Có nợ thì phải trả, đó là chân lý vô cùng đơn giản, là đạo lý cơ bản để làm người. Nhưng cuộc sống mà, khi quá nghèo và túng quẫn đến cùng cực, mấy ai đủ can đảm để chịu trách nhiệm với quá khứ, mấy ai đủ lòng tin mình sẽ kiếm được tiền gửi lại chủ nợ?
Vậy nên, xã hội hiện đại mới có câu nói đầy chua chát ‘đứng cho vay, quỳ đòi nợ’ là vậy. Nhưng may mắn làm sao, thế giới này vẫn có những trường hợp ngược lại, rất cao thượng và đầy nhân văn, như câu chuyện của cậu bé sau là minh chứng điển hình nhất.
(Ảnh: Jkhaizi)
Tại tỉnh Chiết Giang (TQ), có hoàn cảnh đáng thương của bé trai Diệp Thạch Vân, năm lên 11 tuổi thì đột ngột mất cả bố lẫn mẹ, mình em phải nuôi dưỡng ông nội tuổi đã cao. Ngày ấy, người mẹ đáng thương của Diệp Thạch Vân tên Minh Tú qua đời do mắc bệnh hiểm nghèo.
Thế nhưng, tang mẹ chưa qua 49 ngày – bố của em, anh Diệp Minh Tùng cũng đành rời bỏ cậu con trai, theo vợ ra đi vì căn bệnh ung thư quái ác. Diệp Thạch Vân khi đó mới chỉ 11 tuổi bỗng chốc thành trẻ mồ côi. Hoàn cảnh đưa đẩy khiến cậu bé đang tuổi ăn tuổi chơi phải gắng sức làm trụ cột gia đình, chăm lo cho ông nội 81 tuổi.
Éo le hơn, trước đó mẹ cha của em bị bệnh nhiều năm, nợ rất nhiều tiền. Tổng số tiền nợ là 30.000 NDT (hơn 100 triệu). Nghe tin hai vợ chồng đều qua đời, một số chủ nợ ngay lập tức tới nhà đòi nợ. Ông nội lúc này già yếu, chẳng biết phải làm gì, chỉ một mực năn nỉ xin khất.
Ngôi nhà trên hẻm núi của hai ông cháu (Ảnh: Jkhaizi)
Nhìn gương mặt khắc khổ của ông nội khiến cậu bé Thạch Vân đau lòng. Sau khi nghe thấy những tiếng đòi nợ, cậu bé Diệp Thạch Vân đã nhanh tay kéo chủ nợ ra ngoài, mạnh dạn nói: “Tiền bố cháu nợ, cháu nhất định sẽ trả!”
Và rồi, cuộc sống của cậu bé 11 tuổi từ đây buộc lòng phải thay đổi. Để có tiền trang trải, ngoài giờ học, cậu bé tranh thủ đi làm thêm kiếm tiền. Hè năm 2010, Diệp Thạch Vân xuống phố, tìm đến các nhà xưởng xin làm thuê.
Nhưng các ông chủ nhìn cậu bé cao chưa đến 1m4, sợ thuê trẻ vị thành niên vào làm sẽ vi phạm luật lao động nên tất cả đều từ chối. Cậu bé đã phải lang thang khắp các ngõ hẻm, nhặt phế liệu, rác thải.
Hình minh họa (Ảnh: baomoi.com)
Cuối cùng, một ông chủ nhà máy sản xuất đồ chơi sau khi biết hoàn cảnh Diệp Thạch Vân đã đồng ý nhận cậu vào làm. Không những chịu nhận cậu bé mà ông chủ tốt bụng này còn đối xử với cậu bé rất tốt, nên cậu bé đã nhất quyết ở lại nhà máy đó suốt 5 năm nay.
Ngẫm mà xót, mà thương, mà nể vô cùng một cậu bé gan dạ, quả cảm và tràn đầy nghĩa khí. Em tuổi còn nhỏ mà suy nghĩ chín chắn hơn nhiều người lớn trưởng thành. Tuy hoàn cảnh nghèo khó, thậm chí là rất bi đát nhưng em vẫn sống thiện lương và đầy trách nhiệm.
