Theo suy nghĩ thông thường của người trẻ, nếu muốn đổi đời thì phải lập nghiệp ở thành thị, phải cố bám trụ cho đến cùng. Vậy nên nhiều cặp vợ chồng dù khó khăn cỡ nào cũng ráng bươn chải mưu sinh, cốt để cho con cái có cơ hội và môi trường học tập tốt hơn.
Nhưng chuyện gì cũng có sự “hy hữu” của nó, như mới đây có cặp đôi 9x gây bão cộng đồng mạng, bởi họ dám từ bỏ Sài Gòn về Tây Nguyên lập nghiệp, sống như ‘người rừng’ đúng nghĩa.
Sáng tháng 9 trời se lạnh. Vợ chồng Thành An và Mỹ Thuận không lên rẫy như mọi khi. Họ ngồi bên bờ suối thưởng thức cà phê. Năm chú chó hiền lành nằm bên cạnh. Họ đang rất còn trẻ, đều cùng độ tuổi 25 tuổi, hiện đang sống tại xã Quảng Sơn, Đắk Glong, Đắk Nông.
Từ lúc mới yêu, Thuận hay nói với An về ước mơ có một ngôi nhà gỗ, một khu vườn và sống cuộc đời tự nhiên. An không hứa hẹn gì, nhưng cậu hay nói với gia đình và bạn bè là sẽ cùng cô thực hiện ước mơ ấy.
Bà Nguyễn Thị Dung, mẹ của An là người chứng kiến sự trưởng thành trong tình yêu của đôi trẻ. Khi hai con thuyết phục đầu tư làm trang trại, bà không đồng ý, An mất cả tháng để trình bày kế hoạch chi tiết, cam kết chia lợi nhuận rõ ràng và thuyết phục ba mẹ. Nhờ đó, họ tìm được một mảnh đất rộng 10 hecta. Từ trung tâm xã Quảng Sơn vào đến nơi hơn 10 cây số, hai bên chủ yếu là rừng.
Sau bữa tiệc cuối năm 2018, Mỹ Thuận bỏ lại chiếc đầm đỏ, đôi giày cao gót, An cũng bỏ lại bộ vest, đôi giày đen. Họ mang vài chiếc quần jean, áo thun đơn giản, cùng chú chó Lucky mà An cứu được trong thùng rác, rời Sài Gòn về "miền đất hứa".
"Cả đời này chắc mình không thể quên được đêm đầu tiên về đây. Giường chưa có, chăn chiếu cũng không, hai đứa phải ngủ dưới sàn nhà. Đó là cái đêm lạnh nhất trong cuộc đời", Thuận kể.
Trang trại của họ cách nhà hàng xóm gần nhất nửa cây số. Ở đây không có điện lưới mà phải dùng máy thuỷ điện nhỏ nên chỉ đủ dùng để thắp sáng, nước dẫn từ suối về, sóng điện thoại chập chờn, không có 4G, rắn rết, bọ cạp... thì gặp thường xuyên.
Những ngày đầu chưa lắp điện nên đôi trẻ thắp sáng bằng đèn cầy. Đường nước cách nhà hàng km, phải đi đường rừng khó nên nhiều hôm mất nước họ phải chịu không tắm.
Vườn đã khoảng 2 hecta cà phê, 100 gốc mít, còn lại khoảng 4 hecta đất trống. Năm qua An và Thuận trồng thêm 2 hecta mắc ca, 1.000 gốc chuối. Hai thanh niên chỉ quen gõ bàn phím, ngồi trong máy lạnh nay phải làm việc dưới nắng, mệt quá cũng chỉ biết núp dưới cỏ tranh trú tạm.
Trước đó, Mỹ Thuận từng có mức lương chính 15 triệu đồng/tháng, bên cạnh 2 công việc freelance, Thành An là cậu ấm chưa từng làm việc chân tay, nhưng với đam mê làm nông nghiệp sạch và cuộc sống điền viên, họ đã bỏ phố về rừng.
Ngày đầu cầm cái cuốc, tay cậu sưng phồng, lưng ê mỏi. Làm được một ngày thì phải nghỉ mất hai ngày. "Có lúc ngồi nghĩ nếu giờ này mình ở Sài Gòn chắc đang nhâm nhi ly trà sữa mát lạnh. Sao giờ mình lại ở đây, kéo 300 bao phân chuồng đi rải khắp vườn, người vừa hôi vừa bẩn thế", An kể.
"Nhiều lúc lao động mồ hôi đầm đìa, hai đứa ngồi phịch xuống đất chẳng nói với nhau câu nào. Có hôm làm tới tối om, một tay cầm đèn pin điện thoại, tay kia vẫn trồng cây, tưới nước", Thuận chia sẻ thêm.
