Lấy chồng mà sống chung với gia đình chồng, thể nào cũng sẽ có ngày xảy ra cái chuyện “giữa tình và hiếu, anh chọn cái nào?”.

>>> Hướng dẫn mẹ thủ tục sang tên sổ đỏ từ A đến Z: Đỡ tốn thời gian, tiền bạc, không rước bực mình

Đã bao giờ mẹ gặp hoàn cảnh đó chưa? Mình thấy vài người bạn xung quanh, chắc là mẹ chồng của mấy cô bạn này lường trước được cái chuyện tất yếu này có thể xảy ra nên là có người chưa có của cho con xây nhà riêng thì cũng cho tự thuê mướn ở riêng, còn người có thì cho hẳn căn nhà riêng để ở để không phải chung chạ, xảy ra lắm thứ mâu thuẫn, mà có khi ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân của 2 vợ chồng. Như cái phim “Sống chung với mẹ chồng” một thời lừng lẫy là minh chứng đó các mẹ.

Qua nghe chị này tâm sự mà thấy sự đời nhiều lúc đưa người ta đứng ở giữa ngã ba, làm theo ý mình thì lại không vừa lòng người khác, nhưng chẳng lẽ cứ chiều theo ý người khác hoài, còn bản thân mình cứ ôm mãi cái sự khó chịu sao.

Chị kể về làm dâu đến nay được 10 năm, vợ chồng chị sống cùng với bố mẹ chồng và em trai chồng còn độc thân. Mẹ chồng chị là người khó tính, dù vậy, nhưng chị vẫn hết lòng chăm sóc bà. Mối quan hệ giữa nàng dâu với mẹ chồng vẫn giữ ở chuẩn mực nhất định, chưa bao giờ hàng xóm nghe được tiếng xích mích. Chị mua cái gì cho bố mẹ ruột thì cũng mua luôn cho bố mẹ chồng.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Trang Gia đình và Xã hội. 

Kinh tế nhà chồng cũng được xếp vào loại khá giả. Thu nhập vợ chồng mỗi tháng dùng để chi tiết tất tần tật mọi thứ trong gia đình chồng, xong xuôi vợ chồng chị cũng tiết kiệm được một ít. Tích tiểu thành đại nên giờ vợ chồng chị có được 600 triệu đồng. Vợ chồng chị định mua nhà để ra ở riêng, vì ít bữa em trai chồng cũng sẽ lấy vợ về, nhà cũng sẽ thêm phần chật chội.

Căn nhà mà vợ chồng ưng nhất giá khoảng 1 tỷ. Vợ chồng chị đã có được 600 triệu, còn thiếu 400 triệu. Bên ngoại cho thêm 200 triệu. Còn lại 200 triệu đi vay. Chồng chị thấy thế cản, nói để hỏi mượn bên nội, để đỡ phải trả lãi ngân hàng mỗi tháng.

Tối hôm đó, khi cả nhà đã xong xuôi cơm nước, đang ngồi xem tivi thì chị đánh bạo hỏi mẹ chồng về chuyện vay tiền mua nhà. Bà chưa gật đầu liền mà nói để suy nghĩ, thấy thế, chị hào hứng đưa mẹ chồng đến căn nhà định mua. Bà cũng tỏ ra vui vẻ, ủng hộ ra mặt về việc vợ chồng chị ra riêng tự lập. Vài ngày sau đó thì mẹ chồng gọi 2 vợ chồng chị lại nói đồng ý cho vay 200 triệu đồng, không tính lãi lời nhưng bà đưa ra điều kiện phải để cho bà cùng đứng tên sổ đỏ.

Bà lấy lý do là vì chồng chị không được tuổi mua nhà trong năm nay, nên bà phải đứng tên, chị tỏ ra khá bất ngờ vì không biết phản ứng sao, còn chồng chị giả ngó lơ để mẹ và vợ tự xoay sở giải quyết với nhau. Trước tình thế đó, chị đã thẳng thắn từ chối luôn, vì đây là nhà của vợ chồng chị, nên chị muốn đứng tên chính chủ. Chị cũng là người có niềm tin tín ngưỡng, nhưng không kiểu nặng nề như mẹ chồng chị. Thường thì không được tuổi chỉ phải nhờ đứng tên cúng nhập trạch, chứ ai mà nhờ đứng tên trên giấy tờ đâu?!

Các mẹ đoán bà mẹ sẽ phản ứng thế nào?

Tất nhiên là bà mẹ chồng tỏ ra không hài lòng, đã vậy còn kể ra mấy chuyện xui xẻo có thể xảy ra với 2 vợ chồng nếu không nghe lời bà. Thấy tình hình quá căng thẳng nên chị nghĩ kế hoãn binh, hứa sẽ cân nhắc.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 

Anh chồng lúc này cũng khó xử, nghe mẹ nói thế về tỉ tê với vợ, với người ngoài thì sợ, chứ mẹ là người trong nhà thì sợ gì chứ, trước sau cũng muốn tốt cho vợ chồng chị thôi. Chị thấy thế nói lý lại, vậy nhờ bố mẹ ruột chị cùng đứng tên giúp.

