Công bằng mà nói, ở thời đại này rồi, chẳng có lĩnh vực nào mà phụ nữ thua kém đàn ông. Việc phụ nữ giỏi giang, kiếm nhiều tiền hơn đàn ông không còn là chuyện gì quá lạ.
Vậy thì, một gia đình muốn hạnh phúc cần vợ chồng phải bình đẳng, thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau, ai có khả năng hơn, có cơ hội kiếm tiền hơn thì người còn lại lui về phía sau hỗ trợ bạn đời là điều nên làm và đáng ghi nhận. Ví như câu chuyện của anh kỹ sư Nhật bỏ việc lương cao về làm hậu phương cho vợ Việt khiến chúng ta phải suy ngẫm.
Gia đình hạnh phúc của chồng Nhật - vợ Việt (Ảnh: VNE)
Bỏ thành thị về Tây Nguyên sống như 'người rừng', cặp đôi 9X khiến mẹ già bật khóc vì quá khổ
Hơn 7h30' tối trong một ngôi nhà ở Saitama (Nhật Bản), Cẩm Vân, 30 tuổi tan làm về nhà. Vừa mở cửa, con gái 1,5 tuổi và con trai 4 tuổi rối rít: "Mama đã về". Vân ôm con một lúc rồi đi tắm rửa, ăn tối, chứ không phải túi bụi việc nhà như phần đông những người vợ Nhật xung quanh.
Hơn 3 tiếng trước khi Vân về, chồng cô, anh Kenta Watanabe, 30 tuổi đã đón con tan học, tắm rửa, nấu bữa tối và cho các bé ăn đâu vào đó. Cả ngôi nhà sạch bong và người vợ ít khi phải đụng tay vào việc gì nữa.
Hiện Vân làm ở phòng phát triển kinh doanh trong một công ty y tế của Nhật. Còn chồng cô làm freelance về quản trị nhân sự, chăm sóc các con, nội trợ. Cả Vân và Kenta đều tìm được hạnh phúc cho mình sau hai năm hoán đổi vai trò cho nhau.
Đôi vợ chồng yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên vào tháng 7/2012 khi làm chung trong một quán ăn ở Chiba. Lúc đó Vân là cô gái Hà Nội sang Nhật du học, còn Kenta đã tốt nghiệp, đang chờ xin việc. Ngày đầu gặp gỡ, chàng trai Nhật đã thốt lên: "Khi cô ấy quay lại tôi đã nhìn thấy một cô gái nhỏ nhắn, tóc xõa, nụ cười rất đẹp. Cô ấy đáng yêu ngay cả trong bộ đồng phục".
Anh Kenta chăm con rất chu đáo (Ảnh: VNE)
Cuối năm 2013 họ kết hôn. Đôi vợ chồng đón con trai đầu lòng tháng 8/2014 và con gái cuối năm 2017. Tính chất công việc của Kenta thường xuyên đi sớm về muộn và hay phải đi công tác. Nhiều đêm anh làm về thì con trai đã ngủ. Anh thương vợ vất vả và tiếc tuổi thơ của con qua nhanh.
" Sau một lần về quê vợ, thấy bữa tối nào gia đình cũng quây quần bên nhau. Ở Nhật mọi người xa cách, đến cha mẹ và con cái cũng khách sáo. Tôi khao khát cảnh cả gia đình có nhiều thời gian bên nhau", anh nói.
Sau nửa năm suy nghĩ, Kenta quyết định nghỉ việc và nhận được sự ủng hộ của vợ. Anh chuyển sang làm freelance về nhân lực nước ngoài, song song làm việc nhà, chăm con. Ông bố chia sẻ, anh không gặp khó khăn trong nội trợ hay việc nhà, chỉ duy nhất thấy khó trong chuyện ăn uống của hai con.
Trường hợp đàn ông ở nhà làm việc chính như Kenta rất hiếm ở Nhật. Hầu hết việc nội trợ do phụ nữ đảm nhiệm, trung bình đến 5 tiếng mỗi ngày. Trong khi theo khảo sát, sự tham gia của đàn ông vào việc nhà ở đây thuộc hàng thấp nhất thế giới.
