10 điều khiến thai nhi sợ hãi, khó chịu khi còn trong bụng, thương con mẹ nhớ lấy!
Trong suốt thai kỳ, em bé cảm thấy khó chịu, không thoải mái, thậm chí là sợ hãi chỉ vì những hành động vô ý của mẹ.
Khi biết tin mình có thai, bên cạnh những lo lắng về sự an toàn của con yêu, mẹ chẳng thể giấu nỗi niềm hạnh phúc trào dâng. Mẹ mong ngóng từng ngày để được gặp mặt con, chuẩn bị chu đáo mọi thứ nhất khi đứa bé chào đời. Tuy nhiên, một số hành động của mẹ tưởng vô hại lại có thể khiến bé yêu không cảm thấy thoải mái.
Mẹ có thể trò chuyện, cảm nhận những cú chuyển động của thai nhi trong bụng để biết em bé thích hoặc không thích. Không chỉ về phía mẹ, em bé trong bụng vẫn có thể giao tiếp với mẹ khi nếm thức ăn mẹ ăn, nhìn thấy ánh sáng mẹ nhìn thấy hoặc cảm nhận được những tác động bên ngoài, thậm chí là có thế yêu, ghét những thứ mà mẹ làm. Dưới đây là 10 điều trong thai kỳ mà thai nhi ghét nhất, mẹ cân nhắc nhé!
1. Mẹ cười sặc sụa
Mẹ bầu hạnh phúc, em bé trong bụng hạnh phúc, lớn nhanh và trí não cũng phát triển hơn. Thế nhưng, nếu mẹ cười quá to, cười sặc sụa khôn ngừng thì nó có thể tác động đến vùng bụng và khiến thai nhi cảm thấy khó chịu. Cảm giác của thai nhi những lúc như thế này cũng giống như đang nổi trong một túi chất lỏng và được ném lên, dập xuống như một chiếc lò xo. Vì thế, khi cười mẹ nên đưa tay giữ bụng hoặc kiểm soát cảm xúc của bản thân, tránh cười đến mức sặc sụa để không gây ảnh hưởng thai nhi mẹ nhé!
2. Xoa bụng quá mạnh
Thật thích thú khi mẹ ghẹo bé bằng những cái chạm nhẹ hay những cái xoa bụng âu yếm, nhất là trong 3 tháng cuối, khi mẹ được lắng nghe rõ ràng những chuyển động của bé cưng trong bụng. Và dĩ nhiên, con trong bụng cũng thích thú vì điều đó không kém gì mẹ. Bằng cách này, bạn có thể tăng mức độ gắn kết tình mẫu tử và nhờ vậy ngừa được trầm cảm sau sinh. Thế nhưng, nếu xoa bụng quá mạnh và thường xuyên có thể gây kích thích tử cung, dọa sẩy, thậm chí là sinh non kể từ tháng 7 trở đi. Khi có tác động quá mạnh lên vùng bụng, thai nhi có thể bắt đầu di chuyển nhiều hơn, đây có thê là tín hiệu cho thấy em bé trong bụng đang không thoải mái mà mẹ phải hết sức chú ý theo dõi. Tốt nhất, mẹ nên hạn chế xoa bụng và nếu có xoa, chỉ nên xoa nhẹ nhàng thôi nhé!
3. Tiếng ồn lớn và bất ngờ
Những giai điệu nhẹ nhàng, du dương không chỉ mang lại lợi ích cho thai nhi mà ngay cả trẻ sơ sinh cũng rất thích thú với điều này. Kể từ khoảng tuần 20 trở đi, cơ quan thính giác của thai nhi đã phát triển hoàn thiện và có thể lắng nghe những âm thanh bên ngoài. Em bé sẽ thích thú khi được nghẹ giọng nói ngọt ngào của mẹ, giọng kể chuyện trầm ấm của bố hay âm thanh của những ca khúc du dương. Và ngược lại với tất cả, tiếng ồn lớn và bất ngờ là điều thai nhi sợ hãi nhất. Nó là một trong những nỗi khiếp sợ đối với bất kỳ đứa trẻ nào còn nằm trong bụng mẹ. Do đó, mẹ phải giữ không gian xung quanh thật yên tĩnh, tránh xa những tiếng ồn ào như tiếng còi xe, tiếng máy xay sinh tố, máy xẻ gỗ...
