cố gắng hết sức hoàn thành nó. Cháu chỉ cố hết sức, đặt cả tâm trí vào đó thôi và đây là kết quả”.



Những lúc rảnh rỗi, Sara thích vẽ những thứ quanh mình, đặc biệt là hoa hướng dương. Trong các công việc hàng ngày, Sara khá cá tính và mạnh mẽ. Cô bé chưa bao giờ sử dụng tay giả và thường tự mình thực hiện các việc.



Khi được đề nghị giúp đỡ hoặc hỗ trợ bằng dụng cụ nào đó, với những việc có khả năng làm được, em thường từ chối và tìm cách tự “chinh phục” thử thách. Cô bé đã thực sự làm được nhiều điều mọi người xung quanh tưởng chừng không thể.



hình ảnh


(Ảnh:lifebuzz.com)




Đúng như lời mẹ Sara nói, cô bé bị khuyết tật nhưng những gì em biểu hiện khiến người ta dường như chẳng mảy may suy nghĩ chút gì về chuyện đó. Em vẫn vô tư hồn nhiên chơi đùa cùng chúng bạn, vẫn tự tin lái xe đạp, chơi thể thao và làm các việc như những người bình thường, dẫu rằng em phải vất vả hơn mọi người để hoàn thành chúng.



Nỗ lực của em khiến người lớn phải rơi nước mắt xen lẫn chút xấu hổ, bởi không phải ai cũng đủ dũng cảm, đủ kiên cường như em dù họ may mắn có một cơ thể bình thường. Còn em, một cô bé tiểu học không có cả 2 bàn tay, để viết được chữ thôi cũng là chuyện không hề đơn giản chứ chưa nói đến đạt giải nhất cuộc thi chữ đẹp toàn nước Mỹ.



Vậy mà em đã làm được, bằng ý chí kiên định và một trái tim biết yêu thương. Đó là kết quả xứng đáng cho một quá trình dài tập luyện gian nan vất vả, là những tháng ngày miệt mài chăm chỉ nhẫn nại, là kết quả của một ý chí quyết tâm phi thường mà chúng ta có thể gọi là ‘tinh thần Sara’.



hình ảnh


(Ảnh:lifebuzz.com)




Nhìn em, chợt nhớ ở Việt Nam cũng có trường hợp tương tự. Đó là câu chuyện của cậu bé Nguyễn Thế Phong (sinh năm 2001, Quảng Bình) cũng không có đôi bàn tay và phải tập viết chữ bằng miệng.



Dù gia đình em rất nghèo, dù khó khăn về bệnh tật luôn chồng chất, nhưng cậu bé này đã dũng cảm để vượt qua, để theo đuổi con chữ. Mỗi ngày đến lớp, em đều nằm trên giường, đổ mồ hôi để di chuyển cây bút, để nắn nót xuống dòng và điều kỳ diệu hơn tất thảy: chữ của em thật sự rất đẹp.



Ông bà ta xưa đã bảo ‘nét chữ nết người’ quả đúng là như vậy. Những đứa trẻ khuyết tật, hồn nhiên kia dù không có may mắn như bao bạn bè cùng trang lứa nhưng vì tâm hồn các em trong sáng, nghị lực của các em phi thường nên tất cả đều được thể hiện qua trang giấy.



hình ảnh


Phong và hành trình tìm tri thức (Ảnh: VietNamNet)




Còn người lớn, lành lặn thì sao nhỉ? Chúng ta thường nói với nhau rất nhiều về nghị lực, rằng hãy vươn mình mà sống như những đóa hoa nhưng thật ra… chỉ cần gặp một chút khó khăn đã nản chí, bị ai đó cười chê đã vội thu mình như con ốc sên.



Những lúc như thế, xin hãy nhìn vào những tấm gương nhí nói trên, hẳn bạn sẽ được tiếp thêm sức mạnh và cảm thấy mình vẫn may mắn hơn rất nhiều người đấy.



Nguồn tham khảo: Tuổi Trẻ