Con cái chăm bố mẹ đã khó, đằng này cháu nhỏ lại phải nuôi ông. Nghĩ ngược nghĩ xuôi, kiểu gì cũng thấy tội nghiệp và đau lòng quá. Trong khi xã hội ngoài kia, biết bao kẻ ăn ở thất đức, đánh đập gia đình, xem người già như cái gai trong mắt.
Thạch Vân luôn hiếu thảo với ông (Ảnh: Jkhaizi)
Còn em, tuổi đời chưa cao, cơ thể chưa lớn mà nhân cách lại cao lớn vô cùng. Đã thế, em còn đứng ra thay mẹ cha quá cố trả nợ. Em không than vãn, em không hận đời, em cũng không phủi bỏ mọi trách nhiệm.
Có lẽ, nếu đem pháp luật ra xử, cũng chẳng có căn cứ nào để bắt em phải gồng gánh món nợ khổng lồ ấy. Nhưng lương tâm cậu bé không cho phép mình sống nhục, làm mất mặt mẹ cha nơi suối vàng.
Có thể em lo rằng, nếu không trả, tên tuổi của đấng sinh thành muôn đời chịu tiếng xấu. Thế nên em quyết trả nợ, không phải vì sĩ diện bản thân mà là cách bảo vệ danh dự gia đình.
Lại nói, kể từ khi có việc làm, Diệp Thạch Vân đã nỗ lực rất nhiều, chịu nhiều cơ cực, ăn tiêu tằn tiện để tiết kiệm tiền trả nợ. Mỗi lần lĩnh lương, cậu bé đều nhanh chân cầm một cây bút tới tìm chủ nợ để hoàn lại phần nào số tiền nợ.
Cậu bé đã trả nợ thành công sau 6 năm (Ảnh: Jkhaizi)
Nhưng thấy hoàn cảnh cậu bé quá khó khăn, và nghị lực sống của cậu bé nhỏ tuổi, một số chủ nợ đã từ chối lấy lại tiền. Thế nhưng Thạch Vân vẫn nhất quyết thay cha mẹ trả nợ, cậu bé nói “Nợ tiền mà không trả thì khó lòng sống thanh thản”.
Diệp Thạch Vân tâm sự: “Em không muốn bố em mất rồi còn mang nợ người ta. Hơn nữa, những người cho gia đình em vay tiền lúc khó khăn thì đều là người tốt, em biết ơn họ, nên càng không thể lấy không tiền của họ.”
Chỉ với một câu phát biểu ngắn thôi nhưng chúng ta đã thấy Diệp Thạch Vân vừa là người con vừa có hiếu, vừa là một chàng trai sâu sắc, hiểu đời. Tuổi tác, vốn dĩ chẳng nói lên được kinh nghiệm sống bởi thế gian ngoài kia, nhiều kẻ già đầu còn đi lừa đảo, trong khi ‘con nít mới lớn’ đã sống kiêu hãnh vô cùng.
Nợ thì phải trả, đơn giản thế thôi nhưng mấy ai làm được nào? Nếu xã hội, đầy rẫy những người như Diệp Thạch Vân thì sẽ không có những vụ án mạng thương tâm, những tiếng kêu oan nức nở. Loài người, cũng sẽ không nhìn nhau với ánh mắt chất chứa hận thù.
(Ảnh: Jkhaizi)
Và rồi, với nghị lực cùng lòng can trường, cậu bé 11 tuổi năm ấy đã kiên trì vừa học vừa làm thêm trả nợ, nuôi ông đã trải qua 6 năm gian khổ mới có được phút giây thanh thản như ngày hôm nay. Sau 6 năm, cậu bé đã trả hết số nợ thay cha mẹ.
Hiện tại, các thầy cô vẫn luôn hi vọng Thạch Vân có thể tiếp tục theo học lên cao bởi thành tích học tập của cậu rất tốt. Nhưng cậu bé lại có ý định sẽ thôi học để tập trung kiếm tiền chăm lo cho ông nội đã già. Giờ đây, chỉ mong lắm một tương lại tốt đẹp sẽ đến với em. Hy vọng cậu bé sẽ suy nghĩ lại, bởi chuyện học hành cũng là một cánh cửa giúp cuộc đời sáng lạn hơn.
Nguồn tham khảo: Saigonmorning/ Jkhaizi