Thời gian qua, cơn sốt “thần dược” nở ngày đất tiếp tục được nhiều người dân tại TP HCM săn lùng. Hiện vẫn chưa có tài liệu nào nói về việc dùng cây nở ngày đất chữa bệnh gút và đái tháo đường. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây của Viện Y dược học dân tộc TP HCM cho thấy, hàng loạt chuột chết ngay sau khi uống nước từ loại cây này.



Chuột chết ngay sau khi tăng liều lượng
Vài tháng trở lại đây, trên nhiều tuyến đường tại TP HCM xuất hiện tràn lan xe đẩy bán cây nở ngày đất với tấm bảng : “Cây nở ngày đất chữa khỏi bệnh gút và tiểu đường”. Trước những công dụng chữa bệnh được người bán đưa ra, nhiều người dân truyền tai nhau và tiếp tục săn lùng loại cây này để chữa bệnh. Nhưng nghiên cứu mới đây của Viện Y dược học dân tộc TP HCM khi thực nghiệm trên loại chuột nhắt trắng, kết quả bất ngờ khi hàng loạt chuột lăn ra chết sau khi uống thuốc sắc từ loại cây này.


Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Thị Đăng Dung, thành viên trong nhóm nghiên cứu thử nghiệm cây nở ngày đất cho biết: “Chúng tôi đã sử dụng loại cây nở ngày đất được rao bán từ các xe đẩy trên đường phố. Đó là loại cây có hoa màu trắng, thân và lá màu xanh. Thông thường, dân gian dùng nó để sắc uống với liều lượng khoảng 200g/ngày đối với cây tươi và 100g/ngày đối với loại cây khô”. Bác sĩ nhấn mạnh, sở dĩ thí nghiệm này được ứng dụng trên loài chuột nhắt trắng, vì đây là loại động vật nhạy cảm có quá trình chuyển hóa gần giống với người.


Khi tiến hành thí nghiệm, đối tượng là loài chuột nhắt trắng được chia ra làm hai nhóm. Một nhóm uống nước sắc từ cây nở ngày đất dạng tươi và một loại uống nước dạng cây khô. “Lúc đầu, nhóm nghiên cứu thử liều lượng gấp 10 lần so với liều thông dụng thì hàng loạt chuột đều chết nhanh chóng. Sau đó, hạ liều thử nghiệm xuống còn gấp 6 liều thông thường thì hàng loạt chuột thí nghiệm xảy ra tình trạng co giật và chết sau 30-45 phút. Kết quả nghiên cứu này cho thấy, cây nở ngày đất có độc tính chứ không vô hại”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu, Phó Trưởng khoa Thực nghiệm tại Viện cho biết.


Trên thế giới, có nhiều nghiên cứu trên cây nở ngày đất cho rằng trong cây nở ngày đất có chất aurantinamid, loại chất có tính kháng khuẩn với Ecoli, Pseudomonas aeroginosa, Staphylococcus aureus nhưng chưa thấy chiết ra dùng trong lâm sàng. Theo Th.s Diệu, nghiên cứu của Viện Y dược học dân tộc được thực hiện nhằm xác định độc tính cấp của cây nở ngày đất. Từ đó có thể đánh giá được độ an toàn của thuốc và đưa ra chỉ số điều trị thích hợp. Và trước khi đưa ra liều dùng phù hợp trên cơ thể con người cần được tiến hành qua các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng.



Cây nở ngày đất được bán tràn lan trên đường phố.



Nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe
Cây nở ngày đất (tên gọi khác cây cúc bách nhật đất), là loại cây mọc hoang nhiều ở những vùng đất khô cằn. Thân cao khoảng 25cm, lúc còn non có lông, khi già sẽ mất hết lông nhẵn, thân phân nhiều nhánh. Lá có cuống ngắn, mọc đối, phiến lá hình bầu dục hẹp, dài 2 - 6cm, rộng khoảng 2cm, mặt dưới lá có đầy lông. Cụm hoa là bông hình trụ mang nhiều hoa nhỏ, màu trắng. Hoa có 5 lá đài, 5 nhị, dính thành ống, bầu hình trứng. Ngoài ra, còn có cây cúc bách nhật, tên khoa học Gompherena globosa L cũng thuộc họ Rau dền Amaranthaceae, rất gần gũi với cây cúc bách nhật đất. Khác ở chỗ: Cúc bách nhật thường có thân cao khoảng 50cm, phía trên có phân nhánh, nhánh có hình hơi vuông, hoa có màu tím nhạt, hay đỏ tím, thường được trồng làm cảnh.


Theo ghi nhận của PV, hiện nay trên nhiều tuyến đường TP HCM, nhiều người người không ngần ngại cam đoan với người mua, chỉ cần uống một tháng nước sắc từ cây nở ngày đất thì sẽ chữa lành bệnh gút và bệnh tiểu đường. Với mong muốn chữa khỏi bệnh, người dân đã đổ xô đi tìm mua vị thuốc này về uống. Ngày càng có nhiều xe đẩy bán loại cây này tràn về TP HCM. Cây đưa ra thị trường cũng được người bán chia làm hai loại với giá khác nhau: 80.000-100.000 đồng/kg cây tươi, 180.000-200.000 đồng/kg với cây khô.


Các tài liệu y học truyền thống trên thế giới, cũng như Đông y Việt Nam không thấy nói về tác dụng chữa bệnh gút và tiểu đường của cây nở ngày đất. Theo dân gian, loài cây này được dùng để chữa các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp, một số bệnh nhiễm khuẩn khác; riêng rễ còn dùng trị cảm cúm, ho. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra rằng loài cây này chứa những độc tố ảnh hưởng tới gia súc và người. Nếu người ăn nhiều sẽ có dấu hiệu ngộ độc thường là run cơ, choáng váng, mất phương hướng nhận định, trầm cảm, sợ ánh sáng và dễ tử vong.


Theo cảnh báo của nhiều bác sĩ chuyên môn, khi mắc bệnh tiểu đường người bệnh không nên tự ý mua cây nở ngày đất về sử dụng. Bởi chưa ai chứng minh được trong cây nở ngày đất chứa chất gì có thể giúp khỏi hẳn bệnh tiểu đường. Ngược lại, nếu sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn, có thể dẫn đến những hội chứng như tăng huyết áp, dễ bị tiêu chảy, hư hàn, lâu dài ảnh hưởng đến gan, phổi… Tương tự với bệnh gút, nếu người dùng dùng không đúng liều lượng có thể nguy hại đến sức khỏe, vì chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về tác dụng của cây nở ngày đất. Tất cả chỉ dừng ở tin đồn và truyền miệng trong dân gian.


Theo bác sĩ Nguyễn Thị Diệu, với nguyên tắc “dùng đúng cây cỏ chữa đúng bệnh”, nếu loài cây có độc nhưng có tác dụng điều trị thì bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh dùng thuốc với hàm lượng không gây độc, nên và không nên dùng bộ phận nào của cây hay dùng nguyên cây. “Cây chưa được nghiên cứu về độc tính, tác dụng dược lý lâm sàng, chỉ định điều trị đối với hai loại bệnh tiểu đường và gút. Do đó, người bệnh không nên dùng cây cỏ chữa bệnh theo kiểu đồn thổi, bịa đặt. Việc dùng cây này khi chưa xác định được liều lượng, sự tương tác với các thuốc khác… có thể xảy ra tai biến”, bác sĩ Diệu cho biết.


Khôi Nguyên


Theo
http://phapluatxahoi.vn/doi-song/canh-giac-voi-loai-cay-chua-doc-to-gay-chet-chuot-thi-nghiem-dang-duoc-san-lung-lam-thuoc-108123