3 điều mẹ chồng không nên làm khi con dâu sinh để tránh mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu
Mối quan hệ mẹ chồng và nàng dâu có thể bị ảnh hưởng ít nhiều từ những hành động sau của mẹ chồng trong quá trình nàng dâu sinh con.
Người ta hay bảo rằng con dâu thế nào là do cách cư xử của mẹ chồng. Có lẽ điều này đúng với hầu hết các gia đình hiện nay. Tuy nhiên đâu đó vẫn còn tồn tại những kiểu nàng dâu ương bướng, chẳng coi trọng mẹ chồng. Dù thế nào đi nữa, một tổ ấm thuận hòa, con cái hạnh phúc thì không thể không xét đến mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu. Suy cho cùng, mối quan hệ này rất nhạy cảm, không phải cặp mẹ chồng nào cũng có thể dung hòa. Nếu đã không thể dung hòa thì ít nhất đừng đẩy mối quan hệ ấy trở nên căng thẳng, trở thành ngòi nổ cho những xung đột trong gia đình. Nếu muốn không làm xấu đi mối quan hệ này, khi nàng dâu sinh con, mẹ chồng không nên làm những điều dưới đây.
Con dâu muốn sinh mổ, mẹ chồng khăng khăng sinh thường và không ký giấy sinh mổ
Người lớn thì luôn cho rằng sinh thường sẽ tốt cho đứa trẻ và trước giờ những người cùng thế hệ với họ cũng được ra đời bằng cách này. Với họ, sinh thường không có gì đau khổ cả. Hơn nữa, chi phí sinh thường cũng rẻ hơn so với sinh mổ lại dễ nuôi con bằng sữa mẹ. Nhưng tất chỉ được xem xét từ quan điểm riêng của họ. Trong khi để chỉ định sinh thường hay sinh mổ phải do bác sĩ sau khi đã thăm khám và xem xét thể trạng, sức khỏe của người mẹ và em bé.
Nếu mẹ chồng khăng khăng bắt con dâu sinh thường ngay cả khi bác sĩ nhấn mạnh sự cần thiết của việc sinh mổ để tránh nguy hiểm cho em bé, điều đó chắc chắn sẽ khiến người mẹ cảm thấy rất khó chịu và bị tổn thương vì nghĩ rằng mẹ chồng không coi trọng mình.
Rốt cuộc là tại sao? Người ta bảo phụ nữ đi sinh như đặt một chân vào cửa tử. Mức độ đau đớn khi sinh thực sự rất khủng khiếp. Người mẹ có quyền lựa chọn phương pháp sinh con. Việc mẹ chồng khăng khăng bắt con dâu sinh thường theo quan điểm riêng của mình mà bỏ qua cảm xúc của người mẹ, không tránh khỏi việc người mẹ nghĩ rằng mẹ chồng rất ích kỷ.
Cho dù là quá trình chuyển dạ bình thường nhưng nếu trong quá trình đó người mẹ sợ đau đớn và muốn sinh mổ, người nhà cũng đừng ngần ngại chấp thuận ký vào giấy sinh mổ.
Hỏi bé về giới tính của em bé
Cảnh tượng này rất thường gặp ở các phòng sinh. Sau ca vượt cạn đầy đau đớn và nước mắt, chỉ có bố mẹ ruột ở bên cạnh. Trong khi, chồng và bố mẹ chồng chỉ túm tụm lại xem mặt đứa trẻ. Câu đầu tiên mà họ hỏi là "Con trai hay con gái". Khi nghe tin là con trai, mẹ chồng mừng rỡ cầm tay con dâu vuốt ve "Con đã vất vả rồi", sau đó không còn quan tâm gì đến người mẹ.
Thành thật mà nói, khi người mẹ sinh con, bố mẹ chồng muốn biết giới tính của cháu là điều dễ hiểu. Tuy nhiên đừng bắt đầu bằng câu hỏi về giới tính của đứa trẻ mà bỏ mặc cảm xúc người mẹ. Điều đó khiến mẹ cảm thấy tủi thân. Thay vào đó, mẹ chồng nên bắt đầu hỏi han con dâu trước:"Bây giờ con cảm thấy thế nào?" "Con còn đau không?" Chỉ đơn gian như thế nhưng cho thấy mẹ chồng quan tâm nàng dâu và người mẹ cũng cảm thấy mình đã được coi trọng và không còn mặc cảm "Tôi chỉ là cái máy sinh của gia đình". Bằng những hành động hỏi han, quan tâm như vậy tại phòng sinh, gia đình sẽ hòa thuận hơn.
Gia đình chồng vây kín trong phòng hồi sức để xem đứa trẻ khiến người mẹ khó thở
Sau sinh, người mẹ được đẩy qua phòng hồi sức. Đây là nơi để các mẹ nghỉ ngơi, tuy nhiên có nhiều trường hợp gia đình chồng vây kín trong phòng hồi sức để xem đứa trẻ sơ sinh khiến người mẹ cảm thấy rất ngột ngạt. Thậm chí y tá cũng phải hét lên yêu cầu người nhà phải ra ngoài bớt để người mẹ được nghỉ ngơi. Trong khi người mẹ vừa vật lộn vượt qua cánh cửa "sinh tử", lúc này cơ thể họ rất yếu, trái tim cũng dễ bị tổn thương nhất. Nếu chứng kiến phải cảnh tượng thế ấy thì thật khó để mà không buồn.
Trên đây chính là 3 tình huống có thể khiến mối quan hệ mẹ chồng và nàng dâu ngày càng xấu đi. Không chỉ có những vấn đề xảy ra khi người mẹ sinh con mà trong cuộc sống cũng có vô vàn những vấn đề nảy sinh, đặc biệt là sau khi đứa trẻ chào đời mâu thuẫn mẹ chồng và nàng dâu lại bị đẩy lên cao vì sự bất đồng trong quan điểm nuôi trẻ cũng rất thường gặp.
Để gia đình êm ấm thuận hòa, con dâu phải biết yêu thương mẹ chồng như mẹ ruột và ngược lại, mẹ chồng cũng phải đối xử con dâu như con cái trong nhà. Sự đối đãi dành cho nhau là chân thành, xuất phát từ trái tim, không phải là những hành động giả vờ thể hiện ra bên ngoài cho mọi người thấy.