Chú ý tới chu kỳ kinh nguyệt và kỳ hành kinh có thể giúp bạn phát hiện sớm các triệu chứng của các vấn đề về sức khỏe, bao gồm cả các triệu chứng của vô sinh. Nhưng làm sao để bạn nhận ra được sự không bình thường nếu không biết chắc như thế nào mới là kinh nguyệt bình thường?




(Ảnh: Internet)



Không chỉ bạn mà nhiều phụ nữ khác cũng thật sự không chắc lắm về điều này. Việc chia sẻ với bạn bè không phải lúc nào cũng là hữu ích, bởi vì mỗi người có thể có chu kì kinh nguyệt bình thường theo nhiều kiểu nhau; và nhiều khi kể cả những người bạn thân nhất cũng không kể với nhau chuyện mình “bị” bao nhiêu ngày hay có đốm máu giữa chu kỳ kinh hay không.



Bạn nên nhớ rằng việc chu kỳ kinh có chút bất thường khi mới dậy thì là… điều bình thường, hay ở giai đoạn tiền mãn kinh cũng vậy. Ngoài những trường hợp đó, nếu chu kỳ của bạn thay đổi đột ngột, hãy nói chuyện với bác sỹ. Danh sách dưới đây sẽ nói về chuyện thế nào là bình thường với đại đa số phụ nữ, tuy nhiên mỗi người có thể mỗi khác, bạn cũng nên quan tâm đến tiêu chuẩn thế nào là “bình thường” của riêng mình.



Kỳ hành kinh ra máu bao nhiêu ngày là bình thường?



Phụ nữ trung bình có kinh nguyệt trong vòng 3-5 ngày, nhưng kéo dài 2 hay 7 cũng được xem là bình thường. Có kinh quá 7 ngày cũng là bình thường nếu sau đó bạn chỉ bị rất ít, nhưng nếu quá 7 ngày mà máu kinh vẫn chảy nhiều thì không còn là bình thường nữa.



Kỳ hành kinh ra bao nhiêu máu là bình thường?



Mặc dù trông như bạn mất rất nhiều nhưng thực tế số máu mất trong cả một kỳ kinh trung bình chỉ khoảng 2 thìa canh thôi. Lượng máu gấp 2-3 lần như thế, tức 4-6 thìa cũng được cho là bình thường. Việc xuất hiện cục máu nhỏ nhỏ trong 1-2 ngày đầu của kỳ hành kinh có thể được xem là bình thường. Tuy nhiên nếu bạn phải thay băng vệ sinh vào lúc nửa đêm hoặc ra cục máu quá lớn (kích thước bằng một quả bóng golf hoặc lớn hơn) thì không còn bình thường nữa.



Lượng kinh ra nhiều vào ngày đầu tiên trong kỳ hành kinh là hiện tượng bình thường, nhưng không thể nhiều đến mức bạn cứ phải thay băng vệ sinh sau mỗi giờ hoặc mỗi hai giờ. Nếu bạn thấy mình phải thay băng vệ sinh mỗi giờ trong 2-3 giờ liên tục, hãy gọi bác sĩ ngay lập tức.



Độ dài chu kỳ bao lâu là bình thường?



Độ dài chu kỳ kinh nguyệt trung bình - tính từ ngày đầu của kỳ kinh trước cho đến ngày đầu của kỳ kinh sau - là 28 ngày. Có một quan niệm sai lầm rằng chu kỳ ngắn hơn hoặc dài hơn 28 ngày đó là không bình thường, nhưng điều này là không đúng. Một chu kỳ ngắn chỉ 21 ngày hoặc kéo dài đến 35 ngày vẫn được coi là bình thường.




(Ảnh: Internet)



Độ dài chu kỳ dao động bao nhiêu là bình thường?



Sự dao động nhẹ, chẳng hạn nếu chu kỳ lần trước của bạn 28 ngày còn lần này 30 ngày được coi là bình thường. Tuy nhiên nếu khoảng dao động lớn, chẳng hạn chu kỳ của bạn có khi là 21 ngày có khi lại lên đến 35 ngày, thì là bất thường, và bạn đang bị kinh nguyệt không đều đó.



Đôi khi chu kỳ kinh nguyệt có thể bị đẩy lùi lại do căng thẳng hay bệnh tật, nếu chỉ bị một lần như vậy, bạn không cần phải quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu bạn bị trễ đến hơn 60 ngày mà không phải đang mang thai, hãy đi khám!



Xuất hiện đốm máu ở giữa chu kỳ thì có bình thường hay không?



