Mỗi lần di chuyển, bà Liu ngồi xe suốt 1 tiếng và đến nhà đứa con nào, bà cũng tự tay chuẩn bị mọi thứ, nấu bữa sáng cho con cháu. Có lẽ bà cũng không ngờ những năm tháng tuổi già của mình phải thế này.

Theo tôi thấy, đối với người Việt nói riêng và châu Á nói chung, việc con cái chăm sóc ông bà, cha mẹ lúc tuổi già là trách nhiệm, là đạo làm con. Nhưng có thực tế là, trong rất nhiều gia đình, con cái không xem chuyện chăm sóc cha mẹ là niềm hạnh phúc mà nói chính xác hơn chúng xem là gánh nặng. Không chỉ lo về ăn uống, ngủ nghỉ, bệnh đau mà cả việc chở cha mẹ đi chơi, trò chuyện cũng bị cho là khiến con cháu phiền phức, mất nhiều thời gian.

Đằng sau cánh cửa mỗi gia đình là rất nhiều câu chuyện, có những thứ thuộc về tình cảm nên khó có thể chia sẻ. Tại Trung Quốc, mới đây tôi thấy cư dân mạng xứ này bàn tán trường hợp cụ bà họ Liu, có 3 người con trai đã lập gia đình. Từ khi chồng mất, 80 tuổi ở một mình trong nhà khiến bà cảm thấy rất bất tiện. Mỗi khi trái gió trở trời, bà càng lo cho sức khỏe mình nhiều hơn. Quạnh quẽ, trống vắng mà tuổi già cần sự sum vầy, quan tâm nên bà quyết định bán căn nhà để dọn đến sống với các con.

hình ảnh

Bà Liu đến ở với các con 10 ngày phải rời đi. Ảnh Sohu

Biết mẹ bán nhà sang ở với mình, 3 người con bàn bạc quyết liệt rồi cuối cùng đưa ra thỏa thuận rằng mẹ sẽ ở mỗi nhà 10 ngày. Như vậy, trong tháng bà sẽ di chuyển 3 lần, mỗi lần 1 tiếng đồng hồ để tới nơi. Cứ xoay vòng như vậy, đủ 10 ngày bà sẽ lên xe đi nhà khác. Bà Liu không có cách nào khác nên đành chấp nhận.

Nghĩ rằng ở với con cháu sẽ rất vui, đồng thời không muốn tạo gánh nặng cho chúng nên bà chia tiền bán nhà cho các con, chỉ để lại 1 ít cho mình phòng khi ốm đau. Thời gian đầu khi đến ở, các con chuẩn bị giường nệm phẳng phiu, chăm sóc bà rất kỹ lưỡng khiến bà cho rằng quyết định của mình là đúng đắn, coi như tuổi già được con cháu yêu thương như thế này là phước phần quá đỗi.

hình ảnh

Bà phụ con trai trồng đậu để thấy mình vẫn còn có ích. Ảnh Sohu

Nhưng có ngờ đâu, được chừng 1-2 tháng, các con không còn dành cho mẹ sự tốt lành ban đầu. Thay vào đó, 3 người con và gia đình để bà tự chuyển tới, tự sắp xếp đồ dùng, tự lo chuyện ăn uống. Thậm chí, bà còn thức dậy sớm, xuống bếp nấu đồ ăn sáng cho con cháu trước khi chúng đi học, đi làm. 

Không biết thời gian tới, bà Liu sẽ sống như thế nào khi già yếu còn phải di chuyển mỗi tháng 3 lần, ngồi xe cả tiếng đồng hồ đến nhà các con. Tiền bạc bà đã chia cho con, tuyệt đối không để con chịu thiệt, vậy mà giờ lại như vậy.

hình ảnh

Hết 10 ngày, bà lủi thủi rời đi. Ảnh Sohu

Câu chuyện về cụ bà ngay khi đăng tải lên mạng đã thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Ai nấy đều thấy xót xa cho bà cụ:

- Lúc sống thì thờ ơ, nhưng lúc mất thì khóc to thương mẹ rồi đốt vàng mã, cúng giỗ thì mâm cao cỗ đầy thịnh soạn lắm ạ.