Bà Dung lên thăm hai con vào một ngày tháng 4 mưa rả rích. Người mẹ thấy hai con mặc đồ dính đầy mủ cây, nón lá, lúi húi trong bếp củi xa nhà, mặt lấm lem. Bà khóc rấm rứt, cố thuyết phục hai đứa "đừng chịu khổ nữa, về Sài Gòn với mẹ".
Người dân xung quanh biết chuyện đôi trẻ bỏ xó hai bằng đại học, thu nhập trên 20 triệu đồng mỗi tháng thì bảo "khùng điên". Người không hiểu còn hoài nghi lý do họ về vườn. Song, sự vất vả, thiếu tiện nghi và phải tự bươn trải kinh tế trong 1,5 năm về vườn không làm đôi trẻ xao lòng.
Sau 1,5 năm, đến nay vườn rau và hoa trái quanh nhà nhiều hơn trước, đáp ứng được một phần nhu cầu của đôi trẻ. Hai hecta cà phê thu được 1,5 tấn quả, chỉ bằng 1/4 so với chủ trước vì canh tác theo phương thức hoàn toàn không hóa chất, không thuốc bảo vệ thực vật, song cũng tạm đủ cho họ chi trả cuộc sống. Ngoài cà phê, họ cũng có thêm xà bông, dầu gội handmade.
Bà Dung lần thứ hai lên thăm con cũng xắn tay lên ra vườn nhổ cỏ, trồng rau. Đến tuổi này cũng chẳng mong cầu điều gì, chỉ cần có thực phẩm tươi ngon, không khí mát mẻ là vui rồi", bà nói. Vợ chồng bà quyết định sắp tới sẽ bỏ phố về vườn cùng hai con.
Hiện tại, câu chuyện của vợ chồng Thuận –An bỏ thành thị về sống trong rừng sâu heo hút vẫn đang tiếp tục thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Có người chúc mừng đôi trẻ, bởi họ đã tạo ra được hệ sinh thái tốt cho xã hội, môi trường và sản phẩm sạch.
Tuy nhiên, cũng có người phản pháo: Cứ nói thế là sướng chứ cũng chỉ làm ăn một thời gian rồi cũng chuyển ra ngoài thôi, rồi sau này con cái ăn học nữa, chứ đâu ở mãi được, chưa kể đường x.zá đi lại khó khăn, lúc bình thường không sao, lúc ốm đau mới mệt chuyện.
Thôi thì đúng – sai hãy chờ thời gian trả lời. Nhưng dù sao đi chăng nữa, không ai có quyền lên án đôi bạn trẻ, bởi sống như thế nào là lựa chọn của từng cá nhân, gia đình. Miễn là không trái luân thường đạo lý hay vi phạm pháp luật.
Ngẫm câu chuyện của hai bạn, chợt nhớ đến câu hát của Đen Vâu: “Nếu mà mệt quá, giữa thành phố sống chồng lên nhau/ Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau”. Nhưng thực tế, đây là ước mơ không phải ai cũng đủ can đảm để thực hiện.
Thậm chí, đến ngôi sao nổi tiếng như Lee Hyori cũng từng thổ lộ với báo chí Hàn Quốc: "Nhiều người hỏi tôi cuộc sống ở nông thôn hẳn phải tẻ nhạt lắm, nhưng thực tế thì vừa làm nội trợ và sống chung với 8 bé chó mèo không phải là chuyện dễ dàng. Dọn dẹp, nấu nướng, giặt giũ, dắt chó đi dạo, làm vườn, nhổ cỏ, rồi lại nấu nướng, dọn dẹp, rửa bát... 1 ngày của tôi phải nói là tối tăm mặt mày".
Rõ ràng, về quê không phải là sự chạy trốn lao động, mà là để lao động tích cực hơn để kiếm sống, nuôi sống mình. Ở thành thị hay nông thôn cũng như vậy cả thôi.
Bạn chỉ có thể thấy thanh thản, bình yên khi có vừa đủ tiền một chút, tình một chút, việc một chút, trải nghiệm một chút và bắt buộc phải thấy bằng lòng với thực tại. Cuộc sống này cần sự cân bằng trong tư tưởng, chứ không phải "đứng núi này trông núi nọ".
Chưa kể, muốn sống được với nghề nông, bạn phải chuẩn bị kiến thức về nông thôn, nông nghiệp để chọn phương pháp canh tác phù hợp; hiểu về đất đai, nguồn nước, không khí, thời tiết, sâu bệnh…; phải chuẩn bị một khoản tiền kha khá đủ để sống và thực hiện ước mơ (mà chắc chắn không thành công ngay chỉ sau một mùa vụ).
Nói cách khác, bỏ phố về quê luôn là cơ hội cho những ai có sự chuẩn bị nghiêm túc, yêu nghề nông thật sự chứ không thể là một phương án tối ưu để người trẻ chạy trốn những áp lực cuộc sống hay công việc nơi thành thị.
Nghĩ thì dễ, mà làm thì khó biết bao!
Nguồn ảnh và tham khảo: VNE