"Các bạn bè và hàng xóm đều tò mò về quyết định này của chúng tôi, song tất cả đều không ảnh hưởng, bởi đây là lựa chọn dẫn đến hạnh phúc cho cả tôi và vợ", anh Kenta bày tỏ. Thu nhập của gia đình hiện tại thấp hơn thời Kenta còn đi làm, song đôi vợ chồng hài lòng.
"Tôi có nhiều thời gian bên con nhưng vợ vẫn đi làm vất vả. Giờ con đã đi học, tôi có thời gian tập trung cho kênh Youtube riêng, hy vọng sớm thành công để vợ nghỉ việc, sau đó có thể chuyển đến bất cứ nơi nào cô ấy muốn", người chồng chia sẻ.
Anh Kenta vui vẻ lui về làm hậu phương cho vợ (Ảnh: VNE)
Thật lòng mà nói, không chỉ ở Nhật Bản mà Việt Nam cũng nặng nề tư tưởng phong khiến đó thôi, rất hiếm có anh đàn ông nào chịu khó giúp vợ việc nhà chứ đừng nói là bỏ hẳn sự nghiệp để dành toàn thời gian nấu cơm, chăm con, giặt giũ…
Ngẫm cũng thấy lạ, khi người đàn ông quá say mê với việc bên ngoài, nhiều bà vợ đã phải than thở, kêu ca ước gì chồng mình quan tâm tới vợ con. Đôi khi có những bà vợ còn đưa ra những thách đố: “Có giỏi thì ông ở nhà làm nội trợ như tui coi, chắc được ba bảy hai mốt ngày quá”.
Nhưng thật sự trong sâu thẳm của nhiều người, kể cả ngay chính những người phụ nữ, hình như vẫn chưa được chuẩn bị đầy đủ để có một cách nhìn đúng về người đàn ông nội trợ đích thực. Có người còn nói: “Nghe nó yếu yếu sao ấy!”.
Phải chăng thói quen suy nghĩ làm nội trợ là một việc làm phụ, dễ làm, chủ yếu dành cho phụ nữ đã ăn quá sâu vào đầu óc của mọi người, từ đó coi việc làm nội trợ không phải là một nghề nghiệp chuyên biệt và đặc biệt là những người thành đạt thì không ai làm nội trợ cả?
Nhưng nếu nhìn công việc nội trợ một cách khoa học tổng quát, chúng ta có thể nhận ra nội trợ thực chất là một nghề nghiệp đòi hỏi trình độ chuyên môn rất cao. Để làm được một người nội trợ đúng nghĩa không hề dễ dàng chút nào.
Nghề nội trợ đòi hỏi người làm nghề phải có kiến thức về quản lý kinh tế - chi tiêu hợp lý trong thời buổi kinh tế khó khăn này; có kiến thức về quản trị để sắp xếp 1.001 việc không tên mỗi ngày một cách hợp lý để giải quyết với khoảng thời gian ngắn nhất; đòi hỏi kiến thức về tâm lý để có thể xử lý những tình huống xảy ra giữa các thành viên trong gia đình; đòi hỏi kiến thức về giáo dục để dạy dỗ con cái...
Vậy thì một người đàn ông “chuẩn men” như anh Kenta làm nội trợ liệu có nên là một sự khuyến khích không nhỉ? Đặc biệt, mô hình người đàn ông vừa làm nội trợ tốt vừa có thể đảm bảo được một nền kinh tế gia đình ổn định có cần được xã hội nhân rộng để thành tiêu chuẩn cho người đàn ông của thế kỷ 21?
Phải chăng, dã đến lúc chúng ta cần có một cách nhìn khác với nghề nội trợ nói chung và với những người đàn ông nội trợ chuyên nghiệp nói riêng? Biết đâu một lúc nào đó sẽ có một ngày lễ “Ông nội trợ” để tôn vinh những ông bố làm tốt công việc chăm sóc gia đình của mình.
Nguồn tham khảo: VNE