Ở nhà có con nhỏ, trông chừng phải cẩn thận các mẹ ạ.

>>> Bố mẹ đăng ảnh con trên Facebook có bị phạt không: Ai hay khoe con nên biết

Xem vụ này mà mình cũng thót tim theo, may là đứa bé qua khỏi, chứ không chắc gia đình bé cũng ân hận lắm.

Theo tin báo Tuổi trẻ mình đọc được tối qua, ở Phú Thọ, ngày 12/5/2020, xảy ra vụ việc cháu bé trai 8 tuổi đang đi xe đạp thì bị tấm tôn trên xe hàng cứa cổ, chảy máu nhiều. Ngay sau đó, gia đình băng ép vết thương và nhanh chóng đưa cháu bé đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ. Tại đây, các bác sĩ đã huy động toàn bộ ê kíp cấp cứu cầm máu cho bé, dùng thuốc giảm đau chống sốc và chuyển mổ cấp cứu.

hình ảnh

Ảnh trái: Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. Ảnh phải: Các bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhi ngay sau khi bé được chuyển đến bệnh viện hôm 12/5/2020. Nguồn: Bệnh viện cung cấp (Báo Thừa Thiên Huế )

Các bác sĩ trực tiếp tham gia phẫu thuật cho cháu bé cho biết, vết thương sâu rộng, cổ gần góc hàm phải sắc góc, kích thước 6cm, chảy máu nhiều làm đứt toàn bộ cơ ức đòn chũm. May mắn là động mạch cảnh của cháu bé không bị tổn thương. Nếu vết thương chệch 1 mm nữa sẽ làm đứt động mạch cảnh, nguy cơ tử vong rất cao do mất máu nếu không được sơ cứu đúng cách khi đang di chuyển đến bệnh viện.

Hiện tại sau phẫu thuật, sức khỏe của bé đã ổn định và đang được theo dõi tại khoa ngoại chấn thương chỉnh hình của bệnh viện.

Được biết đây là tai nạn do xe chở tôn xảy ra lần thứ 3 trong vòng 4 năm qua. Trước đó, vào năm 2016 cũng đã có 2 vụ tai nạn tương tự xảy ra ở Hà Nội, hậu quả làm 1 cháu bé tử vong, cũng trong tình huống đang đi xe đạp, dù cháu bé này đã được chuyển ngay đến cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai.

hình ảnh

Ảnh chụp từ báo Tuổi trẻ

Qua vụ việc, bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương ở Phú Thọ cảnh báo cần phải cẩn trọng với những xe chở vật liệu cồng kềnh tham gia giao thông. Khi gặp trường hợp không may như bệnh nhi, việc sơ cứu cần thực hiện càng nhanh càng tốt để tránh mất máu cho người bị nạn.

Các bác sĩ khuyến cáo trong tình huống tương tự, cần sơ cứu càng nhanh càng tốt để tránh mất máu cho người bị nạn. Người sơ cứu nhanh chóng dùng những vật dụng hiện có như gạc, khăn tay hay miếng vải, cuộn lại đặt lên vết thương, băng ép lại với lực vừa đủ giúp hạn chế chảy máu nhưng không khiến nạn nhân khó thở. Sau đó dùng dây băng ép choàng qua vùng nách đối diện của nạn nhân rồi buộc lại để cố định vị trí băng ép.

Người tham gia ứng cứu tuyệt đối không được sử dụng thuốc lào, thuốc lá các loại bột hoặc nhai lá cây đắp lên vết thương. Cách sơ cứu này không mang lại hiệu quả cầm máu mà còn khiến nạn nhân đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử gây khó khăn cho việc cứu chữa.

Quay trở lại với vấn đề xem xét trách nhiệm của người có liên quan đến vụ cháu bé 8 tuổi bị tôn cứa cổ suýt qua đời? Là cha mẹ của cháu bé hay người chở tôn?

Thứ nhất, về phía cha mẹ, đáng lý ra nên kiểm soát hoạt động của con mình, nhất là cháu bé 8 tuổi, đang trong độ tuổi hiếu động, nhận thức sự nguy hiểm trước mắt chưa được rõ ràng. Với tình hình an toàn giao thông hiện nay nhiều nguy hiểm, cho trẻ ra khỏi nhà chơi cũng cần phải giám sát kỹ lưỡng.

Thứ hai, về phía người chở tôn.

Cần xem lại người này chở tôn bằng loại xe gì, là xe mô tô, xe gắn máy hay các loại xe thô sơ…

Nếu là xe mô tô, xe gắn máy, từ lâu Luật giao thông đường bộ năm 2008 đã nghiêm cấm việc dùng xe để kéo, đẩy, mang, vác vật cồng kềnh. Còn là xe thô sơ chở hàng thì cần phải đảm bảo an toàn khi xếp hàng lên xe, không gây cản trở giao thông và che khuất tầm nhìn của người lái.

Trong trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ dẫn đến hệ quả làm cho người khác bị thương với tỷ lệ tổn thương từ 61% trở lên,… sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Căn cứ Điều 260 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, mức án là phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Nói tóm lại, vụ việc này cần phải xem loại xe chở hàng này là xe gì và tỷ lệ tổn thương trên cơ thể cháu bé được xác định là bao nhiêu mới có thể xem xét trách nhiệm hình sự.

Như trong vụ cứa cổ làm cháu bé tử vong xảy ra hồi năm 2016 mình đã kể, cuối cùng, người chở tôn bị tuyên án phạt 6 tháng tù treo.

hình ảnh

Ảnh: Ông Định Ngọc Thạch bị phạt cải tạo 6 tháng không giam giữ trong vụ chở tôn cứa cổ cháu bé dẫn đến tử vong ở Hà Nội xảy ra vào năm 2016. Nguồn: Báo Người Lao động

Từ chuyện của người ta, mẹ hãy rút kinh nghiệm cho mình, giám sát con kỹ lưỡng khi có ý định cho trẻ ra khỏi nhà chơi đùa.

Tổng hợp