Xuất thân từ gia đình có mẹ cha đều nghiện chất trắng, trải qua tuổi thơ nghèo đói đến mức phải nuốt kem đánh răng để chống đói, sống lang thang từ năm 16 tuổi...nhưng cô nàng Liz Murray vẫn vượt lên tất cả, bước đến cổng trường Harvard và thành công trong cuộc đời.
Nhớ về quá khứ đầy đau khổ, Murray kể trong cơn vật vã, cha mẹ mình đã trộm cả tiền sinh nhật của cô, bán tivi và... cả con gà tây mà nhà thờ cho gia đình cô vào dịp lễ Tạ ơn. Ở trường, với bộ dạng lôi thôi lếch thếch và hôi hám, Murray luôn bị bạn bè xa lánh và bắt nạt.
Học là nỗi ám ảnh của Murray bởi “bạn không thể học với một cái bụng rỗng tuếch. Tôi ngồi trong lớp, thầy giáo giảng thì cứ giảng, còn với tôi tất cả những gì muốn làm là nằm xuống vì quá đói”.
Năm 3 tuổi, Liz Murray đã nhận mình có tuổi thơ bất hạnh (Ảnh: VietNamNet)
Một lần, bà mẹ Murray đã gửi một tấm thiệp chúc mừng sinh nhật kèm theo 5 USD, nhưng sau đó mẹ của cô đã lấy cắp nó để đi mua ‘thuốc’. Khi bị Murray bắt gặp, bà đã vứt chúng vào bồn cầu. “Mẹ nhìn tôi và bật khóc: Lizzy, mẹ không phải một con quỷ. Mẹ chỉ không dừng lại được, con yêu, hãy tha thứ cho mẹ", cô kể lại.
Năm Murray15 tuổi, mẹ cô qua đời và cha cô không thể trả nổi tiền thuê nhà, họ bị tống ra đường. Gia đình tan nát. Cuối cùng, cô bỏ dở chuyện học hành. Ông Murray được đưa đến trung tâm dành cho người vô gia cư, em gái Murray ở nhờ một người bạn, còn cô bắt đầu những chuỗi ngày lang thang ở các ga tàu điện ngầm, công viên... trộm thức ăn để sống.
Song, với nghị lực mạnh mẽ, cô gái trẻ quyết định thay đổi cuộc đời mình bằng việc quay trở lại trường phổ thông năm 17 tuổi và hoàn tất chương trình chỉ trong hai năm. Ngày ấy, cô tự hứa với bản thân rằng mình phải trở thành một học sinh toàn điểm A. Gần cuối năm cấp 3, với thành tích học toàn A, Liz đã được thưởng một chuyến đi tới Boston - lần đầu tiên cô ra khỏi New York.
Liz Murray hạnh phúc khi được bạn bè và người xung quanh hỗ trợ (Ảnh: Daily Mail)
"Điều cuối cùng chúng tôi làm là đi tới sân trường Harvard, đơn giản chỉ bởi vì chúng tôi muốn chụp bức hình trước bức tượng John Harvard", cô hồi tưởng. Thấy học trò của mình có vẻ háo hức, một giáo viên hỏi xem cô có muốn nộp đơn vào trường này không. Tuy nhiên không có tiền và vô gia cư, Harvard gần như là một điều không thể với cô. "Tôi biết rằng mình cần có học bổng", cô nói.
Cơ hội lớn đến với Murray khi tờ New York Times trao học bổng vào Trường Harvard và cô giành được một suất. “Tôi luôn tự nhủ một ngày nào đó cuộc đời mình sẽ thay đổi” - Murray kể. Để có thể hoàn thành việc học, cô đã phải rất vất vả và nỗ lực. Nhiều bạn bè và giáo viên không thể tin được việc cô đã phải trải qua nhiều điều đau khổ như vậy trong quá khứ.
