Dù bạn mới có kinh hay đã sống chung với nó lâu lắm rồi thì chuyện kỳ kinh đến trễ, kinh nguyệt bất thường cũng vẫn luôn gây lo lắng và bận tâm.


Khi còn nhỏ, bạn có thể nghĩ rằng mình khác người, hoặc bị bệnh gì đó nghiêm trọng; khi lớn hơn, bạn có thể nghĩ mình đã có thai. Nhưng bạn biết không, thật ra có rất nhiều nguyên nhân khác nhau giải thích chuyện vì sao kinh nguyệt bất thường, kỳ kinh của bạn lại lộn xộn như vậy.


Chẳng hạn như:



(Ảnh: Internet)



Bạn mới có kinh chưa lâu


Dậy thì là một quá trình diễn ra từ từ chứ không phải mới hôm qua còn là những cô, cậu bé, ngủ một đêm dậy đã biến thành người trưởng thành. Mọi thứ, từ suy nghĩ, tâm lý, và đặc biệt là thể chất cần thời gian để thay đổi dần nên chuyện kỳ kinh đến không ổn định trong hai năm đầu tiên kể từ khi bắt đầu có kinh là hoàn toàn bình thường và không cần lo lắng.


Bạn theo dõi sai (hoặc hoàn toàn không theo dõi kỳ kinh của mình)


Nếu chu kỳ của bạn bình thường thì khoảng cách từ ngày đầu tiên của kỳ kinh trước đến ngày đầu tiên của kỳ kinh sau nên vào khoảng 21-40 ngày. Nếu không theo dõi và ghi lại những diễn biến chu kỳ của mình, nhiều khả năng bạn cũng chẳng nhận ra là kinh nguyệt bất thường, để từ đó đi khám nếu cần thiết. Hãy đánh dấu trên lịch, sổ, hoặc cài app điện thoại để bí mật ghi chú nhé, cần lắm đấy!


Bạn bị gầy quá


Về lý thuyết mà nói, không có chuẩn tối thiểu về cân nặng hay BMI cho việc có kinh hay là không, nhưng bạn cần một tỷ lệ mỡ cơ thể nhất định để có những chu kỳ đều đặn. Đây là vấn đề tiến hóa, vì nếu bạn quá gầy, thiếu cân thì não bộ sẽ cho rằng bạn đang ở trong tình huống cần sống sót chứ không phải là lúc nên nghĩ đến chuyện sinh nở. Một số vận động viên nữ dù khỏe mạnh nhưng có tỷ lệ mỡ cơ thể thấp đôi khi cũng có thể bị mất kinh là vì vậy.Vậy nên nếu bạn đang bị rối loạn ăn uống, hoặc lo lắng rằng cân nặng của mình có thể là yếu tố ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, hãy theo dõi lại kỹ hơn chế độ sinh hoạt và ăn uống của mình, rồi trao đổi với bác sỹ.


Bạn bị đa nang buồng trứng (PCOS)


Tình trạng này khiến cơ thể bạn bị rối loạn sản sinh hormone. Phụ nữ bị hội chứng này thường có kinh nguyệt bất thường như chu kỳ khá dài, có thể là 6-8 tuần, thậm chí dài hơn.Những dấu hiệu khác của đa nang buồng trứng còn có: bạn bị tăng cân, da dầu hoặc mụn, trầm cảm, tâm trạng thất thường, rụng tóc hoặc mọc lông cơ thể ở những vị trí bất thường… Nếu thấy những dấu hiệu này, tuy không nhất thiết là bạn đã bị buồng trứng đa nang nhưng tốt nhất vẫn hãy đi khám bác sỹ cho yên tâm nhé.


Bạn vừa bắt đầu áp dụng biện pháp tránh thai tác động đến hormone


Thuốc uống tránh thai, miếng dán tránh thai, tiêm thuốc hoặc đặt vòng… bất kể là biện pháp nào, miễn tác động đến hormone của bạn thì cũng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ. Cơ thể bạn sẽ cần thời gian để thích nghi và điều chỉnh lại, nhất là khi chu kỳ của bạn vốn đã bất thường.Thông thường, những biện pháp tránh thai tác động đến hormone thường được dùng cho các bạn gái có chu kỳ bất thường để điều chỉnh lại, nhưng do mỗi người mỗi khác nhau nên không phải việc gì áp dụng được với người khác cũng hiệu quả với bạn đâu nhé.


Bạn dùng thuốc tránh thai không đúng cách


Thuốc tránh thai có hai dạng: monophasic (tất cả thuốc đều giống nhau), và triphasic (thuốc mỗi ngày có lượng và loại hormone khác nhau, và cả giả dược không chứa hormone). Nếu thuốc bạn dùng là loại triphasic thì bạn sẽ ra máu trong tuần dùng giả dược, nhưng nếu bỏ qua những viên giả dược này thì sẽ không ra máu.Bạn nên nhớ uống thuốc mỗi ngày, không chỉ vì giảm tác dụng tránh thai mà việc quên uống thuốc còn có thể gây ra máu bất thường.


Chu kỳ của bạn khớp dần với những phụ nữ khác


Sau một thời gian sống chung hoặc tiếp xúc lâu dài với những phụ nữ khác, như mẹ, chị em gái, bạn gái… thì nhiều khả năng chu kỳ của các bạn sẽ được kéo dần lại gần nhau. Các nhà khoa học vẫn chưa hiểu việc này xảy ra thế nào nhưng thực tế là có thật, và đó cũng có thể là lý do vì sao bạn lại có kinh vào ngày mà mình không trông đợi.


Bạn đang dùng thuốc điều trị gì đó


Những loại thuốc điều trị tình trạng lo lắng, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Nhưng nói vậy không có nghĩa là bạn sợ hãi và ngưng dùng thuốc hay tự tiện quyết định bất kỳ điều gì khi chưa tham khảo ý kiến của bác sỹ.


Bạn bị ra máu âm đạo chứ không phải là có kinh


Không phải cứ ra máu thì đều là kinh nguyệt bạn nhé. Trong một số trường hợp hiếm gặp thì bạn có thể bị ra máu âm đạo do nhiễm trùng, do bị khối u, rối loạn đông máu, hoặc bị dị vật xâm nhập vào âm đạo. Bạn nên xem lại lịch chu kỳ của mình xem nguyên nhân ra máu là do đâu, và nếu lo lắng thì đừng ngại trao đổi với bác sỹ.


Bạn có thai


Không có kinh là một trong những dấu hiệu của việc có thai. Nếu bạn có quan hệ tình dục, kể cả khi đã dùng biện pháp tránh thai, bao cao su hay gì thì cũng vẫn luôn có một khả năng nhỏ “vỡ kế hoạch”. Nếu bạn nghĩ mình rơi vào trường hợp này, hãy mua que thử nhé.



Theo Seventeen