Nhớ lúc nhỏ mỗi lần mẹ đang hầm xương mà bận việc khác thì nhờ em canh rồi hớt bọt sủi trắng. Sau này lớn lên biết nấu nướng, em cũng duy trì thói quen đó nhưng mỗi lần làm thì đặt câu hỏi: Tại sao phải vớt bọt, họa chăng nó có phải chất độc hại gì? Thế nên, dù thấy mắc công nhưng em cứ vớt bọt theo thói quen khi chưa tìm ra được câu trả lời. Mãi đến hôm nọ, em vô tình đọc được thông tin trên mạng mới rõ thực hư các mẹ ạ. 

Được biết, nhiều mẹ cũng thắc mắc, hoang mang như em, bởi luôn có tin đồn nước bọt đó chính là chất bẩn hay hóa chất độc hại có trong thịt tiết ra cần hớt bỏ. Nhưng một số khác lại cho rằng, bọt này là do protein trong thịt đông tụ mà thành do trong thịt vốn có hai thành phần chính là protein và chất béo. Vậy để biết ý kiến nào mới chính xác thì cứ dựa vào ý kiến của chuyên gia.

hình ảnh

Ảnh minh họa - nguồn internet

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa cho biết, phần bọt đó không có độc tố và cũng không phải do lợn nuôi có hóa chất: “Đám sủi bọt đó chính là lượng protein hòa tan trong nước sau đó đông tụ và nổi lên khi nước luộc thịt, xương bắt đầu sôi lăn tăn và dễ trào ra ngoài. Đám sủi bọt đó cũng tương tự như nấu canh cua vậy”.

Vậy nên, phần bọt đó có thể coi là do một phần chất bẩn có trong thịt, xương do trong quá trình giết mổ, vận chuyển, bảo quản thì thịt, xương có thể dính bụi bẩn chứ không thể khẳng định là lợn được tiêm hóa chất.

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh nói thêm: “Khi nấu, chúng ta có cảm giác nó bẩn nên đổ đi cũng đúng, khi protein kết tủa thì chất bẩn đó nó quện theo protein đông tụ lại. Vì vậy, mọi người múc bỏ đi là việc rất đúng”.

hình ảnh

Ảnh minh họa - nguồn internet

Tóm lại, việc hớt bọt sủi trắng không bắt buộc nhưng lại cần thiết vì như vậy sẽ giúp người ăn yên tâm hơn, đồng thời nước dùng cũng trong, hấp dẫn ăn ngon hơn. Do đó, sau khi luộc sơ xương, các mẹ đổ bỏ nước đầu tiên rồi luộc lại lần 2 để lớp sủi bọt nào bớt đi, đỡ vất vả vớt hơn cũng hoàn toàn hợp lý nhé. 

Nguồn: thông tin tổng hợp