Làm người tốt vốn dĩ không khó, nhưng nghèo khổ mà vẫn dang tay giúp đỡ cho đời thì đúng là hiếm gặp. Điển hình như câu chuyện của bà Nguyễn Thị Quế (76 tuổi, Quảng Nam) khiến ai nấy đều phải rưng rưng xúc động.
Lăn lộn kiếm sống bao năm bằng nghề bán vé số, bà Quế chẳng có tài sản gì ngoài tấm thân gầy còm, ốm yếu theo năm tháng. Vậy mà, khi bà Quế gặp cụ Trần Thị Anh (86 tuổi) một thân một mình lặn lội từ quê nhà ở Quảng Nam ra Đà Nẵng bán vé số và lượm ve chai, bà Quế lại mủi lòng thương xót.
Người đàn ông bán vé số tự tay trả 15 cặp vé trị giá 63 tỷ cho khách dù chưa nhận tiền
Nhớ lại cảnh cưu mang đồng nghiệp, bà Quế ngậm ngùi cho hay, lúc ấy cụ Anh bị chủ trọ lấy lại phòng để cho người khác thuê với lý do cụ Anh đã quá già, sợ mang cái chết đột tử cho gia chủ, khiến cụ Anh nhiều đêm phải nằm co ro nơi góc chợ tối tăm, bà Quế thương người cùng cảnh ngộ nên đưa cụ Anh về ở chung nhà trọ với mình.
Căn trọ hiện tại của hai bà nằm sâu hun hút trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Công Trứ (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), bên trong chật chội, tối om lại ẩm thấp, vật dụng của hai bà chẳng có gì đáng giá. Thế rồi, ‘nghèo còn gặp cảnh eo’ cụ Anh chẳng may bị hai thanh niên đi xe máy tông mạnh làm gãy chân trái.
Bác sĩ chỉ định phẫu thuật song do tuổi cao, sức yếu lại có vấn đề về tim mạch nên bà chỉ được bó bột. Hiện nay, do khớp xương chân không liền với nhau, mỗi ngày càng teo tóp dần nên cụ Anh chỉ nằm tại chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có bà Quế trợ giúp.
Nhìn bà Anh nằm đó với nỗi đau bệnh tật, tuổi già, nghèo khổ và cơ thể da bọc lấy xương, nhìn sang bà Quế cũng tuổi cao sức yếu, bệnh tật… chẳng ai cầm được nước mắt xót thương cảm cho hai cảnh đời đặc biệt khốn khó này. "Hai chúng tôi tuy không họ hàng thân thuộc nhưng cùng chung cảnh ngộ nên đùm bọc như hai chị em ruột thịt vậy" Bà Quế tâm sự.
Hai số phận, hai mảnh đời bất hạnh (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Bà Quế cũng kể thêm, mỗi ngày bà phải tranh thủ dậy sớm để đi bán vé số và lượm ve chai kiếm tiền nuôi hai thân già, thuốc thang cho cụ Anh. Nói đến đây, hai dòng nước mắt bà Quế lăn dài trên đôi má gầy gò, giọng nói như nghẹn lại.
"Tôi cố gắng chăm sóc cho bà Anh được ngày nào hay ngày ấy. Nhiều đêm trái gió trở trời, bà Anh lên cơn sốt, vết thương hành hạ khiến bà đau đớn gào khóc, tôi phải thức trắng đêm chăm sóc. Có lúc khổ quá, tôi cũng muốn buông xuôi nhưng lại không đành lòng vì tôi thương bà như chị ruột của mình" - bà Quế bày tỏ.
Mỗi tháng, giá thuê căn nhà trọ là 2 triệu đồng (kể cả tiền điện, nước), một nam thanh niên làm nghề thợ sơn ở chung nhà trả 800.000 đồng, còn lại bà Quế và cụ Anh phải lo. Những khi 2 người đều bệnh không đi bán vé số được, chính quyền địa phương, hàng xóm lại đến hỏi thăm, người giúp gạo, người giúp thức ăn hoặc hỗ trợ ít tiền…
Ngẫm mà xót xa cho hai số phận cô đơn, nghèo khố giữa chốn phồn hoa thành thị. Họ đã đi gần hết cuộc đời nhưng vẫn còn nhọc nhằn chuyện mưu sinh. Họ đều là những người ‘cùng khổ’ phải sống tạm ở thế gian này. Dẫu ông trời đã ban cho họ sự bất hạnh nên chẳng thể hạnh phúc, giàu sang, nhưng ít nhất họ vẫn còn may mắn vì gặp được nhau giữa thế gian vốn nhiều cay đắng.
Bà Quế chăm sóc cụ Anh mỗi ngày
Thương cụ Anh và cảm phục bà Quế, người phụ nữ có tấm lòng quá đỗi thiện lương và đầy cao thượng. Luôn chìa tay giúp đỡ cho đời trong khi bản thân chẳng còn gì đáng giá. Có lẽ, chỉ người nghèo mới thấu hiểu người nghèo, chỉ những ai đã đi qua sóng gió cuộc đời mới biết trân trọng những kiếp người cùng cảnh ngộ.
Người tốt nhưng phận nghèo, sao mà nể phục lại xót xa đến thế. Nhưng dẫu sao, vẫn cảm ơn lắm câu chuyện của của hai bà, nhờ họ mà chúng ta tin rằng, tình người - đã, đang và mãi tồn tại. Suy cho cùng, tiền tài, vật chất chúng ta làm ra đến khi nằm xuống ta đem theo được gì? Hay để lại cho thế hệ sau sự tranh chấp, giành giật. Còn khi chúng ta giúp người khác, chúng ta sẽ mang theo những ký ức đẹp đó đến suốt cuộc đời.
Nguồn tham khảo: Tuổi Trẻ