4 việc mẹ càng lười càng giúp con ngoan ngoãn, tư duy nhanh nhẹn, học 1 hiểu 10
Có những việc bố mẹ nên để con tự làm sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn cả nhân cách lẫn trí thông minh.
Trong quá trình nuôi dạy con cái, ngoài việc mong muốn con luôn khỏe mạnh mỗi ngày, hầu hết cha mẹ nào cũng hi vọng con sẽ trở thành một người có đạo đức tốt, có một tươi lai tươi sáng. Nhưng cũng có người chỉ mong con khỏe mạnh mỗi ngày là đủ. Thực tế, để đáp ứng cả 2 yêu cầu trên hoàn toàn không khó. Mỗi ngày, cha mẹ lười làm những việc dưới đây là cách dễ nhất để dạy con trở thành một đứa trẻ ngoan, phát triển tốt về cả mọi mặt thể chất và trí não.
Thứ nhất: Lười “kè kè” bên con
Tâm lý của cha mẹ Việt thường hay lo lắng về sự an toàn của con, bất kỳ con ở đâu thì cha mẹ luôn phải đi theo giám sát. Chính kiểu nuôi con thế này mà đứa trẻ mãi chẳng thể thích nghi tốt với môi trường khác ngoài gia đình, khi gặp thất bại trong cuộc sống cũng khó mà vượt qua. Nhìn những trẻ em ở Nhật, cha mẹ Việt sẽ vô cùng ngạc nhiên về khả năng thích nghi tốt với tự nhiên bởi vì ngay từ nhỏ chúng đã được tạo điều kiện vui chơi ngoài trời, thậm chí là tự mình đi bộ đến trường. Chính vì vậy, hãy để con tự do trải nghiệm với thiên nhiên, đây cũng là cách giúp trẻ tự học được nhiều kỹ năng sống mà nếu như mãi ở trong vòng tay của cha mẹ sẽ không bao giờ biết được. Cha mẹ nên lười việc "kè kè" bên con, hãy để con tự do trải nghiệm trong tầm kiểm soát của mình là được nhé!
Thứ hai: Lười làm việc nhà
Nói về khả năng tự lập phải kể đến trẻ em Nhật. Bởi vì ngay từ năm 2 tuổi, các bé đã được bố mẹ cho làm những việc nhỏ vừa sức của mình như xếp chăn sau khi ngủ dậy, tự đánh răng, thậm chí là quét nhà hoặc rửa bát,... Không chỉ dạy con tự lập mà thông qua đó có thể dạy con cách quản lý thời gian, biết trân trọng sức lao động. Trong khi cha mẹ Việt lại thích làm mọi việc cho con, cũng chính vì thói quen bảo bọc mà kỹ năng sống của con rất ít. Vậy nên, phương pháp dạy con tốt nhất là cha mẹ nên lười làm những việc này lại, để trẻ tự làm những công việc nhà vừa sức của con, tùy theo từng độ tuổi cha mẹ sẽ chia công việc cho bé.
Thứ ba: Lười nuông chiều con
Các bé thường hay có thói quen ăn vạ khi muốn có cái gì đó, khi đó thay vì phớt lờ tiếng khóc của con hoặc cho con biết con cần làm gì để có được điều con muốn thì cha mẹ lại đáp ứng ngay nhu cầu của trẻ, thậm chí cho dù đó là đòi hỏi vô lý. Chính vì cha mẹ dễ mũi lòng nên các bé “quen” với cách ăn vạ của mình và tiếng khóc sẽ trở thành một “công cụ” đắc lực thay vì dùng ngôn từ để diễn đạt điều con muốn. Cách xử trí này của cha mẹ cũng xuất phát từ tâm lý quá cưng, chiều con nhưng thực tế đây là cách yêu thương tai hại. Bởi vì một khi đã quen với việc có được điều chúng muốn, trẻ lớn lên rất khó bảo, lì lợm. Do vậy, trong mọi trường hợp, cha mẹ nên “lười” nuông chiều con. Nếu con có ăn vạ, cha mẹ nên bình tĩnh giải thích cho con hiểu đâu là đòi hỏi vô lý sẽ không được đáp ứng.
Thứ tư: Lười ra mặt giúp con
Trong suốt quá trình phát triển của một đứa trẻ sẽ có những cột mốc rất đáng nhớ và quan trọng. Ở mỗi giai đoạn phát triển của bé sẽ thật tuyệt vời nếu có sự đồng hành của cha mẹ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bất kỳ trường hợp nào cũng nên có mặt của cha mẹ. Thế nhưng, nhiều cha mẹ ngày nay thường can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con khiến con chẳng có chút tự do nào. Năm con 1 tuổi, con chập chững những bước đi đầu tiên, con té đau rồi con khóc. Lẽ ra khi đó, con nên học được bài học đầu tiên trong cuộc đời là biết tự đứng dậy khi vấp ngã nhưng cha mẹ đã không dạy con điều đó. Cha mẹ lại xót lòng mà chạy đến ôm lấy con. Rồi khi con lớn hơn, đến độ tuổi đi học, con gặp bài tập khó giải, thay vì để con tự tìm cách giải quyết, cha mẹ sẽ sẵn sàng nhảy vào giúp con ngay. Khi con gặp thất bại trong cuộc sống, cha mẹ sẽ chủ động giải quyết giúp con. Tưởng là giúp để con vượt qua khó khăn nhưng bố mẹ không biết rằng chính sự can thiệp này đã “giết” đi sự tự do, khả năng sáng tạo, tư duy cũng như kỹ năng xử lý khi gặp vấn đề. Khi lớn lên, con sẽ quen với thói dựa dẫm, có người lớn giúp đỡ. Thử hỏi, một đứa trẻ như thế liệu có dễ thành công???