Trước lời kêu gọi của Bệnh viện 199 (Đà Nẵng), hàng trăm bác sĩ đã xung phong tình nguyện đến ứng cứu. Dù biết đó là giữa tâm dịch, họ vẫn sẵn sàng theo tiếng gọi của lương y.
Tình hình số bệnh nhân tăng đột biến đến hơn 400% sau khi 4 bệnh viện ở Đà Nẵng bị phong tỏa để phòng dịch bệnh, Bệnh viện 199 rơi vào tình trạng quá tải. Trên fanpage, Bệnh viện có đăng thông báo kêu gọi tình nguyện viên, các y bác sĩ, sinh viên thực tập, bác sĩ đã về hưu đến ứng giúp. Với sức mạnh lan tỏa của mạng xã hội, lời kêu gọi đã nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi.
Trong thời gian rất ngắn, Bệnh viện 199 đã nhận hơn 400 lượt đăng ký từ các y bác sĩ thoe chia sẻ của bác sĩ Võ Thị Hồng Hướng, Trưởng khoa Phục hồi chức năng - Bệnh nghề nghiệp, phụ trách truyền thông bệnh viện. Khi có người đăng ký, bệnh viện đã nhanh chóng gọi điện xác nhận. Đáng quý, có người vừa được gọi tối hôm trước thì sáng hôm sau đã có mặt nhận nhiệm vụ ứng giúp, không nề hà khó khăn trở ngại.
Những y bác sĩ đăng ký tình nguyện đa phần dưới 30 tuổi, có trình độ chuyên môn cao và quan trọng là lòng nhiệt tình, mong muốn đóng góp chút công sức đẩy lùi dịch bệnh. Vào giữa tâm dịch, hơn ai hết các nhân viên y tế là đối tượng dễ dàng lây nhiễm virus nhưng trọng trách và y đức của lương y khiến họ không chút nao núng sợ hãi.
Hình ảnh các y bác sĩ ngủ ngoài hành lang sau giờ làm việc căng thẳng. (Ảnh Thanh niên)
Theo chia sẻ của anh Lâm Văn Hạnh (28 tuổi, y sĩ đa khoa tại Đà Nẵng), mặc bộ đồ bảo hộ dù rất nóng nhưng ai nấy cũng động viên nhau để cùng vượt khó. “Tôi may mắn được góp sức của mình để cùng cộng đồng vượt qua thời điểm này. Mặc đồ bảo hộ cả ngày rất nóng, mồ hôi ròng ròng nhưng mọi người cùng động viên nhau, ra vào phòng bệnh thì rửa tay sát khuẩn nên tôi không lo lắng chuyện lây nhiễm”.
Hay như chia sẻ của một bác sĩ khác khiến nhiều người xúc động. BS Lâm Quan Thuận (30 tuổi, công tác tại BV Đà Nẵng nhưng đang theo học tại TP HCM) cho biết: "Mình là một BS, đọc những dòng tin như vậy mình thấy mình phải cống hiến cho TP. Tình hình TP đang căng thẳng, đồng nghiệp đang ở tuyến đầu, mình là BS sao có thể ngồi ở nhà cách ly".
Hình ảnh các bác sĩ đến Đà Nẵng ứng cứu lúc dịch bùng phát. (Ảnh Internet)
Đó là trọng trách, là tâm đức của người bác sĩ. Trong khi mọi người đang oằn mình chống dịch, lương tâm và trách nhiệm của họ không thể lơ là, cho phép bản thân hưởng thụ. Khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, nghĩa là xác định trọng trách cao cả là cứu người giúp đời.
Vào ứng cứu tại Bệnh viện, các y bác sĩ cũng sẵn lòng làm mọi chuyện, gạt bỏ cái tôi để cùng góp sức chung tay đẩy lùi dịch. Chia sẻ từ anh Trương Nguyên Việt (23 tuổi, sinh viên Khoa Dược, trường ĐH Duy Tân - Đà Nẵng) cho biết, thời gian này đang đợi nhận bằng tốt nghiệp và không chút đắn đo khi nhìn thấy Bệnh viện 199 tuyển tình nguyện viên.
“Tôi học dược nhưng BV phân công làm gì tôi cũng làm. Làm bảo vệ, đi giao thức ăn, vệ sinh… hay việc gì tôi đều sẵn sàng”, anh Việt chia sẻ. Đó mới thật sự là người thầy thuốc có tâm. Trước khi bắt bệnh cứu người, mỗi y bác sĩ phải biết gạt cái tôi, để y đức lên hàng đầu. Hành động của anh chàng thật đáng để mọi người nể phục, cần được lan tỏa.
Xúc động hình ảnh nữ điều dưỡng ngủ tạm trong thùng giấy sau giờ làm việc vất vả. (Ảnh: Dân trí)
Những y bác sĩ trong công cuộc chống dịch đều có trái tim vô cùng dũng cảm, không sợ hãi dịch bệnh mà chùng lòng. Như mới đây có 4 y bác sĩ lên đường sang Guinea Xích đạo đón đoàn công dân Việt hơn 200 người về nước. Đây là chuyến bay đặc biệt vì nồng độ virus đậm đặc, số người nhiễm dịch bệnh cao nhưng y bác sĩ cùng tổ bay vẫn hoàn thành trọn vẹn trọng trách. Lòng can đảm, nghĩa cử của họ xứng đáng được trân quý.
Chúng ta ca ngợi, nghiêng mình kính nể những nhân viên y tế ngày đêm làm việc để cứu người nhưng cũng phải biết nhắc nhở bản thân tuân thủ quy định phòng chống dịch. Từ những việc tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại mang ý nghĩa lớn, đừng vì thói vô ý thức để trở thành gánh nặng cho xã hội trong thời điểm dịch bệnh nhạy cảm này.
Nguồn tham khảo: Thanh niên.