Đi du lịch, khám phá những vùng đất mới sẽ làm cuộc sống vui vẻ và tràn đầy màu sắc hơn, tuy nhiên sinh hoạt thường ngày của bạn có thể bị đảo lộn chẳng hạn như ăn không đúng bữa, thức ăn không hợp khẩu vị, hoạt động thể nhất nhiều hơn hoặc thậm chí lệch múi giờ. Những điều này đều có thể gây khó khăn cho việc quản lý tiểu đường của bạn. Do đó, hãy chuẩn bị thật kĩ càng để có những giây phút vui chơi hết mình mà không phải âu lo nhé!
Trước chuyến đi
- Liệu các kế hoạch du lịch bạn chuẩn bị có ảnh hưởng đến bệnh tiểu đường hay không (ví dụ như đi tắm biển, leo núi) và cần phải chuẩn bị trước những gì?
- Liệu bạn có cần phải thay đổi liều insulin khi đến một địa điểm có chênh lệch múi giờ hay không?
- Nhờ bác sĩ kê đơn trước để bạn có thể mua ngay tại địa điểm du lịch phòng trừ trường hợp làm mất hoặc hết trước khi quay về.
- Bạn có cần phải tiêm vắc-xin gì hay không?
- Một cuốn sổ y tế hoặc giấy viết tay từ bác sĩ ghi lại rõ bệnh trạng tiểu đường cũng như lý do bạn cần mang theo những dụng cụ y tế và thuốc điều trị khác nhau. Điều này sẽ rất có ích khi bạn cần tới sự trợ giúp của các cơ quan chức năng hay bệnh viện tại nơi bạn du lich.
2. Tra cứu và nắm rõ các cơ sở y tế và hiệu thuốc quanh nơi bạn sẽ ở.
3. Chuẩn bị một chiếc vòng tay y tế (Medical ID Bracelet) khắc tên bệnh trạng tiểu đường của bạn và các tình trạng sức khỏe khác nếu có để đề phòng trường hợp khẩn cấp.
4. Hãy mua bảo hiểm du lịch phòng khi bạn lỡ chuyến bay hoặc cần sự trợ giúp y tế.
5. Liên hệ với hãng hàng không để đặt đồ ăn phù hợp với chế độ ăn uống cho người tiểu đường hoặc bạn tự chuẩn bị đồ ăn trước khi lên máy bay nếu cần.
6. Chuẩn bị hành lý:
- Bỏ tất cả những dụng cụ và thuốc điều trị tiểu đường cần thiết vào hành lý xách tay. Insulin có thể bị lạnh quá mức cho phép trong hành lý kí gửi, nên hãy chuẩn bị một chiếc túi nhỏ đựng insulin, viên glucose và đồ ăn nhẹ để xách tay lên máy bay.
- Mang gấp đôi số thuốc điều trị mà bạn cần và tốt nhất là để nguyên chúng trong hộp ban đầu. Ngoài ra, bạn cũng có thể bỏ thuốc vào những chiếc túi nhựa zip trong suốt nếu cần, nhưng nhớ để riêng từng loại thuốc và ghi nhãn cẩn thận để tránh nhầm lẫn.
- Mang theo những đồ ăn vặt có lợi cho sức khỏe như hoa quả, rau củ tươi, và các loại hạt, ngũ cốc.
7. Kiểm tra tại cổng an ninh sân bay:
Máy đo đường huyết liên tục và máy bơm insulin có thể bị hỏng hóc nếu đi qua máy soi chiếu hành lý X-Ray. Hãy hỏi nhân viên an ninh để được kiểm tra bằng tay thay vì đi qua máy quét an ninh nếu bạn đang đeo chúng trên người.
8. Đọc thêm các bài viết về quản lý tiểu đường hiệu quả tại đây.
Trong thời gian di chuyển giữa các địa điểm
9. Nếu bạn lái xe, hãy bỏ đồ ăn và thật nhiều nước uống vào thùng bảo quản mát nếu có thể.
10. Bảo quản insulin và các thuốc điều trị tiểu đường tại nơi khô ráo thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp từ mặt trời, hoặc bỏ chúng vào thùng giữ mát nếu có thể. Tuyệt đối không đặt thuốc trực tiếp trên túi đá lạnh.
