Từ đêm qua đến sáng nay, thông tin về việc check sao kê chuyển tiền từ thiện gây sự chú ý lớn nhất của mạng xã hội. Khi kiểm tra cho thấy, nhiều người, thuộc nhiều ngành nghề, tầng lớn trước đó đăng ảnh khoe ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt số tiền lớn nhưng thực tế con số trong sao kê ngân hàng xác nhận lại ít hơn rất nhiều.
Có người chọn cách giải thích vòng vo, có người làm lơ, có người khóa facebook để trốn tránh, riêng 1 tiktoker nổi tiếng với hơn 1 triệu lượt người theo dõi đã công khai xin lỗi, thậm chí gửi tin nhắn riêng đến fanpage của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để xin lỗi.
Trước đó, nam TikToker này khoe hình ảnh thông tin chuyển khoản ủng hộ bà con vùng bão lũ với 8 con số nhưng thực tế sao kê chỉ có 1 triệu, ảnh: chụp màn hình
Cụ thể là ngày 10/9, P.V.A. - chủ nhân kênh TikTok có 1,2 triệu lượt theo dõi - đăng ảnh chụp màn hình số tiền 20 triệu đồng ủng hộ bà con vùng lũ với lời nhắn nhủ: “Mong mọi người sớm vượt qua và ổn định cuộc sống”.
Sau khi có sao kê từ MTTQ VN, cộng đồng mạng nhanh chóng truy ra giao dịch của người này với các thông tin trùng khớp. Tuy nhiên, số tiền ủng hộ thực tế chỉ là 1 triệu đồng.
Sự việc khiến người hâm mộ V.A. và người dùng mạng xã hội vô cùng bức xúc. Chàng trai này bị tố là “làm màu”, “phông bạt”, lợi dụng việc ủng hộ đồng bào vùng bão lũ để PR tên tuổi cá nhân.
Khi bị phát hiện, V.A. đã nhắn tin cho trang fanpage của MTTQ VN bày tỏ sự ăn năn, hối lỗi về việc làm sai của mình.
“Ngày 10/9/2024, em có chuyển số tiền 1 triệu đồng vào tài khoản cứu trợ của MTTQ VN. Tuy nhiên, vì sự thiếu suy nghĩ, kém cỏi của bản thân, em đã chỉnh sửa để chia sẻ lên mạng xã hội với số dư sai lệch.
Hành động này của em là đáng lên án và sai trái. Em muốn gửi một lời xin lỗi đến MTTQ VN vì đã gây ảnh hưởng đến những người hết mình vì đất nước”, V.A. viết.
Nam TikToker khẳng định, sẽ sẵn sàng chịu phạt về sai phạm của mình. Ngoài ra, nam TikToker đã gửi một khoản hỗ trợ nhỏ đến bà con gặp khó khăn sau bão để chuộc lỗi.
Cách đây vài giờ đồng hồ, trên fanpage có hơn 250.000 lượt theo dõi, V.A. tiếp tục đăng video xin lỗi. Trong video hơn 3 phút, V.A. khẳng định sự việc bản thân “phông bạt” khoản tiền ủng hộ bà con vùng lũ là có thật.
Nam TikToker chia sẻ lại sự việc: “Sáng 10/9, team mình dự định chuyển khoản số tiền ủng hộ là 20 triệu đồng. Mình nhờ một người khác trong nhóm, một người mình rất tin tưởng chuyển khoản.
Sau đó, bạn ấy đưa cho mình xem và hỏi có che không. Mình vì muốn làm màu nên nói 'che hững hờ' rồi ung dung đăng lên mạng.
Mình không có thói quen kiểm tra tài khoản. Khi đọc được các bình luận, mình vẫn ung dung trả lời rằng đã chuyển đúng số tiền đó. Nhưng khi gọi điện cho người bạn kia xác nhận thì mình xấu hổ xóa bình luận”.
Sau tất cả, nam TikToker vẫn khẳng định lỗi sai thuộc về mình và sẽ cố gắng chuộc lỗi trong thời gian tới.
Một trường hợp khác cũng bị tố giác chuyện “thổi phồng” số tiền ủng hộ đồng bào gặp thiên tai là T.D.A. – một người khá nổi tiếng trong lĩnh vực đầu tư điện tử.
D.A. lên Facebook đăng lời kêu gọi bạn bè chung tay ủng hộ người dân vùng bão lũ, sạt lở, đính kèm bức ảnh chụp màn hình chuyển khoản cho MTTQ VN số tiền 100 triệu đồng. Anh nhắn nhủ: “Cho đi là con mãi”.
Tuy nhiên, cộng đồng mạng nhanh chóng tìm ra thông tin chuyển khoản của D.A. trong hơn 12.000 trang sao kê và phát hiện số tiền ủng hộ thực tế chỉ có 10 nghìn đồng.
Bị cộng đồng mạng chỉ trích vì hành động gian dối, làm màu, người này đã khóa trang cá nhân.
Từ vụ check sao kê từ thiện: Khi lòng thương trở thành hàng fake
Gọi điện đến Đường dây nóng ANTĐ, ông Phạm Đức Long – cán bộ hưu trí ở quận Ba Đình, Hà Nội bức xúc, trong khi cả nước đang đồng lòng hướng về các tỉnh bị thiên tai lũ lụt với hàng nghìn hộ dân ở trong cảnh màn trời chiếu đất thì không ít đối tượng lại lợi dụng hoàn cảnh đó để làm màu, đánh bóng bản thân, dựng “phông bạt” che mắt thiên hạ.
Họ đua nhau chia sẻ hình ảnh đã chuyển khoản vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhưng thực tế lại hoàn toàn khác, thậm chí họ còn photoshop lệnh chuyển tiền thành công hoặc tự chuyển lại cho… chính mình. Nếu MTTQ không công khai toàn bộ bản sao kê, những đối tượng này vẫn được cộng đồng mạng tung hô lên đến tận mây xanh, nào là Mạnh Thường Quân, người “có tấm lòng Bồ Tát”…
Khi sự thật phơi bày, sự dối trá này, những lòng thương giả tạo, fake này đã khiến nhiều người dân sự phẫn nộ, đặc biệt là bà con tại vùng mưa lũ. Không chỉ có vậy, điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của các hoạt động từ thiện thực chất, đến những cơ quan, tổ chức đứng lên quyên góp nhận tiền. Và sau cùng, người chịu thiệt thòi nhất, đau xót nhất chính là người dân đang gặp khó khăn, hoạn nạn – ông Long chua xót nói.