Trên đời này có trăm cái khổ, nhưng vừa khổ vừa đau thì chẳng có gì cám cảnh bằng việc cho bạn vay tiền mà đòi hoài không trả. Rõ ràng đó là tiền của mình, mình đã cho vay không lấy tẹo lãi nào nhưng lúc đi đòi vẫn gian nan như Đường Tăng đi lấy kinh vậy.
Thế cho nên, vô vàn những trường hợp ‘đứng cho vay, quỳ đòi nợ’ không bao giờ thiếu trong xã hội chúng ta. Và rồi khi chủ nợ điên hóa quá liều thì những chuyện bi hài nhất sẽ xảy ra. Điển hình như câu chuyện sau đây, hẳn sẽ làm các mẹ “choáng váng”.
Ngày 28/5 vừa qua, một người đàn ông họ Tôn đã đến cảnh sát thành phố Lâm Hải (Chiết Giang, Trung Quốc) để trình báo về việc bị một cô gái quen qua mạng lừa tiền. Số tiền bị lừa mất lên tới 100.000 NDT (khoảng 357 triệu đồng).
Muốn đòi lại khoản tiền bạn đã vay, người đàn ông vướng vào vòng lao lý (Ảnh: Sohu)
Theo lời của anh Tôn, cô gái do bạn thân của anh mai mối, tên là Yiyi, suốt quá trình trò chuyện cùng nhau, Yiyi tỏ ra vô cùng nhiệt tình, nhanh chóng khiến anh Tôn siêu lòng. Không lâu sau đó, hai người chính thức xác lập mối quan hệ yêu đương dù chưa một lần gặp mặt.
Cuối tháng 3/2020, nghe Yiyi nói sắp đến sinh nhật cô, anh Tôn nhanh chóng chuyển cho bạn gái 1000 NDT (khoảng 3,5 triệu đồng) làm quà mừng. Một thời gian sau, Yiyi lại nói cần tiền để mừng tuổi cháu trai nhưng tài khoản không đủ. Anh Tôn nghe bạn gái than liền chuyển tiền ngay, không chút do dự.
Yiyi sau đó liên tục viện ra nhiều lý do khác như "Bố bị bệnh cần sang Mỹ điều trị", "Thẻ ngân hàng bị đóng băng, không thể gửi tiền sang Mỹ cho bố", "Bố mất nên cần tiền làm đám tang", "Mắt của mẹ bị chảy máu cần phải đi khám". Anh Tôn lần nào cũng chuyển tiền cho Yiyi, tổng số tiền lên tới 100.000 NDT.
Tới tháng 2/2021, anh Tôn được nghỉ Tết nên quyết định đi một chuyến đến Tứ Xuyên để gặp bạn gái. Chẳng ngờ, anh tới nơi đã 7 – 8 ngày cũng không gặp được Yiyi, nhắn tin trên mạng cô không trả lời. Anh Tôn làm cách nào cũng không liên lạc được với bạn gái, lúc này mới ngớ người nhận ra mình bị lừa.
Hình minh họa (Ảnh: Thanh Niên)
Qua quá trình điều tra, xác minh, cảnh sát cho biết, cô gái tên Yiyi thật ra là do anh Triệu (bạn thân của anh Tôn) giả mạo. Theo lời khai của anh Triệu, vài năm trước, anh Tôn vay 60.000 NDT (khoảng 214 triệu đồng). Vậy nhưng, tới khi anh Triệu đòi lại số tiền, anh Tôn lại tìm đủ lý do trốn tránh, không chịu trả nợ.
Quá bực mình và ấm ức, anh Triệu liền nghĩ ra cách mạo danh Yiyi để đòi lại tiền. Làm việc với cảnh sát, anh Triệu nói: “Tôi cũng đang mắc nợ bên ngoài. Tôi cho rằng đòi lại tiền của Tôn là chính đáng nhưng không nghĩ rằng cách làm của mình là vi phạm pháp luật".
Anh Triệu cho hay anh vốn chỉ muốn đòi số tiền 60.000 NDT. Tuy nhiên, nghĩ đến tình cảm nồng nhiệt hiện tại và thái độ trước kia của anh Tôn, anh Triệu quyết định trả thù một chút, cuối cùng lừa số tiền lên đến 100.000 NDT. Cảnh sát hiện đang tạm giam anh Triệu, tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.
Hình minh họa (Ảnh: ChinaNews)
Đúng là một câu chuyện bi hài với kịch bản khó lòng tưởng tưởng nổi. Vì giận người bạn không trả tiền, anh Triệu đã lên mạng “giả gái” để móc hầu bao của bạn, thậm chí còn lấy nhiều hơn số tiền đã cho vay.
Tất nhiên, anh Triệu làm vậy là sai về mặt pháp luật, phải chịu xử lý. Nhưng cũng đáng đời anh Tôn lắm, vừa dại gái, vừa ngu ngốc, lại còn tham lam. Rõ ràng, anh ta có tiền nhưng không trả, trong khi với gái đẹp chưa gặp lần nào, đã hào phóng móc hết hầu bao.
Nhiều người sẽ nghĩ, sao gã Tôn này dễ lừa vậy, bởi vì anh ta tin vào bạn mình là anh Triệu (đồng thời là người mai mối) rằng cô gái tên Yiyi có thật trên đời. Anh ta, đã nhận được bài học sâu sắc từ chính vết xe đổ của mình.
Anh ta khi đi vay tiền, gieo niềm tin cho bạn, rằng một mai mình sẽ trả. Bây giờ cũng vì niềm tin với bạn, anh ta ngã một cú ê chề. Mất tiền cho gái đau một, nhưng phát hiện ra cô gái là bạn thân lại càng đau mười, và khi câu chuyện này được đưa lên mạng xã hội, anh ta sẽ càng đau gấp trăm.
Bởi vậy mới nói, đừng bao giờ cho bạn bè mượn tiền, không thì cũng mất tình bạn luôn.Có lẽ, trường hợp này sẽ là một bài học quý cho những ai quá tin vào bạn và dại dột đưa tiền cho người khác. Nên nhớ, dù bạn có thân đến mức nào thì khi cho vay nợ phải làm giấy ghi nợ, để đến lúc bạn trở mặt, còn có pháp lý đi đòi.
Tuy nhiên, đòi nợ cũng nên văn minh, chứ nghĩ ra chiêu lừa bạn như anh Triệu, sau cùng có lấy được tiền, cũng vướng vòng lao lý. Thôi thì sống ở đời với nhau, quan trọng nhất vẫn là chữ tín và sống như thế nào để người khác nể mới 'ngon', chứ còn quỵt nợ, lầy lội không trả thì chỉ khiến danh dự bản thân rẻ mạt theo thời gian.
Nguồn: Đời sống Pháp Luật