Mới đây người dùng trên các mạng xã hội xôn xao truyền nhau cảnh báo chuyện một cậu bé tử vong vì trúng độc sau khi được mẹ cho uống sữa đậu nành tự nấu tại nhà.
(Ảnh: Internet)
Theo đó, người mẹ vì nghe nói sữa đậu nành có giá trị dinh dưỡng cao nên mua đậu và cối xay về để làm cho cả nhà cùng uống. Vào buổi sáng định mệnh, chị đã cho con mình một cốc sữa mới đun, và còn chuẩn bị thêm cả một bình nữa để cậu bé uống dần. Nhưng sau khi đến trường, bé có những triệu chứng như buồn nôn, nôn, khó thở… khi đưa đến bệnh viện thì không còn cứu được nữa do trúng độc quá nặng. Sau khi tiến hành điều tra, người ta phát hiện nguyên nhân tử vong của cậu bé đáng thương nọ là do sữa đậu nành tự nấu chín không đúng cách!
Câu chuyện này xuất phát từ Trung Quốc nhưng cũng khiến rất nhiều chị em nội trợ ở Việt Nam lo lắng, vì sữa đậu nành thật sự là loại thức uống phổ biến, và việc tự nấu sữa ở nhà cũng không phải chuyện gì xa lạ, nhất là trong thời buổi vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm đáng báo động như hiện nay. Mọi người đều muốn biết chuyện này rốt cuộc là sao, vì thực tế rất nhiều người vẫn đang uống sữa đậu nành tự nấu mà không gặp vấn đề gì? Cách nấu của chúng ta may mắn đã đúng, hay thật sự cũng đang sai và chỉ là “thời điểm” chưa đến?
Các chuyên gia cho hay điểm mấu chốt trong chuyện này là hiện tượng giả sôi của sữa đậu nành.Trong đậu nành có một chất gọi là saponin, khi tích tụ trong cơ thể sẽ gây tan máu, kích thích niêm mạc dạ dày, gây nôn mửa, đầy bụng, chóng mặt, mất nước nghiêm trọng, mất cân bằng điện giải và có thể dẫn đến tử vong. Tuy nhiên khi sữa được nấu đúng cách, đun sôi ở nhiệt độ cao thì độc tính saponin sẽ biến mất, không còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người, thậm chí còn giúp đánh tan mệt mỏi, chống lão hóa, giảm cholesterol, chống ung thư... Vấn đề nằm ở chỗ chất saponin đó khi hòa tan vào nước sẽ tạo ra nhiều bọt, số bọt này có thể khiến nhiều người tưởng nhầm rằng sữa đã chín, sôi trong khi thật ra nhiệt độ vẫn chưa đủ đến mức hóa giải độc tố. Và hành động tắt bếp khi này rõ ràng là để độc lại cho người.
Nói vậy để thấy, bạn đừng vì nghe nói đến tai nạn mà vội vàng kỳ thị sữa đậu nành tự nấu, nhất là khi tai nạn đó xảy ra do những thao tác không đúng cách. Hãy tiếp tục dùng sữa đậu nành tự nấu vì lợi ích sức khỏe của mình, chỉ cần bảo đảm khi đun sữa thì đun sôi hẳn (bạn có thể dùng nhiệt kế làm bếp để kiểm tra), sau đó vặn nhỏ bếp để thêm 5-10 phút nữa; hoặc có một cách khác tiện hơn đó là bạn chọn dùng máy làm sữa đậu nành chuyên dụng.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên lưu ý một số điểm quan trọng khác khi dùng sữa đậu nành như:
Không dùng sữa đậu nành với trứng, vì sự kết hợp này sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng;
Không uống quá 500ml sữa đậu nành/ngày kẻo sẽ dẫn đến tình trạng khó hấp thu, khó tiêu;
Không uống sữa đậu nành khi đói vì như vậy sẽ không tiếp nhận được dinh dưỡng từ đậu nành;
Những người thể chất kém, thường mệt mỏi, thận hư, bị bệnh Gút... cũng không nên dùng sữa đậu nành.