hình ảnh

Đến từ cộng đồng Hoovada.com: https://hoovada.com/article/moi-nguy-hiem-tiem-tang-mang-ten-nam-moc

Bạn đang rất đói và thật may mắn thay, bạn có ngay một ổ bánh mì trước mặt, nhưng ổ bánh này lại bị những đốm xanh trắng như rêu bao quanh một phần của bánh. Bạn nghĩ điều này sẽ không ảnh hưởng gì nên bạn lấy dao cắt bỏ đi phần bị đốm và tiếp tục ăn. 

Nếu bạn là một trường hợp như thế này thì xin hãy dừng lại ngay còn kịp. Bởi lẽ việc bạn đang làm không phải là hấp thu chất dinh dưỡng, mà là hấp thu một loại chất độc rất có hại cho sức khỏe con người. Hãy cùng nhau tìm hiểu về nó qua bài viết này.

Loại chất độc đó là gì, đặc điểm như thế nào, và có nguồn gốc từ đâu?

Những đốm xanh trắng được nêu trên là nấm mốc, và chúng có mặt ở hầu hết mọi nơi, với rất nhiều chủng loài cùng kích thước, hình dạng, và màu sắc khác nhau chứ không riêng gì xanh trắng. Sự đa dạng về hình thái sinh học của nấm mốc còn phụ thuộc vào vật chủ mà chúng đang bám vào. Chẳng hạn như chủng nấm Phytophthora Infestans gây nên bệnh mốc sương trên cà chua và khoai tây. Trong khi mốc sương trên cà chua có màu nâu vẩn đục và lớp vỏ ngoài của cà chua bị nhũn nhưng không có bột phấn, mốc sương trên khoai tây lại mang màu trắng xám, nếu sờ vào sẽ có cảm giác giống như một lớp bột phấn bao quanh vỏ ngoài, và một số trường hợp có những vết đục nhỏ nâu sẫm ở gần những chỗ trắng xám đấy.

  

hình ảnh

Mốc sương trên khoai tây   

hình ảnh

Mốc sương trên cà chua 

Vi thuộc họ nấm nên nấm mốc phát tán các bào tử của chúng trong không khí và có mật độ rất dày đặc. Những bào tử này nhỏ tới nỗi mắt thường không thể nào thấy được nên việc tránh né chúng là không thể. Khi đã bám vào một bề mặt, nhất là trên những nơi có chất dinh dưỡng, chỉ cần nhiệt độ và độ ẩm phù hợp thì nấm mốc sẽ hình thành và phát triển. Môi trường sống của nấm mốc vì quá đa dạng nên mới sinh ra nhiều chủng mà ngay cả hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa thể biết hết được. Một số môi trường trên lương thực thực phẩm mà nấm mốc có thể sinh sống như các loại bánh (bánh mì, bánh chưng, bánh ngọt,...), mứt, gạo, đậu nành, hay các loại rau củ quả như khoai tây, cà chua, củ dền, bắp,....  

Nấm mốc còn sống được ở những môi trường khác ngoài thực phẩm như trên lá cây, thân gỗ, trần nhà, tầng hầm, bồn tắm, trên quần áo đang phơi,.... Một ví dụ điển hình là nấm mốc Stachybotrys chartarum được phát hiện ở trên các vách tường trong nhà gây nên những vệt đen trải dài. Lý do mà nấm mốc có thể ‘lan tỏa’ vào những khu vực trong nhà chủ yếu là do nguồn nước từ bên ngoài, chẳng hạn như mái nhà bị dột khi mưa xuống, lũ lụt tràn vào nhà, hoặc hệ thống ống nước trong tường bị rò rỉ.  

hình ảnh

Nấm mốc đen Stachybotrys chartarum

Nấm mốc ảnh hưởng đến cơ thể con người như thế nào?

Do nằm rải rác trong không khí nên con người rất dễ hít phải bào tử của nấm mốc, dẫn tới nhiều vấn đề về sức khỏe như dị ứng, ngứa ngáy, ho, hen suyễn, hắt hơi, nhức mắt, đau khớp,.... Nấm mốc cũng sản sinh ra mycotoxin, một loại chất độc thần kinh gây ra các chứng nhức đầu, kèm theo đó là sự suy giảm trong hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ mắc các bệnh khác. Tình trạng nhiễm độc mycotoxin kéo dài có thể gây tử vong. 

Một cách khác để nấm mốc có thể xâm nhập vào trực tiếp cơ thể con người là thông qua đồ ăn bị mốc. Các triệu chứng bao gồm nôn mửa, tiêu chảy, ngất xỉu,.... Khác với nấm mốc trong không khí, nấm mốc từ thức ăn có nguy cơ nhiễm cao hơn và cũng nguy hiểm hơn vì có chứa ochratoxin gây suy thận hay aflatoxin gây ung thư gan.

hình ảnh

Các cách ngăn ngừa nấm mốc

  • Luôn giữ nhà cửa thông thoáng, kiểm tra và xử lý những nơi bị dột, những thiết bị điện làm mát như tủ lạnh hay máy điều hòa, và nhà tắm có rò rỉ càng sớm càng tốt.
  • Khi giặt quần áo nên phơi ngay và nên phơi ở những nơi có nhiều ánh nắng Mặt Trời.
  • Baking soda, vỏ cam, vỏ chanh, nước chanh, giấm, hoặc vôi sống đều có tính sát khuẩn cao nên được sử dụng để loại bỏ những vết đục bám trên tường do nấm mốc gây ra.
  • Giữ gìn nhà bếp luôn khô ráo, nhất là ở những ngóc ngách.
  • Nên sử dụng các loại sơn cao cấp khi sơn tường vì những loại sơn này có thể chống nấm.
  • Bảo quản thực phẩm đã nấu chín trong tủ lạnh, còn thực phẩm khô nên để những nơi khô ráo, thoáng mát. Tránh để thực phẩm khô ở ngoài trời hay gần ô cửa sổ. Nếu thực phẩm bắt đầu có những dấu hiệu nấm mốc thì nên bỏ đi, vì chỉ cần một phần nhỏ bị mốc cũng có thể lây lan đến tất cả những phần còn lại trên thực phẩm đó và điều này xảy ra rất nhanh, có khi trong vài giây.