Portfolio có nguồn gốc từ tiếng Pháp. Trong đó porte nghĩa là cầm hoặc mang và folio là một trang sách hoặc báo. Như vậy, portfolio là một tập hồ sơ năng lực gồm nhiều trang. Nhằm thể hiện những thông tin và thành tích của cá nhân hoặc doanh nghiệp.
Mục đích chính của Portfolio chính là để phô bày năng lực của doanh nghiệp hay cá nhân đến nhà tuyển dụng (nếu ứng tuyển việc làm) hoặc nhà tuyển sinh (nếu ứng tuyển vào một chương trình học) hay đến đối tác (nếu ký hợp đồng giao dịch).
Portfolio không chỉ thể hiện những thông tin và bằng chứng chứng minh thành tích của bạn mà thông qua Portfolio, người ta có thể đánh giá về tính cách của bạn. Bởi Portfolio này không đơn thuần là một xấp hồ sơ, mà còn giúp bạn thể hiện khả năng sáng tạo, tổ chức, truyền thông và thuyết phục rằng bạn là ứng viên phù hợp cho vị trí còn khuyết.
Portfolio chứa đựng thông tin gì?
Theo các chuyên gia, một bộ Portfolio hoàn chỉnh cần có những phần sau đây:
1. Thông tin chính xác của người sở hữu: Một câu ghi rõ đây là các tác phẩm của bạn và chúng hoàn toàn bảo mật và thuộc quyền sở hữu của bạn hay một đơn vị nào đó bạn đã từng hợp tác cùng mà không ai có quyền sao chép.
2. Triết lý về công việc: Một lời bộc bạch về bạn và cách nhìn của bạn về lĩnh vực bạn đang theo đuổi
3. Mục tiêu nghề nghiệp: Mục tiêu sự nghiệp của bạn trong vòng 5 năm tới.
4. Sơ yếu lý lịch (Resume): Bạn cần công khai những thông tin cần thiết một cách đầy đủ, ngắn gọn và chính xác nhất.
5. Kỹ năng: Xác định khoảng 3-5 kĩ năng chính, nhất là những kĩ năng cần thiết cho lĩnh vực bạn muốn theo đuổi. Kinh nghiệm làm việc của bạn khiến bạn tâm đắc. Hay lời đánh giá của những người có uy tín về bản thân bạn.
6. Các chứng chỉ/bằng cấp/sản phẩm từng thực hiện để chứng minh những điều bạn trình bày trong Portfolio là chính xác.
Trên đây là những thông tin chủ yếu để bạn trình bày vào trong một Portfolio. Tuy nhiên, thế giói có hàng ngàn, hàng vạn kiểu trình bày Portfolio khác nhau. Vậy nên bạn có thể trình bày, thêm bớt những thứ khác theo sở thích của bạn.
Nhưng tôi có một lời khuyên dành cho bạn, đó là chúng ta phải biết cái gì nên đưa vào Portfolio và cái gì không nên. Chúng ta không thể đưa thành tích Bé khỏe bé ngoan từ mầm non vào, hay không thể đưa thành tích luyện chữ đẹp của bậc tiểu học vào Portfolio được. Hãy sáng suốt và nghĩ đến đối tượng sẽ xem Portfolio của mình. Chúc các bạn thành công!