Lũ kéo dài hơn tuần nay nhưng đáng nói là hiện nay mực nước càng lúc càng dâng cao khiến nhiều khu vực ở miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, Quảng Bình là một trong những tỉnh thành phải chịu thiệt hại nặng nhất. Nhiều gia đình bị ngập chìm trong biển nước, sóng đánh ào ào, người dân không thể di chuyển và gào thét kêu cứu. 

Trước tình hình đó, chính quyền địa phương cùng lực lượng chức năng đang khẩn trương tiến hành các công tác cứu nạn, giúp đỡ người dân. Và đến 17h chiều 19-10, lực lượng cứu hộ ở tỉnh Quảng Bình vẫn quần thảo các xã dọc sông Kiến Giang tại huyện Lệ Thủy để tiếp tục ứng cứu hàng trăm trường hợp người dân mắc kẹt trong cơn lũ lịch sử, trong khi trời vẫn mưa xối xả từng đợt và nước lũ vẫn đang cao rất nguy hiểm. Vậy nên, đưa được ai đến nơi an toàn rồi thì mừng lắm. 

hình ảnh

Ảnh chụp màn hình trang Tuổi Trẻ Online.

Tuy nhiên, người dân thì thất thần, phần vì hoảng sợ, phần vì đồ đạc, nhà cửa tiêu tan hết. Ông Nguyễn Văn Hạt (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) cùng vợ đã được canô cứu hộ vượt sóng dữ tiếp cận, cứu khỏi căn nhà chìm trong biển nước và có thể sập bất cứ lúc nào. Vừa thoát khỏi nhà, ông Hạt mếu máo: "Tui trắng tay rồi, không còn chi hết nữa...".

Thoát ra khỏi căn nhà lũ nhấn chìm trong biển nước, ông Hạt và vợ nhai ngấu nghiến miếng lương khô cứu đói của lực lượng cứu hộ. Nhà ông Hạt ở sát bờ sông Kiến Giang, nước lũ dâng đến mái nhà kèm sóng lớn khiến các thuyền nhỏ của người dân không thể tiếp cận. 

Suốt 3 ngày đêm, ông Hạt cùng vợ chỉ nhai mì gói sống cầm cự. Các con đã được đưa đi đến nhà phó chủ tịch xã trú, ông Hạt ở lại giữ nhà nhưng không ngờ lũ quá lớn và mắc kẹt lại trong căn nhà cấp 4 khiến hai vợ chồng kiệt quệ. 

"Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến nay mới thấy lũ lớn đến như vậy, nhà cửa trôi hết rồi, còn 2 con trâu cột trong nhà nhưng giờ sống chết tui cũng không màng tới nữa" - ông Hạt nghẹn ngào.

hình ảnh

Ông Nguyễn Văn Hạt được cứu sau 3 ngày mắc kẹt trong dòng lũ. (Nguồn: Tuổi Trẻ Online)

Tương tự, ông Dương Công Mãi cũng được canô cứu hộ cứu khỏi căn nhà vừa mới sập do lũ cao kèm sóng lớn. Suốt 3 ngày qua ông Mãi dầm mình trong nước lũ neo cột tài sản, nhưng khi nhà sập ông Mãi đành phải bơi ra ngoài. 

Mấy ngày lăn lộn với nước lũ, tay chân ông Mãi tím tái do lạnh và bị đồ đạc trong nhà va chạm mỗi khi sóng đánh mạnh vào nhà. "Giờ cứu được mạng là mừng rồi, nhà cửa tan hoang hết rồi tui cũng kệ" - ông Mãi nói.

Không chỉ riêng ông Hạt và ông Mãi mà thực tế còn nhiều người dân rơi vào hoàn cảnh khốn cùng như vậy. Chỉ mong sao mọi người đều được lực lượng chức năng đến ứng cứu kịp thời, bởi ông bà ta có câu: “Còn người còn của” nên làm gì cũng phải giữ tính tính mạng trước, rồi sau này tìm cách xây dựng lại nhà cửa sau. Vậy nên, những người dân nào đang sống trong vùng lũ cần nhất nắm rõ những điều dưới đây để tránh điều đáng tiếc xảy ra nhé. 

- Thường xuyên nghe dự báo về thông tin khẩn cấp hiện thời và các chỉ dẫn. Nếu được yêu cầu sơ tán hãy thực hiện ngay lập tức.

- Trường hợp không kịp thời di chuyển thì phải cắt hết các nguồn điện sinh hoạt trong nhà. Đồng thời mặc áo phao, đem theo một số lương khô và nhanh chóng trèo leo nơi cao ráo nhất. Lưu ý, đừng trèo lên tum nhà bị đóng, vì bạn có thể bị mắc kẹt bởi nước lũ đang dâng lên và chỉ lên mái nhà nếu cần thiết. Khi đã ở đó, hãy phát đi dấu hiệu cần giúp đỡ như dùng còi thổi hay gõ chảo, nồi thật mạnh.

- Không nên đi bộ trong dòng nước. Nếu bất đắc dĩ phải băng qua thì hãy chọn nơi nước đứng yên và cầm theo một cây gậy cứng dò đường cũng như dò độ sâu mực nước. Bởi dòng nước đang chảy mạnh, chỉ cần cao 15cm là đủ đẩy ngã người lớn và nếu đạt độ cao 60cm thì sẽ có thể cuốn trôi xe hơi.

- Không lái xe vào vùng đang có lũ hoặc lỡ đang lái mà lũ đến bất ngờ, bị nước cuốn thì hãy rời xe ngay lập tức. Nếu nước ngập vào trong xe và không thể mở cửa thì bạn đừng tiếc của, mà hãy nhanh tay tìm đồ vật nhọn đập vỡ kính để chui ra. 

Và khi mưa lũ đi qua, mọi người cũng không được chủ quan mà trở về nhà ngay. Bởi tuy nước lũ đã rút nhưng nó vẫn sẽ để lại một số hậu hoạn rất nguy hiểm. Vì vậy, để có thể xây dựng lại cuộc sống an toàn và ổn định thì bạn nên lưu ý thêm các vấn đề sau.

- Chỉ trở về nhà khi lực lượng chức năng thông báo nơi đó đã an toàn. 

- Trên đường đi về cố gắng tránh những chỗ còn dòng nước chảy, đồng thời quan sát cẩn thận tránh những chỗ có dây điện đứt, cống bị sập…

- Bước về nhà từ từ để kiểm tra kỹ phần nền móng, mái hiên, các bức tường còn chắc chắn nữa không.

- Thay các dây điện, ổ cắm điện mới và xem các đồ điện kỹ lưỡng trước khi bật cầu dao sử dụng vì bị nước lũ ngấm vào dùng rất nguy hiểm.

- Sau lũ, nhà nước và các mạnh thường quân sẽ hỗ trợ phần nào về tiền bạc nên tận dụng đó để khôi phục trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng lại cuộc sống. 

Nguồn: thông tin tổng hợp