Nay con gái đã được 24 tuổi, vợ chồng bà chưa bao giờ gặp mặt từ lúc con lên máy bay sang Pháp. Cứ mỗi lần nhớ con, bà lại đem những bức thư cũ kĩ đọc đi đọc lại rồi khóc một mình.
Tin rằng nếu không vì lý do bất khả kháng thì chẳng có cha mẹ nào muốn bỏ rơi con cái của mình. Đã sinh chúng ra là có sợi dây tình cảm thiêng liêng, sự gắn kết diệu kỳ khiến cha mẹ và con cái không thể tách rời nhau hoàn toàn. Dù có ở bên cạnh hay cách xa về mặt địa lý nhưng tình cảm là chưa bao giờ xa cách. Thậm chí khi cha mẹ càng già, con cái càng lớn khôn thì càng thấy thương nhau nhiều hơn.
Bà Nguyễn Thị Hồng (58 tuổi, ngụ quận 8, TP. HCM) mang trong lòng câu chuyện buồn về đứa con gái mà vợ chồng bà trao cho vợ chồng người Pháp cách đây 24 năm. Thời đó, bà Hồng đã có con gái lớn, gia cảnh vô cùng chật vật. Chồng bà chạy xe ôm nhưng thu nhập bấp bênh không thể nuôi nổi mấy miệng ăn. Nên khi bà có bầu tiếp đã rất lo vì không biết lấy gì nuôi khi con chào đời.
Có người gợi ý bà Hồng đem con cho vợ chồng người Pháp đang muốn xin con nuôi. Bà bàn lại với chồng nhưng vì thương con, họ quyết không đem cho. Nuôi con đến tháng thứ 3, con bị bệnh về phổi phải điều trị lâu dài và tốn kém, vợ chồng bà biết mình không thể nuôi nổi nên đã nghĩ đến chuyện cho con.
“Trong khi đó, vợ chồng người Pháp ấy rất tốt. Họ đến thăm nhà, giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Cuối cùng, chúng tôi quyết định cho con để con được chạy chữa, có cuộc sống tốt hơn”, bà Hồng tâm sự. Khi làm thủ tục, thông dịch viên hỏi về tên con, bà mới vội vàng đặt tên bằng cách lót tên mình vào thành Nguyễn Thị Hồng Gấm.
Những gì còn lại về con gái là những bức thư và hình ảnh đã cũ. Ảnh Vietnamnet
“Vợ chồng người Pháp ấy rất tốt” là điều mà suốt 24 năm nay vợ chồng bà Hồng rất tin tưởng. Họ đến nhận con, vui vẻ tạo điều kiện để vợ chồng bà Hồng được nhìn thấy con nhiều hơn. Thậm chí họ còn chủ động nán lại TP.HCM để vợ chồng bà Hồng thăm con và khi họ về nước cũng có vợ chồng bà đến tiễn.
Cứ nghĩ mình mất con từ khi đưa con lên máy bay sang Pháp, thế nhưng đôi vợ chồng ngoại quốc cấp tốc viết thư cho bà Hồng để thông báo tình hình về bé Gấm, tình trạng sức khỏe. Duy trì suốt mấy chục năm như vậy, không chỉ là thư từ, đôi vợ chồng người Pháp còn gửi hình ảnh của bé Gấm để ở bên Pháp để bà yên tâm. Họ còn gửi thêm tiền cho bà trang trải cuộc sống và mỗi dịp Giáng sinh, họ gửi quần áo đẹp, đồ chơi cho các con của bà dù bà Hồng chưa bao giờ ngỏ lời xin. Khi bà sinh thêm bé út, họ cũng nhiệt tình quan tâm hỏi thăm và quà cáp qua lại.
Cha nuôi người Pháp của Hồng Gấm có tên Claudel Phillippe đã từng hứa rằng: “Khi bé được 18 tuổi, chúng tôi sẽ cho bé về thăm cha mẹ ruột. Lúc đó, bé có nhận cha mẹ hay không còn tùy thuộc vào bé”.
Mỗi lần nhớ con, bà đem thư ra xem lại. Ảnh Vietnamnet
Nhưng mọi chuyện không như mong đợi. Vào năm 2013, bà Gấm nhận được lá thư cuối cùng: “Con đam mê mọi thứ liên quan tới nghệ thuật như sân khấu, điện ảnh, kịch, hội họa, âm nhạc… Con là một học sinh giỏi. Vợ chồng tôi sẽ cố gắng để con học lâu nhất có thể…”.
Bà gửi thư hồi âm nhưng từ đó đến nay đã 9 năm, bên phía vợ chồng người Pháp vẫn bặt vô âm tín. Bà đã rất nỗ lực, vẫn luôn hy vọng sẽ có sự phản hồi và được nghe tin thêm thông tin về con gái. Từng năm từng năm trôi qua, mọi thứ ngày càng xa và giờ đây đã gần một thập kỷ, nỗi buồn này vợ chồng bà giữ chặt trong lòng. Biết tìm con ở đâu, gia cảnh lại quá eo hẹp, vợ chồng bà làm sao có điều kiện sang tận Pháp để tìm kiếm.
“Tôi không biết con có biết sự tồn tại của tôi hay không, con có hận chúng tôi hay không. Nhưng dù thế nào đi nữa, tôi cũng muốn được gặp con một lần, dù chỉ là một lần rồi thôi cũng được. Chỉ cần biết con bình an, khỏe mạnh và được thấy con một lần, tôi có ra đi cũng an lòng”, bà Hồng nghẹn ngào.
Mỗi lần nhớ con, bà lại đem những bức thư và ảnh cũ ra xem. Vợ chồng bà hằng ngày sống trong nỗi lo lắng, mong ngóng như thế này thật sự rất đau lòng. Con cái là một phần của mình, đã sinh chúng ra là dù có ở gần hay xa vẫn có sợi dây mẫu tử thiêng liêng gắn kết. Huống hồ chi suốt 24 năm qua cha mẹ chưa một lần được gặp lại, được ôm lấy đứa con thân yêu của mình. Giờ bé sống ra sao, có vui vẻ hạnh phúc hay không, tính cách như thế nào, bé có biết gì về cha mẹ ruột hay không thật sự là những điều khiến bà trăn trở.
Hy vọng rằng, sẽ có phép màu thật sự đến với vợ chồng bà Hồng trong việc chờ đợi con gái. Giờ mạng xã hội rất phát triển, để tìm kiếm thông tin về con cái, người thân cũng chẳng phải khó khăn. Sự chia sẻ đông đảo, sự quan tâm lớn sẽ là phương tiện tuyệt vời nhất giúp vợ chồng bà kết nối hoặc chí ít là có thêm thông tin về vợ chồng người Pháp và con gái.
“Lá rụng về cội”, nếu Hồng Gấm có biết về việc mình là người gốc Việt và có cha mẹ ở Việt Nam thì chắc chắn một ngày nào đó, cô sẽ tìm về cội nguồn. Hãy tin vào điều tốt đẹp như vậy.