Mấy chị em phụ nữ mình hay có thói quen chơi hụi, ở công ty cũng có, mà ở trong xóm gần nơi ở cũng có.

Thật ra việc chơi hụi xuất phát từ văn hóa với tinh thần giúp đỡ nhau những lúc khó khăn. Từ đó, được pháp luật thừa nhận. Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định hụi là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

Mục đích của việc tổ chức này là nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân và được thực hiện theo quy định của pháp luật. Nếu có tính lãi thì phải theo quy định của Bộ luật dân sự. Nghiêm cấm việc tổ chức dưới hình thức cho vay nặng lãi. 

Tuy nhiên, trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ chủ hụi vỡ nợ bỏ trốn để lại bao nhiêu người phải gánh lấy khó khăn. Về phần mình, sau khi đọc xong mấy vụ này, mình không dám tin tưởng chơi hụi, mặc dù pháp luật thừa nhận nó, bởi rủi ro mà người chơi hụi phải gánh lấy rất cao nhất khi chủ hụi ôm tiền bỏ đi. Rồi họ cũng sẽ bị xử lý, nhưng để lại nhiều khó khăn mà người chơi phải mất thời gian để khôi phục lại.

Nay mình đọc báo Tuổi Trẻ lại thấy có tin này, “Chủ hụi viết thư tạm biệt để lại rồi cả nhà dọn đi biệt tăm, xóm lao động nghèo khóc ròng vì tiền mồ hôi nước mắt bị gom sạch.”

hình ảnhẢnh trái: Hàng chục sổ sách tham gia chơi hụi do bà N.T.T. làm chủ. Ảnh phải: Hụi viên xóm lao động nghèo khóc ròng khi chủ hụi viết thư tạm biệt, nhiều người thay phiên kéo đến canh nhà bà T. Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

Một tuần nay, cả xóm lao động nghèo (khóm Đông Bình B, phường Đông Thuận, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) nháo nhào, khóc hết nước mắt vì chủ hụi là bà N.T.T. (50 tuổi, ngụ cùng khóm) và gia đình bỏ đi biệt tăm.

Bà T. bỏ đi, để lại bức thư tay "tạm biệt một thời gian" các hụi viên và nói do nợ nần nên hết khả năng chung hụi.

Bà N.T.M.H. (42 tuổi, ngụ xã Thuận An, thị xã Bình Minh) cho biết cả khóm Đông Bình B có khoảng 40 hụi viên tham gia 20 dây hụi do bà T. làm chủ. Mỗi dây từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng và được lập thành sổ rõ ràng.

"Tôi tham gia đủ 20 dây hụi trên với số tiền khoảng 700 triệu đồng. Ngoài ra, bà T. còn mượn thêm 40 triệu đồng rồi dọn đồ bỏ đi mất" - bà H. kể.

Khi bà T. bỏ đi, các hụi viên kéo đến nhà bà mới vỡ lẽ có người tham gia, đóng hụi nhưng không có tên trong sổ, có người không chơi thì lại ghi tên vào sổ.

hình ảnh

Ảnh chụp màn hình

Bà L.T.H. (38 tuổi, ngụ Khóm Đông Bình B) cho biết đa số hụi viên trong xóm đều là lao động nghèo, sống nhờ nghề ươm mầm rau giống.

"Tụi tui làm lụng quần quật từ sáng sớm đến tận ban đêm. Dành dụm được bao nhiêu đều đóng hết vào các dây hụi của bà T.. Do là người cùng xóm nên ai cũng tin tưởng, nhưng không ngờ bị gạt mất trắng" - bà H. nói.

Các hụi viên cho biết thêm ngày 22/4/2020 là ngày hốt dây hụi khoảng 40 triệu đồng thì khuya hôm trước bà T. dọn sạch đồ đạc bỏ đi biệt tăm. Phát hiện sự việc, rất đông hụi viên ở phường khác ở thị xã Bình Minh cũng kéo đến vây nhà bà T.

"Tính toán sơ sơ trên các sổ hụi số tiền người dân đóng cho bà T. lên đến gần 5 tỷ đồng" - bà L.T.H. cho biết.

hình ảnh

Ảnh: Khi hay tin chủ hụi biến mất, người dân khắp nơi kéo về tụ tập trước nhà bà T. để tìm người đòi tiền. Nguồn: Báo Tuổi trẻ

Hiện vụ bể hụi trên đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long thu thập tài liệu, chứng từ để tiến hành truy xét.

Theo quy định tại Nghị định 19/2019/NĐ-CP về họ, hụi, biêu, phường thì trong trường hợp có tranh chấp phát sinh thì các bên có thể giải quyết bằng cách thương lượng, hòa giải hoặc yêu cầu Tòa án dân sự giải quyết.

Còn nếu chủ hụi, thành viên, cá nhân và tổ chức có liên quan phát hiện có dấu hiệu cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác thì có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như trong vụ việc nêu trên, số tiền mà bà T. mang theo lúc bỏ đi quá lớn, ước tính đến gần 5 tỷ đồng, cho thấy có dấu hiệu phạm tội hình sự, còn phải điều tra hành vi cụ thể như thế nào mà có thể xử lý tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Căn cứ Điều 174 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp như đã bị phạt hành chính mà còn vi phạm; đã bị kết án về các tội xâm phạm sở hữu nhưng chưa được xóa án tích; hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm, hoặc tù chung thân. 

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Còn theo Điều 175 về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì người nào vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; hoặc đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản, với giá trị từ 4 triệu đồng trở lên hoặc dưới 4 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội xâm phạm sở hữu, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm.


Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Lưu ý, giá trị tài sản bị chiếm đoạt là cơ sở để định khung tình tiết tăng nặng đối với hai tội danh này.

Chủ hụi phạm tội chắc chắn sẽ bị xử lý, chỉ có người dân ở xóm lao động nghèo là khổ với việc phải chật vật từng bữa ăn, lo lắng mai này có bệnh hoạn, ốm đau thì không biết lấy tiền đâu để trang trải cho gia đình, bản thân. 

Tổng hợp