4. Mẹ căng thẳng tột độ
Tâm trạng của mẹ thế nào, thai nhi đều cảm nhận được hết đấy. Nếu mẹ căng thẳng, cơ thể sẽ sản sinh các hormone căng thẳng gây ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Thậm chí, bà bầu thường xuyên bị căng thẳng, nguy cơ sinh con tự kỷ tăng gấp 2 - 3 lần. Vì vậy, trong thời gian mang thai, mẹ nên giữ tinh thần thoải mái. Mẹ có thể thử một số cách để giảm căng thẳng như hít thở sâu, ngồi thiền, tập thể dục, yoga hoặc đơn giản là một buổi tối yên tĩnh, ấm áp bên chồng.
5. Ánh sáng quá chói chiếu thẳng vào bụng bầu
Nhiều mẹ thường có thói quen thích dùng một chiếc đèn pin nhỏ để chiếu vào bụng bầu vì nghĩ rằng cách này giúp tăng cường thị giác, thai giáo cho thai nhi. Thực tế, các chuyên gia không khuyến cáo việc làm tiềm ẩn nhiều rủi ro như thế. Khi mẹ bật đèn pin rọi vào bụng, em bé có thể phản ứng lại bên trong tử cung. Tuy nhiên, ánh sáng quá chói chiều vào bụng sẽ làm phiền thai nhi, đặc biệt lúc em bé đang trong trạng thái nghỉ ngơi. Thậm chí, em bé có thể chẳng thích nên không có bất kỳ tương tác nào. Nếu mẹ thích, mẹ nên giữ lại chiếc đèn pin này và sử dụng nó vào tháng cuối, chỉ nên chiếu trong thời gian ngắn, cách đủ xa với thành bụng và chiếu trong lúc thai nhi thức mẹ nhé!
6. Trằn trọc trong giấc ngủ
Bà bầu hay trằn trọc trong giấc ngủ sẽ khiến em bé bị giật mình. Trong thai kỳ, có được một giấc ngủ tron vẹn không phải là chuyện dễ. Nhất là trong 3 tháng cuối, trọng lượng thai nhi tăng lên, kích thích tử cung tăng đáng kể và hàng loạt những thay đổi trong cơ thể để chuẩn bị cho kỳ khai hoa nở nhụy. Ngoài tác nhân là những thay đổi trong thai kỳ, có thể do bà bầu ăn hoặc uống những thực phẩm có chất kích thích, thức ăn khó tiêu, nhiều dầu mỡ hay ăn quá nhiều trong bữa cơm cũng sẽ gây khó ngủ. Khi bà bầu thường xuyên trở mình cách nhanh vội, đó không phải là cảm giác tốt đối với em bé trong bụng. Nó có thể đánh thức thai nhi khi con đang nghỉ ngơi, say giấc. Thế nên, nếu thực sự khó chịu, mẹ nên từ từ chậm rãi xoay mình, đừng vội vàng hay quá mạnh.
7. Thức ăn cay nóng
Em bé có thể cảm nhận được hương vị mặn - ngọt của thức ăn mà mẹ ăn thông qua nước ối. Theo các nghiên cứu, thai nhi ghét thức ăn cay. Thay vào đó, nếu mẹ ăn ngọt, thai nhi sẽ thích thú nuốt nước ối nhiều hơn. Điều này trái ngược hẳn khi mẹ ăn cay, khiến thai nhi di chuyển xung quanh vùng bụng, phản ứng một cách căng thẳng.
8. Mẹ buồn bã, lo âu
Em bé trong bụng ghét tiếng mẹ cười quá to, nhưng điều này không đồng nghĩa mẹ có thể buồn. Phụ nữ mang thai tránh cảm giác buồn bã, lo âu vì nó cũng có tác động tiêu cực đến em bé trong bụng khiến bé buồn bã. Vì vậy, nếu muốn tốt cho bé, mẹ phải luôn luôn vui vẻ, tránh suy nghĩ tiêu cực.
9. Không gian chật hẹp
Khi em bé lớn, nhất là trong những tháng cuối, phần không gian sẽ trở nên chật hẹp khiến thai nhi khó khăn di chuyển. Mặc dù thai nhi không thích không gian chật hẹp nhưng mẹ chẳng có thể làm gì để thay đổi ngoài việc chờ đến ngày con được sinh ra. Mẹ bầu nên cố gắng giữ vùng bụng được căng giãn thay vì thường xuyên thu mình lại trong nhà, hết ngủ lại ngồi.
10. Mẹ đói
Cũng giống như những điều khác, cơn đói của mẹ bầu cũng có ảnh hưởng đến em bé trong bụng. Em bé chẳng thích mẹ đói vì khi mẹ đói, thai nhi có thể đá và di chuyển nhiều hơn. Vì vậy, khi cơn thèm ăn đến, mẹ nên đi thẳng vào nhà bếp, tìm một cái gì đó để ăn nhé. Khi đó, mẹ sẽ cảm nhận được cú đạp yêu thương của bé cưng đáp lại.