Tìm thấy tình yêu khi ở tuổi 48, người phụ nữ không ngờ lại được 6 con riêng của chồng đón nhận, yêu thương và hết lòng bênh vực “mẹ kế”. 

Đó giờ nhiều người thường cho rằng “khác máu tanh lòng” ý nói những mối quan hệ không chung huyết thống dễ đối xử bạc bẽo, không thật lòng yêu thương. Thực tế cũng có không ít câu chuyện đau lòng về mẹ kế, cha dượng có hành động thiếu kiểm soát với con riêng của chồng/vợ và khiến dư luận phẫn nộ. 

Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là quan hệ giữa mẹ kế - con chồng lúc nào cũng hục hặc, không ưa nhau ra mặt, ngược lại, vẫn còn đó nhiều trường hợp yêu thương, đón nhận nhau và không còn phân biệt “khác máu”. Điển hình như câu chuyện của bà Lưu Thị Tường (hiện 68 tuổi) và 6 người con riêng của chồng. 

hình ảnh

(Ảnh VietNamNet)

Kể lại mối duyên với người vợ sau, ông Nguyễn Đức (hiện 74 tuổi) cho biết, năm xưa ông một thân một mình từ Kon Tum về Đà Nẵng và có xin mẹ của bà Tường để được ở nhờ. “Lúc đó tôi không nghĩ gì, chỉ thấy cô Tường đi làm không ở nhà thường xuyên. Tôi thương cảnh mẹ già nhưng ở một mình nên xin ở lại cho vui. Ai ngờ cô ấy phán ngay: 'Anh ở đây, em giao mẹ cho anh luôn'”, ông Đức kể. 

Sau đó, ông nên duyên với một người phụ nữ khác và có 6 người con. Cuộc hôn nhân của ông và người vợ đầu hạnh phúc cho đến khi bà qua đời và ông sống cảnh “gà trống nuôi con” suốt 11 năm. Trong một lần về thăm Đà Nẵng, ông tình cờ gặp lại bà Tường. Lúc này, bà Tường đã 48 tuổi nhưng vẫn chưa kết hôn vì dành thời gian để nuôi mấy đứa cháu mồ côi và chăm sóc mẹ già. 

Khi thấy người phụ nữ này có tấm lòng lương thiện, hiếu thảo với mẹ già nên ông Tường dần cảm mến. Lại thêm việc mẹ của bà Tường thôi thúc nên ông quyết định sẽ đi thêm bước nữa với người phụ nữ này. Thời điểm đó, ông Đức đã 54 tuổi. 

hình ảnh

Chị Hạnh Nguyễn, con của ông Đức, hết lòng tán đồng chuyện ba đi thêm bước nữa. (Ảnh VietNamNet)

Nói về 6 người con riêng của chồng, bà Tường cho biết: "Tôi cũng không bận tâm việc 6 người con của anh có thương mình hay không, miễn anh thương mình là được”.

Trong câu chuyện này, mình cảm thấy ngưỡng mộ tình yêu của bà Tường dành cho chồng. Bởi không phải người phụ nữ nào cũng đủ bản lĩnh để cưới một người đàn ông có 6 người con riêng, đã vậy đó giờ bà Tường chưa từng kết hôn. Không ít người cho rằng việc đối phương có con riêng sẽ là một rào cản trong chuyện hẹn hò rồi cưới hỏi.

Ngoài ra, nuôi dạy con riêng của chồng/vợ chưa bao giờ là chuyện dễ dàng, bởi nghiêm khắc sẽ bị mang tiếng “mẹ kế con chồng”, còn buông lơi để mặc thì bị gọi thiếu trách nhiệm nên “con hư tại mẹ”. Sống với con riêng của chồng/vợ cần phải có tình thương bao la, chân thành và sự bao dung rất lớn. 

“Một người phụ nữ chấp nhận hy sinh lấy người đàn ông có 6 đứa con vì tình yêu. Nếu họ bận tâm chuyện đó thì có lẽ đã không chọn người có hoàn cảnh như vậy!”, MC Quyền Linh bày tỏ khi nghe câu chuyện của đôi vợ chồng này. 

hình ảnh

(Ảnh chụp màn hình chương trình Tình Trăm Năm)

Khi biết bố có ý định đi thêm bước nữa, các con của ông Đức đã hết lòng ủng hộ. Theo lời kể của chị Hạnh Nguyễn, con gái của ông Đức, 6 người con đã xúng xính váy áo để cùng bố đi hỏi vợ ở Đà Nẵng. 

“Lúc ba gọi về bảo muốn lấy vợ và nhờ các con chuẩn bị thủ tục cưới hỏi, mình gọi các em thông báo để chuẩn bị tinh thần đi hỏi vợ cho ba. Thời đó không ai nghĩ con cái có thể chấp nhận đi hỏi vợ cho bố, đó là chuyện ngược đời”, con gái của ông Đức chia sẻ.

Các con của ông Đức vui mừng khi thấy bố tìm được hạnh phúc và mọi người càng yên tâm hơn vì bà Tường là người phụ nữ hiền lành, sẽ cùng ông hủ hỉ lúc tuổi già. Đám cưới của ông Đức được 6 người con chuẩn bị chu toàn, từ sính lễ đến các lễ nghi cưới hỏi. 

Đến nay, đôi vợ chồng đã sống với nhau hơn 20 năm. Do tuổi ngày càng cao lại thêm di chứng từ bệnh nên ông Đức không thể làm những việc nặng. Thay vào đó, ông thường xuyên phụ giúp vợ làm việc nhà, lo cơm nước rồi chăm mẹ vợ đã lớn tuổi. “Phụ nữ bây giờ khổ hơn hồi xưa, công việc lo toan ngoài trong. Nam nữ bình đẳng, vợ ra ngoài làm việc thì tôi lo việc trong nhà, không gì là không làm được”, người chồng chia sẻ. 

Chứng kiến bố mẹ hạnh phúc trong ngần ấy năm, chị Hạnh Nguyễn bày tỏ sự ngưỡng mộ trước tình cảm của hai người, đặc biệt là sự hy sinh của mẹ. “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”, chị cho biết từ khi nghe bố có nguyện vọng đi thêm bước nữa là cả nhà đều nhất trí tán thành. 

Sau này, khi nghe bố mẹ mâu thuẫn, chị Hạnh Nguyễn hay nói đùa: “Mẹ mang quần áo lên con ở đi, đừng ở với ba nữa, gặp con là bỏ ba lâu rồi”. Điều này cũng cho thấy các con riêng của ông Đức luôn xem bà Tường như mẹ ruột, yêu thương và “bênh vực” mẹ hết lòng. 

hình ảnh


(Ảnh chụp màn hình chương trình Tình Trăm Năm)

Cuộc sống vốn muôn hình vạn trạng, không phải lúc nào mẹ kế con chồng cũng hục hặc, thù ghét nhau thiếu tình người. Câu chuyện của gia đình này hy vọng sẽ góp thêm cái nhìn tích cực, để chúng ta càng thêm tin rằng: Nếu đối đãi với nhau bằng tình thương chân thành thì dù “khác máu” vẫn ấm lòng mà thôi.