"Tôi nhớ mỗi buổi đến trường và hành lang đầy sinh viên. Họ không biết nhau. Họ là những người đọc về câu chuyện của tôi và đã lái xe đến đây chỉ để hỏi: "Chúng ta có thể giúp gì cho Murray không?". Và kể từ đó, cuộc đời của cô bước sang một chương mới, tươi đẹp hơn nhiều.
Liz Murray thành công, xinh đẹp và vươn lên số phận (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Sau khi tốt nghiệp Harvard vào năm 2009, Murray đã trở thành một diễn giả nổi tiếng tại Mỹ. Cuộc đời của cô đã là nguồn cảm hứng để dựng thành phim và cuốn tự truyện ăn khách của cô, ra đời vào năm 2011. Sau cùng, cô cho biết vẫn rất yêu thương cha mẹ và không hề hận gia đình trong những năm tháng khốn khó nhất.
Nếu hỏi cuộc đời này có bất công hay không thì rõ ràng là có! Trong khi những đứa trẻ khác được đến trường, được cha mẹ cưng nựng, được vòi vĩnh đòi quà thì Murray phải sống trong bóng tối và sợ hãi. Cô không những đói ăn, đói mặc mà còn đói cả tình thương, thậm chí xuất hiện bóng ma tâm lý vì đấng sinh thành.
Rơi vào cảnh ấy, có người sẽ đi theo vết xe đổ của gia đình, có người chịu không nổi tìm cách quyên sinh. Nhưng Murray đã dũng cảm chọn cách đối mặt, đấu tranh với nó và vượt qua nó. Nói thì dễ lắm, nhưng cứ phải rơi vào hoàn cảnh của cô, mới thấu hiểu được sự đau thương.
Có lẽ, còn rất nhiều phụ nữ sinh ra trong cái nghèo, nhưng chỉ biết than trách trời đất, đổ lỗi số phận, nhưng bạn đã quên mất một điều “nghèo khó chính là trường Đại học tốt nhất”, nó khiến cho những cô bé/ cậu bé sớm có ý thức vươn lên, sớm có động lực thôi thúc khẳng định chính mình.
Liz Murray giờ đã là diễn giả nổi tiếng (Ảnh: VietNamNet)
Người ta thường bảo thế giới này có lắm điều không công bằng. Nhưng lại có một thứ rất sòng phẳng, đó chính là tư duy bạn thế nào, bạn sẽ sống cuộc đời như vậy. Mỗi người phụ nữ được sinh ra và bắt đầu ở những vạch xuất phát khác nhau, nỗ lực của mỗi người càng không giống nhau, và quan trọng là nỗ lực của ai nhiều hơn thì cuộc sống của người ấy sẽ tốt đẹp hơn.
Đừng bao giờ nói: "Tôi muốn giống bạn, tôi muốn thế này, muốn thế kia, tôi cũng muốn thoát nghèo mà không có khả năng..." vì đó chỉ là những câu bào chữa.
Vì có những cụ ông, cụ bà dù cao tuổi vẫn cắp sách đến trường, xóa mù con chữ. Có những cô gái vừa phải nuôi em, nuôi gia đình nhưng vẫn cố gắng dành chút tiền đi học bổ túc buổi tối. Có những đứa trẻ tật nguyền tứ chi, còn sót lại 1 ngón vẫn học cách dùng máy vi tính.
Những tấm gương ấy không thiếu trong xã hội và họ đã thành công, như câu chuyện của Murray là một điển hình. Thế cho nên, phụ nữ muốn thay đổi cuộc đời, phụ nữ phải biết làm chủ bản thân, nếu có cơ hội, nhất định phải nâng cao tri thức.
Cũng như tỉ phú giàu nhất thế giới Bill Gates từng nói rằng: “Sinh ra trong nghèo đói không phải là tội của bạn, nhưng nếu chết trong nghèo đói thì đó hoàn toàn là lỗi của bạn”.
Nguồn tham khảo: Tuổi Trẻ