Chồng chị thấy thế quay ngược lại, bảo chị cãi bướng và nhỏ mọn.

Chị nghe vậy càng tức hơn và nhất quyết không đồng ý với yêu cầu vô lý của bà mẹ chồng. So về gia cảnh kinh tế của 2 gia đình, bố mẹ chị dù có cuộc sống bình dân và thu nhập trung bình, nghe tin con gái mua nhà đã cho không 200 triệu, còn mẹ chồng không những không cho mà còn chắc lép, đòi cùng đứng tên trên sổ đỏ.

Cuối cùng chị quyết định chọn cách vay ngân hàng, thà mỗi tháng chịu lãi còn hơn là để mẹ chồng cùng đứng tên căn nhà riêng của 2 vợ chồng. Cũng vì chuyện này mà vợ chồng chị lục đục suốt cả tháng nay, anh chồng tỏ ý không mua nữa. Còn bà mẹ chồng thì mặt lúc nào cũng đăm đăm khó chịu. Điều này khiến cuộc sống của chị hiện giờ trở nên căng thẳng.

Nghe từ đầu đến cuối câu chuyện, mình hiểu được cái khó chịu của chị, nên mới bày tỏ chia sẻ của chị như thế này:

Thật ra trước giờ mọi người vẫn nghĩ cái chuyện làm giấy tờ sổ đỏ rất khó khăn (thực tế là có khó khăn thật nếu mẹ không chịu tìm hiểu kỹ trước khi làm), và thường đứng tên trên sổ là 2 vợ chồng hoặc đơn lẻ một cá nhân. Vẫn có trường hợp một sổ đứng tên nhiều người nhưng là dạng nhà hoặc đất rộng, có thể phân lô, thành các dạng nhà nhỏ, mảnh đất nhỏ.

Và chị vẫn nghĩ rằng mẹ chồng cho vay tiền, đứng tên trên sổ đỏ sẽ là mãi mãi và khó thể ràng buộc chuyện bỏ bà mẹ chồng ra khỏi tên chủ sở hữu của căn nhà đó, khi đã trả xong nợ.

Không phải mình chị mà rất nhiều người có cùng suy nghĩ này, cho nên mới xảy ra câu chuyện nhiều người cùng đóng góp tiền để mua một mảnh đất hay một căn nhà, nhưng đổi lại chỉ có một người đứng tên chủ sở hữu trên mảnh đất hay căn nhà đó.

Việc làm này sẽ đối diện với rất nhiều rủi ro là người đứng tên chủ sở hữu đó có thể bán nhà hay đất đó rồi ôm tiền “cao chạy xa bay” mà những người cùng đóng góp tiền để mua không hề biết.

hình ảnhMẫu sổ đồng sở hữu. Nguồn: Internet. 

Nên vì vậy, bà mẹ chồng có yêu cầu cùng đứng tên trên sổ đỏ không phải là không có lý, bà không lấy lời lấy lãi, cũng không có giấy tờ, hợp đồng cho vay tiền, nhưng đổi lại bà muốn có một niềm tin về việc mình sẽ được trả nợ. Còn về vấn đề tâm linh mê tín của bà thì không xét đến, vì đó có thể là lý do để khỏa lấp cho cái lý thật sự của bà mà thôi. Các mẹ không nghe người ta bảo “gừng càng già, càng cay sao”, mình có trẻ tuổi làm sao có nhiều kinh nghiệm bằng người già?

Trong trường hợp này, việc vay tiền ngân hàng là quá dễ dàng với chị rồi, nhưng mình nghĩ chị vẫn có thể xem xét lại đề xuất của mẹ chồng. Hỏi rõ bà, trường hợp nào thì sang tên lại cho chồng chị, để cả 2 vợ chồng cùng hợp thức hóa đứng tên trên sổ đỏ.

Theo quy định của pháp luật về đất đai hiện hành, vẫn có trường hợp cùng đóng góp vốn để mua nhà đất thì khi kê khai đứng tên trên sổ, vẫn có thể bổ sung thêm phần tỷ lệ phần trăm đóng góp, để khi có việc cần thiết, chuyển nhượng lại cho người khác, đây sẽ là cơ sở để phân chia phần tiền sau khi bán được cho các đồng sở hữu. Đây chính là điểm mấu chốt mà ít có ai để ý, phần vì mọi người sợ phiền phức, rắc rối, muốn làm mọi thứ đơn giản, gọn lẹ, nên thành ra khi xảy ra chuyện thì khó mà giải quyết được.

Mình chia sẻ và mong muốn chị có thể suy nghĩ lại để giải quyết được mọi thứ ổn thỏa, chứ cứ dây dưa kéo dài, để mọi thứ mâu thuẫn cứ diễn ra âm ỉ, có ngày bộc phát, hôn nhân có thể tan vỡ chứ chẳng đùa đâu.

Tổng hợp