Bỏ tiền ra mua cá để nuôi, có người tới trả giá gần 200 triệu nhưng không bán, sau cùng lại đem cá thả tự do về biển – đó chính là câu chuyện đầy hy hữu nhưng cũng rất xúc động về người đàn ông tên Nguyễn Đình Sơn.
Theo như lời kể của anh Sơn (40 tuổi, chủ một garage ô tô ở TP. Vinh, Nghệ An) kể, ngày 11.3, một người bạn của anh bảo ngư dân vừa đánh bắt được con cá mú vàng rất đẹp và hiếm có rồi rủ anh đến đó xem mua về nuôi làm cảnh.
Trưa cùng ngày, anh Sơn xuống gặp người bán cá để xem. Đó là một con cá mú nặng 5,5 kg, vàng rực toàn thân, đang bơi trong bể. Anh Sơn quyết định mua con cá này với giá 3 triệu đồng để mang về nhà nuôi.
Cá mú hoàng kim nổi tiếng MXH (Ảnh: VietNamNet)
Anh Sơn dự tính, nếu con cá này có người mua lại với giá cao, anh sẽ bán và trích 50% số tiền bán cá để xây dựng nhà thờ ở quê, dành 40% để góp quỹ xây dựng trường học cho trẻ em miền núi, 10% sẽ tặng lại cho người bán cá.
Hôm sau, con mú vàng này hồi sức, bơi khoẻ và có người đến xem, trả giá 200 triệu đồng nhưng anh Sơn không bán. “Lúc đó tôi lại không muốn bán, thấy nó rất dễ thương nên muốn giữ lại để nuôi”, anh Sơn kể. Sau đó, hình ảnh con cá mú vàng này được chia sẻ trên mạng xã hội và 'gây sốt'.
Một số người liên lạc để mua lại với giá rất cao nhưng anh cũng không bán. “Nếu một người không hiểu thì không biết được giá trị của con cá mú vàng vừa độc đáo và rất lạ. Tôi còn hỏi cả bạn bè ở Nhật, Mỹ, Đức… nhưng chưa ai thấy con cá mú vàng này ngoài đời”.
“Lúc con cá khoẻ mạnh trở lại, trong thâm tâm vẫn muốn bán vì đây là số tiền lớn giúp được nhiều việc. Lúc đầu định bán 1 tỷ đồng cho người hỏi mua, khi đó người bán cá sẽ được 100 triệu đồng” – anh Sơn kể lại lúc đắn đo đưa ra quyết định.
Chăm sóc cá được vài ngày, anh quyết định thả nó ra biển (Ảnh: VietNamNet)
Việc nuôi cá biển khá công phu, phải dùng nước lấy từ biển, 3 ngày thay nước một lần nên 15 ngày sau, anh Sơn quyết định thả con cá về biển. Chiều 26.3, anh Sơn và một người bạn âm thần chở cá xuống bờ biển để thả nó về với đại dương.
“Lúc đó, tôi không muốn nhiều người chứng kiến việc thả cá vì sợ cá bị săn bắt trở lại”, anh Sơn nói. Sau khi thả cá về biển, anh Sơn nhắn với những ngư dân vùng biển này, nếu con cá dính lưới hay mắc câu thì hãy thả nó trở lại với biển. Trước khi thả cá hãy chụp hình rồi gọi điện cho anh, người thả cá sẽ được trả công 5 triệu đồng.
Chia sẻ về quyết định không bán con cá để lấy tiền làm việc thiện như ý định ban đầu, anh Sơn nói sau khi hỏi nhiều ngư dân và bạn bè của anh ở các nơi, họ nói chưa bao giờ thấy con cá mú lạ như thế này, vì thế anh nghĩ nó rất hiếm và cần được thả về biển.
“Con người ai cũng muốn được tự do. Con cá cũng vậy, nó cần được tự do nên tôi quyết định không giữ nuôi. Tiền bạc bao nhiêu rồi cũng hết, con cá này rất lạ, hiếm nên tôi muốn trả về biển để bảo tồn”.
Anh Sơn hứa tặng 5 triệu đồng cho ai bắt được cá và thả lại cá (Ảnh: VietNamNet)
Thật là một câu chuyện đầy cảm động và nhân văn, bởi xã hội này không phải ai cũng có ý thức bảo tồn và gìn giữ thiên nhiên, biết trân trọng động vật quý hiếm như anh Sơn. Gặp kẻ phàm phu tục tử sẽ đòi làm thịt cá để biết mùi vị “của lạ” là như thế nào, gặp kẻ thuộc hệ “dân chơi” thì con cá hoàng kim ắt phải sống trong lồng kính, trở thành món hàng đem ra khoe khoang, có khi tồn tại chưa được năm bữa nửa tháng đã chầu trời.
Lại nghĩ, số tiền 200 triệu không hề nhỏ, thậm chí nếu giữ chú cá bên mình, số tiền mà anh Sơn có được sẽ còn cao hơn nữa, thậm chí có thể tính đến tiền tỷ. Nhưng anh Sơn đâu phải người tham lam, anh có tấm lòng nhân ái muốn giúp đỡ cho trẻ em miền núi. Nhiều người cũng tiếc cho nguyện vọng ấy của anh, bởi một chú cá nhỏ có thể giúp đỡ được biết bao người.
Nhưng sau cùng, chính nỗi niềm trăn trở với thiên nhiên, chính sự xót xa trước số phận của con cá hiếm, anh Sơn đã quyết định thả nó về biển. Lương tâm của người tốt là vậy, không cho phép họ thờ ơ với thiên nhiên, phải trân quý những gì mà tạo hóa ban tặng.
(Ảnh: VietNamNet)
Tất nhiên, việc cứu một con cá quý không làm hệ sinh thái vững vàng hơn, nhưng nếu có hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu người như anh Sơn thì nhiều loài động vật đã không bị tuyệt chủng, thậm chí nếu chúng ta bớt ăn thịt động vật, thì bệnh dịch đâu có xảy ra?
Nói đâu xa, Corona là một minh chứng, đại dịch SARS 18 năm trước cũng là minh chứng. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh về việc tiêu thụ động vật hoang dã, giết thịt thú rừng. Dẫu vậy, hãy yên tâm rằng xã hội vẫn còn những người tốt. Những con người biết trân trọng và bảo tồn thiên nhiên, như câu chuyện của anh Nguyễn Đình Sơn là một minh chứng đầy cao đẹp như thế.
Nguồn: Thanh Niên/ VietNamNet