11. Nắng nóng có thể làm hỏng máy đo đường huyết, máy bơm insulin và các loại dụng cụ y tế khác như que test đường huyết và bơm tiêm insulin. Đừng để những thứ này này trong xe ô tô nóng máy, cạnh bể bơi, ngoài bãi biển hoặc trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời.
12. Các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe được bày bán rất nhiều trong sân bay, bến tàu, hoặc các trạm nghỉ trên đường cao tốc.
- Hoa quả, các loại hạt ví dụ hạt dẻ, hạt điều,...
- Bánh mỳ
- Sữa chua
- Trứng luộc hoặc trứng rán
- Tránh ăn các loại đồ khô nhiều đường
13. Dù di chuyển bằng ô tô, tàu hay máy bay thì vẫn nên đứng lên và đi lại tầm 1-2 tiếng để tránh đông máu (người mắc bệnh tiểu đường dễ bị hình thành các cục máu đông trong lòng mạch hơn người bình thường).
14. Hẹn giờ trên điện thoại để uống thuốc đúng giờ khi đang di chuyển, đặc biệt là có sự thay đổi múi giờ.
Khi tới địa điểm du lịch
15. Chỉ số đường huyết của bạn có thể thay đổi thất thường trong thời gian đầu khi tới một địa điểm mới, nhưng cơ thể bạn sẽ dần thích nghi sau vài ngày. Hãy đo đường huyết thường xuyên và có những phương pháp điều trị thích hợp kể cả khi tăng cao hay khi hạ thấp. Vậy nên chủ động hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên môn trước chuyến đi cho những trường hợp này.
16. Nếu bạn phải hoạt động thể chất nhiều hơn bình thường thì phải kiểm tra lường đường máu trước, sau và trong khi vận động; và thay đổi lượng đồ ăn và liều dùng insulin nếu cần thiết.
17. Một trong những điều được trông đợi trong một chuyến du lịch chắc chắn là đồ ăn. Nhưng bạn nên tránh xa những bữa buffet nặng hay những món ăn không phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình. Thay vào đó, bạn nên tìm hiểu những món ăn phù hợp và gọi riêng tại khách sạn, nhà hàng mà bạn chọn.
18. Đừng hoạt động thể chất quá mức chịu đựng dưới cái nắng nóng quá lâu. Đặc biệt tránh để cháy nắng và tránh đi chân trần kể cả trên cát.
19. Nhiệt độ cao sẽ ảnh hưởng đến cách cơ thể bạn sử dụng insulin. Vì vậy, bạn có thể sẽ phải kiểm tra đường huyết thường xuyên hơn, thay đổi liều insulin phù hợp và cả khẩu phần ăn uống nữa.
20. Bạn có thể sẽ không tìm thấy mọi thứ mà bạn cần cho bệnh tiểu đường của mình khi không ở nhà. Đặc biệt nếu đi du lịch tại một quốc gia khác, bạn nên học một vài câu nói ngắn cần thiết bằng ngôn ngữ địa phương ví dụ như “Nhà thuốc gần nhất đi đường nào?”. Đồng thời, bạn cũng có thể sử dụng các công cụ dịch có sẵn trên smartphone.
21. Trong trường hợp bạn phải test thử đường huyết ở bên ngoài, hãy nhớ mang giấy ướt sát khuẩn, bông tẩm cồn để lau sạch tay trước khi kiểm tra.
Bệnh tiểu đường có thể khiến cuộc sống sinh hoạt thường ngày và khi đi du lịch của bạn có thêm đôi chút khó khăn, nhưng không có nghĩa bạn không thể tận hưởng những chuyến đi du lịch thú vị cùng bạn bè và gia đình. Càng chuẩn bị kĩ càng, bạn càng có thể thoải mái tận hưởng chuyến đi!