Dịch Corona bùng phát, tất cả mọi người trên thế giới đều lo sợ xen lẫn hoảng loạn. Nơi nào có tâm dịch, nơi đó người dân chỉ mong tránh đi thật nhanh và thật xa. Nhưng, vẫn còn đó những trường hợp muốn ở lại, bởi vì họ là bác sĩ, mà ‘lương y như từ mẫu’ quả không sai chút nào.
(Ảnh: Tuổi Trẻ)
Sáng 23-1, ngày đầu tiên Vũ Hán "phong thành", cũng là ngày giáo sư Đổng Tông Kỳ (86 tuổi), bác sĩ khoa nội hô hấp Bệnh viện Nhi đồng Vũ Hán và từng đoạt Giải thưởng thành tựu suốt đời cho bác sĩ khoa nhi TQ, trực tại khu khám bệnh như thường lệ.
Chưa đến 8h, giáo sư đã đến phòng khám chuẩn bị, mặc đồ bảo hộ. Giáo sư Đổng vốn có bệnh phổi mạn tính, đeo khẩu trang phòng độc N95 thời gian dài làm ông khó thở, nhưng bệnh nhân vừa vào là ông lại ngồi thẳng lưng lắng nghe chăm chú.
Kiểm tra kết quả xét nghiệm, thăm hỏi bệnh tình, cẩn thận viết toa thuốc cho từng bệnh nhân. Sau khi mặc bộ quần áo bảo hộ, giáo sư không dám uống nước để ít đi vệ sinh. Đến 12h10, sau khi khám hết cho 26 bệnh nhân đăng ký, giáo sư mới ra về.
Vì tuổi đã cao, sức đã yếu, thậm chí còn phải ngồi xe lăn nên con cái giáo sư luôn lo sức khỏe của cụ không kham nổi, đề nghị cụ nghỉ trực phòng khám trong thời gian này. "Ba có nhiều fan hâm mộ lắm đấy. Họ đến xếp hàng lấy số để được ba khám, làm sao bỏ mặc họ được ", giáo sư cười và bảo với các con.
(Ảnh: Tuổi Trẻ)
Hơn 17 năm trước, bác sĩ Đổng Tông Kỳ đã lãnh đạo đội ngũ y tế chống lại dịch SARS. Hiện tại, ông vẫn quyết trở thành một chiến sĩ áo trắng đối đầu với Corona. Ông đã nghỉ hưu trước 70 tuổi vì bệnh tật nhưng vì đại dịch xuất hiện, ông đã trở lại làm việc tại bệnh viện.
Những phụ huynh dẫn con đến khám đều đã trở thành bạn bè lâu năm của ông, ông không muốn phụ lòng mọi người, bỏ công chạy đến bệnh viện mà không được khám. Đối với sự lo lắng của gia đình, giáo sư cho biết ông là một bác sĩ, trong giai đoạn khó khăn này càng phải đi đầu và đã làm tốt công việc tự bảo vệ mình.
Có lẽ với nghề y, tài năng và đạo đức phải luôn đi song hành với nhau, thiếu 1 trong 2 tuyệt đối đều không được. Vậy nên nhìn cụ ông, vừa xúc động vừa ngưỡng mộ vô cùng. Dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng cụ vẫn lạc quan, vẫn kiên trì bám trụ giữa tâm dịch, chữa bệnh cho từng người.
Trong khi đó, biết bao kẻ đã đổ xô trốn chạy khỏi Vũ Hán, biết bao người kì thị lẫn nhau, vì sinh tử mà bỏ mặc đồng loại.
(Ảnh: Tuổi Trẻ)
Dẫu biết đến tuổi này, trong suy nghĩ của cụ ông, sống chết thực sự không còn quan trọng nữa, nhất là khi hành nghề bác sĩ, cả đời cống hiến cho nhân dân thì trong lúc đất nước khó khăn và gian khổ nhất, họ sao đành lòng từ bỏ, sao sống ích kỷ cho riêng mình. Cứu được người nào hay người đó, vì cứu một mạng người bằng xây bảy tòa tháp chứ có ít gì đâu.
Có ai đó từng nói, con người chỉ có ích khi chúng ta biết lao động. Lao động chỉ có ích khi tạo ra giá trị cho xã hội. Riêng với nghề y, giá trị ấy đáng quý vô ngần. Thế nên chỉ mong thế hệ trẻ hãy như cụ ông, dù làm công việc nào cũng phải đặt cái tâm lên đầu, bởi công sức mà chúng ta bỏ ra, sẽ không bao giờ là hoang phí.
Chợt nhớ dạo gần đây, cũng có câu chuyện đầy xúc động như vậy. Cụ thể, đó là trường hợp của cụ Wu Mengchao, dù đã U100 nhưng vẫn miệt mài phẫu thuật cứu 16 ngàn bệnh nhân.
Theo tìm hiểu, vị bác sĩ này là chuyên gia đầu ngành về chữa bệnh ung thư gan. Đặc biệt hơn, vì ông chỉ cao khoảng 1,62m nên thường phải bắc ghế làm bệ đứng khi thực hiện ca mổ cho bệnh nhân, khiến nhiều người cảm động, nể phục.
Bác sĩ Wu Mengchao (Ảnh: phunugiadinh)
Cuộc sống đời tư của bác sĩ Wu khá lặng lẽ, đơn độc. 6 năm trước, vợ của ông đã chẳng may qua đời, thế là từ đó, cuộc sống của vị bác sĩ lớn tuổi càng xoay quanh ở bệnh viện.
Thế nhưng, được lao động, được cống hiến, được cứu chữa người là niềm hạnh phúc, là điều giúp cuộc sống của ông Wu thêm ý nghĩa, không còn cảm thấy sự trống trãi của tuổi già.
Nguồn tham khảo: Tuổi Trẻ