- Không phải đứa con nào cũng báo hiếu được đâu, nuôi con lớn chứ đừng mong được đền đáp, thủ một phần để dưỡng già chứ hi sinh lo cho con hết rồi có khi không còn xu dính túi. Tự lo cho mình vẫn tốt hơn.

- Mẹ là mẹ chung của tất cả anh chị em mà, mỗi tháng một người đóng góp một phần để chăm sóc chứ mẹ già rồi sống được bao lâu nữa đâu mà đùn đẩy. Đừng để khi mẹ mất rồi mới hối hận khóc kể.

- Bởi, sinh con ra cũng là cái phước hoặc nợ mình phải gánh. Ngẫm thấy tội, chưa chắc có con mà nó lo cho mình những ngày gần đất xa trời mà có khi ôm vào lòng những đau khổ.

- Tội cho mẹ quá các cháu ơi, sao không để cho mẹ sống ấm êm mà làm như vậy không thấy lương tâm cắn rứt sao?

Người ta hay nói “trẻ cậy cha, già cậy con” tức là lúc nhỏ thì con cái nhờ vào cha mẹ để khôn lớn. Đến khi già yếu thì trông vào con cái để có chỗ dựa. Chăm sóc ông bà cha mẹ cũng là truyền thống tốt đẹp, là nét văn hóa mà mỗi người con luôn phải ghi nhớ và thực hiện. Nhưng thực tế phũ phàng, đâu phải lúc nào cha mẹ cũng được con cái đối xử tốt, chăm lo từng chút một như khi họ còn thơ bé.

Vừa qua trong một phòng bệnh, có 3 người phụ nữ đang cãi vã ầm ĩ, đùn đẩy trách nhiệm ở lại chăm sóc mẹ già. Họ tranh nhau đưa ra lý lẽ riêng và cho rằng những người còn lại không có ý thức chăm sóc mẹ. Cãi vã một hồi vẫn không có kết quả, họ quay ra nói không hay về nhau, chẳng ai nhường ai. Y tá lên tiếng can ngăn nhưng họ vẫn không chịu dừng lại.

hình ảnh

Mẹ ngồi bất lực nhìn 3 con gái cãi nhau. Ảnh Vietgiaitri

Sự việc xảy ra tại quận Jintang ở Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc. Người nhà bệnh nhân nằm gần đó ghi lại sự việc và đăng tải lên mạng xã hội. Thương bà cụ bất lực ngồi nhìn các con cãi nhau, họ thoái thác trách nhiệm để khỏe tấm thân mà chẳng nghĩ gì đến bà.

Người già rất nhạy cảm, họ tuyệt đối không muốn trở thành gánh nặng của con cháu và càng không muốn vì mình mà con cháu cãi vã, chửi bới nhau. Họ lúc nào cũng sợ mình vô dụng nên cố gắng làm việc nhà để thấy bản thân có ích, tự chăm sóc nếu có thể. Tay yếu mắt mờ, đi đứng chậm chạp còn thêm mang trong người nhiều bệnh, họ đâu còn cách nào khác hơn là để các con chăm sóc mình. Nhưng chúng đâu phải lúc nào cũng vui vẻ làm điều đó.

Hiếu thảo hay không là do mỗi người, chẳng ai có thể bắt ép được. Tuổi già tốt nhất là nên có tiền, tài sản thủ thân mình, đừng chia hết cho con cháu. Cuộc đời chẳng biết được chữ ngờ nên cứ lo cho mình trước. Đã có biết bao nhiêu ông cụ bà lão lang thang cơ nhỡ vì con cháu hắt hủi bỏ bê. Nuôi chúng lớn lên không tính toán, chúng nuôi lại tính tháng kể ngày. Một mẹ nuôi được mười con nhưng mười con không thể nuôi được một mẹ.