Một số phụ nữ thấy có những đốm máu nhạt xuất hiện trong khoảng thời gian rụng trứng, tức khoảng giữa chu kỳ. Ngoài ra còn có một hiện tượng gọi là “xuất huyết làm tổ” có thể xuất hiện vào khoảng ngày thứ 7 sau khi rụng trứng, do phôi thai bám vào niêm mạc tử cung - đây cũng là hiện tượng bình thường, tuy rằng không phải tất cả phụ nữ đều gặp qua.



Tuy nhiên nếu bạn bị chảy máu nhiều ở giữa chu kỳ, hoặc các đốm máu xuất hiện hầu như trong suốt chu kỳ, điều đó được coi là không bình thường.



Những triệu chứng nào là bình thường trong kỳ hành kinh?



Những triệu chứng kinh nguyệt bình thường bao gồm:


Thèm ăn;


Tâm trạng nhạy cảm, dễ thay đổi;


Dễ nổi cáu;


Đau bụng nhẹ (đặc biệt là ngày trước khi hành kinh và vài ngày đầu tiên của kỳ kinh)


Đau đầu nhẹ


Bị mụn trứng cá nhiều hơn;


Có cảm giác căng ở ngực


Khó ngủ


Đầy hơi


Lưu ý là thay đổi tâm trạng nhẹ là bình thường, nhưng trầm cảm nghiêm trọng hoặc trạng thái hưng cảm là không bình thường. Dễ xúc động là bình thường nhưng khóc suốt cả ngày mà không có lý do là không bình thường. Đau đầu nhẹ là bình thường, nhưng bạn nên nói chuyện với bác sĩ nếu thường bị đau nửa đầu trước kỳ hành kinh. Thèm ăn là rất bình thường, nhưng thèm những thứ không phải thực phẩm như đá, cát... là không bình thường.




(Ảnh: Internet)



Co rút, đau bụng như thế nào là bình thường?



Tình trạng đau, đặc biệt là ngày trước và ngày đầu hành kinh, là bình thường. Nhưng nếu bạn đau đến mức phải nghỉ làm thì không còn bình thường nữa. Và việc bị đau quặn ở những thời điểm không phải trong kỳ hành kinh cũng là không bình thường.



Tình trạng đau vùng chậu nghiêm trọng có thể là triệu chứng của viêm màng tử cung, viêm vùng chậu, hoặc một vấn đề bệnh lý nào khác cần chú ý.



Giai đoạn hoàng thể thế nào thì được xem là bình thường?



Giai đoạn hoàng thể là khoảng thời gian giữa ngày rụng trứng và ngày đầu tiên của kỳ hành kinh, bạn có thể biết độ dài giai đoạn này bằng cách theo dõi sự rụng trứng. Giai đoạn hoàng thể trung bình kéo dài 12 đến 14 ngày; 10 hay 16 ngày cũng được coi là bình thường, nhưng nếu ít hơn 10 ngày thì cần nói với bác sĩ.



Các chuyên gia vẫn đang tranh cãi liệu giai đoạn hoàng thể chỉ ngắn 10-11 ngày thì có phải là một vấn đề gì hay không nhưng nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc mang thai thì nên đề cập điều này với bác sĩ.



Mùi âm đạo thế nào là bình thường?



Chúng ta thường cho rằng mùi âm đạo là một dấu hiệu của nhiễm trùng, nhưng trên thực tế, có một chút mùi vẫn được coi là bình thường. Trong kỳ hành kinh, bạn có thể nhận thấy mùi như mùi máu; còn vào giữa chu kỳ, nếu bạn thấy có mùi như mùi xạ hương nhẹ thì cũng là bình thường.



Tình trạng bất thường xảy ra là khi bạn thấy mùi tanh, nồng, đó có thể là dấu hiệu chứng tỏ bạn bị nhiễm trùng cần được khám chữa, đặc biệt nếu bạn còn đang bị ngứa, sốt, hoặc các triệu chứng khác. Mặc dù có thể bạn cảm thấy xấu hổ về chuyện mùi hôi âm đạo nhưng cần phải nói với bác sĩ thay vì cố gắng che đậy bằng chất khử mùi âm đạo. Một số bệnh nhiễm trùng âm đạo có thể ảnh hưởng đến việc mang thai. Và nhiều, nếu không muốn nói là tất cả, những chất khử mùi âm đạo đều có thể ảnh hưởng đến chất nhầy ở cổ tử cung (mà bạn cần có để mang thai).