Brainstorming - Kỹ thuật công não tạo ý tưởng vàng
Động não, còn gọi là Công não hay Tập kích não (tiếng Anh: brainstorming) là một phương pháp đặc sắc ra đời năm 1941 dùng để phát triển nhiều giải đáp sáng tạo cho một vấn đề. Phương pháp này hoạt động bằng cách nêu các ý tưởng tập trung trên vấn đề, từ đó, rút ra rất nhiều đáp án căn bản cho nó.
Tác giả Alex Osborn là người đã đặt nền móng cho kỹ thuật tìm kiếm ý tưởng rất hiệu quả này. Theo Alex thì brainstorm là kĩ thuật hội ý do một nhóm người thực hiện nhằm tìm ra lời giải cho vấn đề nào đó bằng cách góp nhặt tất cả ý kiến của nhóm người này nảy sinh trong cùng một thời gian theo một nguyên tắc nhất định. Nghe học thuật quá phải không! Hiểu một cách nôm na thì brainstorm là trao đổi và chia sẻ ý tưởng giữa mọi người, hoặc là một buổi vay mượn ý tưởng của nhau. Brainstorm thường được sử dụng trong các công việc sau: phát triển sản phẩm mới, quảng cáo, giải quyết vấn đề, quá trình quản trị, quản trị dự án, xây dựng nhóm, xây dựng kế hoạch kinh doanh.
Bao nhiêu người tham gia brainstorm là vừa? Con số lý tưởng là từ 6-10 người. Nếu ít hơn sẽ khó mà thành lập một ngân hàng ý tưởng đa dạng. Còn lớn hơn 10 thì mọi ý tưởng sẽ rối tung, không cẩn thận sẽ rối tung lên mất.
Nên brainstorm trong bao lâu? Cái này phụ thuộc vào mức độ phức tạp của vấn đề, nhưng thông thường thì 2 tiếng là đủ. Một buổi brainstorm ngắn gọn nhưng hừng hực khí thế thì hiệu quả hơn nhiều so với buổi brainstorm dài lê thê mà ai cũng uể oải.
Có mấy giai đoạn trong 1 buổi brainstorm? Có hai giai đoạn, một là huy động ý tưởng và hai là chấm điểm, đánh giá ý tưởng để rồi bầu chọn ý tưởng xuất sắc nhất. Ở giai đoạn đầu tất cả các ý tưởng đều phải được nhiệt liệt hoan nghênh và ghi chép lại cẩn thận. Tới giai đoạn sau bạn mới đem từng cái ra mổ xẻ và phân tích kỹ lưỡng.
Làm thế nào để ghi chép ý tưởng? Cách làm truyền thống là viết thành sơ đồ hình cột hoặc chia nhánh và đánh số thứ tự. Nhưng có một cách được ưa chuộng hơn cả là ghi từng ý tưởng vào từng tờ giấy take-note. Còn cách thứ ba là sử dụng phần mềm, một người sẽ đánh ý tưởng vào máy tính để rồi sau đó chiếu lên màn hình rộng cho mọi người cùng xem.
Dựa vào tiêu chí nào để đánh giá ý tưởng? Trước khi tiến hành brainstorm bạn cần đưa ra tiêu chí rõ ràng để lựa chọn ý tưởng, thông thường tiêu chí là bạn phải trở thành FAN hâm mộ của ý tưởng đó, nghĩa là ý tưởng phải Feasible, Attractive and Novel (khả thi, hấp dẫn và mới lạ)
Pre-brainstorm, bạn cần chuẩn bị những gì?
Nhân lực: Trước hết phải chọn chủ sự tốt, một người luôn giữ được thái độ trung lập, khách quan, biết cách khích lệ tinh thần cũng như kích thích trí sáng tạo của các thành viên. Khi chọn thành viên tham gia thì cố gắng đảm bảo cơ cấu càng đa dạng càng tốt. Nếu một nhóm mà toàn những người “cùng nhìn về một hướng” thì chắc chắn ý tưởng “bé” sẽ gặp nhau.
Dữ liệu: Để tất cả các thành viên trong nhóm hiểu rõ mục tiêu và brainstorm đúng hướng, leader phải thu thập những thông tin cơ bản, cần thiết liên quan tới vấn đề. Cụ thể đó là thông tin nào, hãy nhớ lại nguyên tắc “1 chồng 5 vợ” (1 Husband 5 Wives) và trả lời các câu hỏi How – What – Who – When – Where – Why.
Công cụ hỗ trợ: Hãy chuẩn bị thật nhiều giấy sticker để mọi người ghi ý tưởng lên trong quá trình brainstorm. Giấy càng màu mè sặc sỡ càng tốt vì điều này sẽ kích thích trí sáng tạo và khơi dậy cảm xúc “dạt dào” bên trong mỗi người. Ngoài ra có thể chuẩn bị thêm nhiều mẫu print ad (quảng cáo trên báo, tạp chí) hay TVC ( quảng cáo trên tivi) thật sáng tạo để mọi người cùng xem cho “đã” mắt và khơi nguồn cảm hứng brainstorm.
Bắt tay vào Brainstorm: - Phổ biến nội dung buổi brainstorm và tóm tắt thông tin trong bản Brief. - Phát giấy sticker cho mỗi người. - 5 phút để ghi ý tưởng lên giấy sticker. - Dán tất cả sticker lên tường. - Sắp xếp sticker vào các nhóm cùng chủ để theo hàng dọc. - Đánh giá các ý tưởng. - Lựa chọn ý tưởng hay nhất.
Brainstorm đi vào bế tắc, phải làm sao đây? Khi không khí bỗng dưng “xìu” xuống, mọi người vò đầu bứt tai mà chẳng nghĩ ra được ý tưởng nào hay ho, vậy là đến lúc người chủ sự phải dùng tới kỹ thuật “warm-up” để làm cho ai nấy tỉnh cả người và lấy lại tinh thần, dũng khí. Hãy cho mọi người cùng chơi một số game sáng tạo, đơn giản thôi nhưng cực kỳ hiệu quả. (Ví dụ như chọn một đồ vật bất kỳ xung quanh, đặt lên bàn và yêu cầu mỗi người nhìn vào nó sau đó nghĩ ra ít nhất 3 công dụng mới. Thời gian suy nghĩ không nên quá lâu mà chỉ cần 3 đến 5 phút là được). Một đoạn quảng cáo đầy cảm hứng sáng tạo cũng là một cách giải trí, khơi nguồn ý tưởng mới Với trò chơi này, mọi người sẽ được giải thoát khỏi vấn đề bế tắc trong vài phút và hướng sự tập trung sang vấn đề mới. Đây là một cách thay đổi không khí và làm cho đầu óc bớt căng thẳng hơn.
Có một phương pháp thoát khỏi bế tắc khá hiệu quả khác, đó là “brainstorm ngược”. Thay vì trả lời câu hỏi “Làm thế nào để khắc phục vấn đề này?” thì bạn hãy thử trả lời câu hỏi ngược lại “Có những cách nào để làm cho vấn đề trầm trọng hơn?”. Hãy lật ngược lại vấn đề, tìm cách giải quyết và sau đó lật ngược lại những cách giải quyết đấy, biết đâu bạn lại tìm được ý tưởng khả thi, hấp dẫn và mới lạ!
Nguồn: Designs.vn
Các bạn có thể xem thêm và học thử các bài học miễn phí tại Khóa Kỹ Năng Giải Quyết Vấn Đề Sáng Tạo trên hệ thống kynangchuyennghiep.vn.